Hàng loạt sai phạm tài chính nghiêm trọng tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) dưới thời Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng được cơ quan chức năng phanh phui…
Ký khống 20 tỷ đồng may đồng phục, cho nhân viên đi nước ngoài
Theo Kết luận thanh tra số 38 của Thanh tra TP.HCM, trong 2 năm (2015, 2016), SAGRI chi hơn 5,8 tỷ đồng mua đồng phục cho người lao động trong tổng công ty. Tuy vậy, Thanh tra TP khẳng định, có đến 5,2 tỷ đồng để trang bị đồng phục, lễ phục năm 2016 không có danh sách phát đồng phục, không có chữ ký nhận đồng phục, lễ phục của các cá nhân có tên trong danh sách.
Đặc biệt, từ ngày 3/10 đến ngày 1/11/2016, Tổng giám đốc SAGRI đã ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số nước như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Nga… với tổng giá trị 13,3 tỷ đồng.
Kết quả xác minh cho thấy, qua kiểm tra 10 người đang công tác tại công ty Bò Sữa và 12 người đang công tác tại công ty Cây trồng có tên trong danh sách đi nước ngoài do Tổng giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng ký thì không có người nào tham gia chuyến đi.
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an TP.HCM xác nhận 40/70 người có tên trong danh sách đi nước ngoài không tham gia các chuyến đi nước ngoài do SAGRI tổ chức, 30/70 người không có thông tin trên hệ thống của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.
Thanh tra TP.HCM khẳng định, SAGRI không thực hiện các chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài trong năm 2016 nhưng vẫn thanh toán toàn bộ chi phí cho hai công ty du lịch với số tiền 13,3 tỷ đồng là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán.
Đặc biệt, để đối phó với sai phạm này, đoàn thanh tra nhận thấy Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng có dấu hiệu cấu kết với công ty du lịch lập hồ sơ chứng từ để hợp thức hóa vụ việc, hạch toán và quyết toán không đúng quy định pháp luật
Theo kết luận thanh tra, Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng, Kế toán trưởng SAGRI phải chịu trách nhiệm của những sai phạm này.
Sử dụng vốn vay sai mục đích, gây thất thoát hàng chục tỷ đồng tài sản Nhà nước
Theo Kết luận Thanh tra Thành phố, năm 2016 và 2017, SAGRI ký vay 3 hợp đồng vay ngoại tệ với Ngân hàng Shinhan Bank Việt Nam số tiền 11,3 triệu Euro - tương đương 274, 727 tỷ đồng. Mục đích vay tại các hợp đồng này là bổ sung vốn lưu động, tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, SAGRI đem đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khác.
Tại thời điểm đáo hạn, vốn gốc phải trả 11,3 triệu Euro quy đổi tiền VNĐ là 299,722 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá đối với vốn gốc phải trả ngân hàng là 24,995 tỷ đồng.
Tháng 12/2017, SAGRI ký tiếp hợp đồng vay VNĐ với số tiền 150 tỷ đồng, mục đích vay là bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, sau khi được giải ngân, SAGRI đã sử dụng sai mục đích, đem tiền đi gửi có kỳ hạn sang ngân hàng khác.
Trong tháng 9 và 10/2016, SAGRI ký 2 hợp đồng vay 131 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong – Chi nhánh Bến Thành. Mục đích khoản vay là góp vốn thành lập pháp nhân mới theo hợp đồng hợp tác đầu tư số 83 ngày 13/5/2017 và hợp đồng hợp tác đầu tư số 90 ngày 2/8/2016. Tuy nhiên, số vốn góp của SAGRI vào hai pháp nhân mới này đã được các đối tác giải ngân cho SAGRI vay không lãi suất trong thời gian 3 năm. Sau khi có tiền, SAGRI đã đi gửi có kỳ hạn vào ngân hàng khác, sử dụng vốn sai mục đích. Con số thiệt hại do chênh lệch lãi suất đến nay chưa xác định được con số cụ thể.
Kết luận cho thấy, tại các thời điểm ký hợp đồng vay tiền, SAGRI đang có một lượng lớn tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng nên SAGRI đi vay tiền để bổ sung vốn lưu động là không cần thiết, làm phát sinh chi phí lãi vay, lỗ do chênh lệch tỷ giá, giảm hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước.
Đồng thời, việc vay tiền sau đó gửi ngân hàng có kỳ hạn là sử dụng vốn vay không đúng mục đích.
Mất 12 tỷ đồng tiền tạm ứng
Đặc biệt, kết luận Kiểm toán Nhà nước cũng như kết luận của Thanh tra Thành phố cho thấy, SAGRI đã “ném” hàng chục tỷ đồng cho đối tác một cách rất dễ dãi. Theo đó, SAGRI và công ty Đức Nguyên đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn để UBND tỉnh Đắk Lắk giao 4.000 ha đất tại huyện Ea Súp để trồng cao su. Sau khi ký hợp đồng, thực hiện ủy quyền của SAGRI, trong hai năm 2011 và 2012, Công ty Bò sữa đã tạm ứng cho Công ty Đức Nguyên 12 tỷ đồng. Năm 2016, tỉnh Đắk Lắk thu hồi chủ trương lập dự án của SAGRI, dự án bị dừng vô thời hạn.
Mặc dù giải ngân số tiền lớn như vậy, nhưng theo Kiểm toán Nhà nước, SAGRI và công ty Bò Sữa đã không có biện pháp yêu cầu Công ty Đức Nguyên cung cấp chứng từ thế chấp tài sản hoặc chứng thư bảo lãnh của ngân hàng. Sau khi nhận được 12 tỷ tạm ứng, mặc cho SAGRI gửi văn bản đòi thanh lý hợp đồng nhưng Công ty Đức Nguyên vẫn không hề phản hồi! 12 tỷ đồng, vì thế, chưa biết bao giờ đòi được.
Những khoản đầu tư thua lỗ
Kết luận Kiểm toán Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm 31/12/2017, SAGRI đã đầu tư vốn vào 25 doanh nghiệp với tổng số vốn đầu tư là 1.038 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh cho thấy có 9/25 đơn vị có kết quả kinh doanh thua lỗ, số lỗ luỹ kế của 10/25 đơn vị đến thời điểm 31/12/2017 là 382 tỷ đồng.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược – Bộ Công an nhận định: "Với một cán bộ điều hành doanh nghiệp Nhà nước mắc sai phạm như vậy thì trước hết phải xử lý hành chính bằng việc cắt hết mọi chức vụ, rồi xem xét khai trừ khỏi Đảng. Tôi biết ông này là em trai nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, nhưng đã sai phạm thì bất cứ ai cũng phải xử lý nghiêm. Trong lúc Đảng và Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đang quyết liệt phòng chống tham nhũng thì trường hợp này tôi đề nghị phải xử lý để nêu gương và củng cố lòng tin của 12 triệu người dân TP.HCM".
Theo nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/tong-giam-doc-sagri-ky-khong-gan-20-ty-dong-lien-tuc-vay-gan-hang-tram-ty-de-gui-ngan-hang-a434453.html