Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Xây dựng mạng lưới tư vấn và trợ giúp pháp lý về BHXH, BHYT, BHTN để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ

(Pháp lý) - Hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đoàn viên công đoàn và người lao động (NLĐ) trong hệ thống công đoàn đã có những đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho NLĐ, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, trong đó có quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN. Thông qua hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, Công đoàn đã thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ tham gia BHXH, BHYT, BHTN góp phần làm hạn chế nhiều vụ tranh chấp lao động và đình công.

[caption id="attachment_208356" align="aligncenter" width="410"]Tư vấn pháp luật về BHXH và Công đoàn cho NLĐ (ảnh minh họa) Tư vấn pháp luật về BHXH và Công đoàn cho NLĐ (ảnh minh họa)[/caption]

Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý định hướng chiến lược bảo vệ NLĐ

Tư vấn pháp luật là một trong những nội dung quan trọng của công tác pháp luật công đoàn. Hoạt động tư vấn pháp luật được các cấp công đoàn duy trì thường xuyên, trực tiếp tới NLĐ, dưới nhiều hình thức như tư vấn bằng văn bản, tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, qua hòm thư điện tử, tư vấn trực tuyến … Nội dung chủ yếu tập trung vào các chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ và tập thể NLĐ như: Tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, NLĐ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ … Riêng giai đoạn 2015 – 2018, hệ thống các Trung tâm, Văn phòng, tổ tư vấn pháp luật của hệ thống Công đoàn đã thực hiện 139.196 vụ tư vấn pháp luật cho 503.522 lượt người, trong đó: tư vấn trong lĩnh vực lao động, công đoàn, BHXH, BHYT, BHTN là 134.811 vụ (chiếm 96,99%) cho 488.378 lượt người (chiếm 96,99%). Tư vấn trực tiếp cho 131.364 lượt người (chiếm 26,09%), tư vấn gián tiếp cho 204.404 lượt người (chiếm 40,59%), tư vấn lưu động cho 164.754 lượt người (chiếm 33,32%).

Đến nay, hệ thống Công đoàn trong cả nước đã thành lập 81 Trung tâm, Văn phòng, tổ tư vấn pháp luật, trong đó có 16 trung tâm (chiếm 20,25%), 45 văn phòng (chiếm 56,96%), 18 tổ tư vấn pháp luật (chiếm 22,78%). Đã có 60/63 LĐLĐ tỉnh, TP (chiếm 95,23%),17/20 Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn (chiếm 85%) thành lập Trung tâm, Văn phòng hoặc tổ tư vấn pháp luật.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn đã hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ NLĐ tại 694 vụ án, giúp 3.177 NLĐ được quay trở lại làm việc (với số tiền bồi thường hơn 65 tỷ đồng), truy đóng BHXH, BHYT, BHTN cho 67.692 NLĐ, chi trả trợ cấp thôi việc cho 3.514 NLĐ. Tổ chức 14.558 cuộc tuyên truyền cho 926.112 lượt người; tổ chức, phối hợp tổ chức 96 lớp cho 6.590 lượt cán bộ công đoàn, NLĐ.

Có thể nói, hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đoàn viên công đoàn và NLĐ trong hệ thống công đoàn đã có những đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho NLĐ, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, trong đó có quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN. Thông qua hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, Công đoàn đã thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ tham gia BHXH, BHYT, BHTN góp phần làm hạn chế nhiều vụ tranh chấp lao động và đình công.

… Để thực hiện mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho NLĐ

Theo đó, các cấp Công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong việc xem xét, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BHTN; Nghiên cứu, đề xuất cơ chế phát huy vai trò tích cực của hoạt động tư vấn pháp luật giúp hệ thống Công đoàn làm tốt các nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội về BHXH, BHYT, BHTN; Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về BHXH, BHYT, BHTN với các tổ chức như: tổ chức lao động quốc tế (ILO), ngân hàng thế giới (WB), Hội đồng Liên minh châu Âu (EU),… và Công đoàn các quốc gia trên thế giới để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực của Công đoàn trong việc tham gia cùng Nhà nước xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Ngoài ra, các cấp Công đoàn cần tổ chức tuyên truyền phổ biến sâu rộng chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến đông đảo NLĐ. Tuyên truyền vận động người sử dụng lao động tích cực tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ để xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định tại doanh nghiệp và góp phần làm cho chính sách BHXH, BHYT, BHTN thực sự là những trụ cột lớn của hệ thống an sinh xã hội. Chủ động phối hợp với BHXH Việt Nam và các đối tác liên quan để tăng cường kinh phí và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, trong đó đẩy mạnh hình thức tuyên truyền cổ động trực quan xây dựng cụm pano áp phích biên soạn và phát hành các tờ rơi, tờ gấp, sách hỏi đáp chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BHTN đến tay NLĐ.

Đồng thời, các cấp Công đoàn cũng tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn với các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH các cấp trong việc giải quyết các vướng mắc khi thực hiện luật BHXH, BHYT, BHTN và kiểm tra giám sát thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Tham gia là thành viên tích cực của Hội đồng Quản lý bảo hiểm xã hội trong việc quản lý Quỹ BHXH, BHYT bảo đảm thu chi, đầu tư tăng trưởng quỹ hiệu quả và an toàn theo quy định của pháp luật.

Để thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích cho NLĐ, đặc biệt là quyền lợi về bảo hiểm, các cấp Công đoàn cần tăng cường năng lực và vai trò của công đoàn cơ sở trong việc đại diện tập thể người lao động tham gia xây dựng ký kết thỏa ước lao động tập thể; hướng dẫn NLĐ ký hợp đồng lao động đảm bảo đúng pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định đảm bảo để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, NLĐ có việc làm và thu nhập ổn định, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN đối với NLĐ. Nâng cao trình độ và năng lực tư vấn pháp luật BHXH, BHYT, BHTN cho cán bộ công đoàn. Củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy tư vấn pháp luật của các cấp công đoàn, qua đó, tăng cường tổ chức kiểm tra thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với NLĐ, đặc biệt là chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Thành Nguyễn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin