Tình báo phương Tây hoàn toàn thất thế trước tình báo Nga?

London dựa trên sự thiếu nhạy cảm của tình báo Anh, Washington dựa trên niềm tin sâu sắc của tình báo Mỹ để trừng phạt Moscow, chỉ là mưu đồ chính trị ...

Quan hệ Nga-Anh có thể căng thẳng hơn vì vụ việc thêm một điệp viên nhị trùng của Nga bị đầu độc tại Anh

Reuters ngày 7/3 đưa tin, chính phủ Anh cho biết các nhà điều tra của nước này đã hiểu biết nhiều hơn về một độc dược bí ẩn bị cho là đã được sử dụng để đầu độc cựu điệp viên tình báo Nga Sergei Skripal và con gái tại một thành phố của Anh.

Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd, sau khi chủ trì Ủy ban phản ứng khẩn cấp của chính phủ Anh, cho biết: "Chúng tôi đã biết nhiều hơn về chất này và cảnh sát sẽ chia sẻ chi tiết về điều đó".

"Chúng ta cần phải giữ cái đầu lạnh để đảm bảo thu thập tất cả những bằng chứng có thể, chứ không phải chỉ dựa trên dư luận. Sau đó chúng ta sẽ quyết định cần phải làm gì và hành động như thế nào", Reuters tường thuật lời ông Rudd.

 Cựu điệp viên nhị trùng khi bị bắt Sergei Skripal
Cựu điệp viên nhị trùng khi bị bắt Sergei Skripal)

Xin nhắc lại, ông Sergei Skripal, 66 tuổi từng là đại tá tình báo Nga. Năm 2004 đã bị bắt giữ vì bị nghi ngờ lả điệp viên nhị trùng cho tình báo Anh. Ông đã bị kết án 13 năm tù giam vào năm 2006.

Năm 2010, Skripal được đưa đến sinh sống tại Anh trong cuộc trao đổi giữa điệp viên nhị trùng cho Nga bị bắt ở phương Tây với điệp viên nhị trùng cho phương Tây bị bắt tại Nga. Ông được Anh tiếp nhận tại sân bay Vienna của Áo.

Ngày 4/3 ông Skripal và con gái 33 tuổi Yulia, được phát hiện đã rơi vào tình trạng bất tỉnh ở bên ngoài một trung tâm mua sắm ở thành phố Salisbury, miền nam nước Anh. Cả hai cha con đều phải chăm sóc đặc biệt.

Cảnh sát chống khủng bố Anh và phòng thí nghiệm nghiên cứu quân sự của Anh tại Porton Down đang cố gắng xác định chất gây cho Skripal và con gái ông ta bất tỉnh. Vấn đề có thể làm tổn thương mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Moscow và London.

Một nguồn tin an ninh Mỹ nhận định có thể người Nga đã sử dụng độc dược hãm hại Skripal để trả thù cho sự phản bội của một điệp viên nhị trùng. Skripal bị cho là đã làm lộ bí mật của hàng chục điệp viên Nga hoạt động tại Anh trước khi bắt giữ.

Việc Skripal nghi ngờ bị đầu độc khiến Ngoại trưởng Boris Johnson lên tiếng rằng nếu Moscow đứng sau vụ việc thì nước Anh có thể xem lại các biện pháp trừng phạt Nga và sẽ trừng phạt nặng nề hơn với kẻ "ác độc và phá hoại" này.

Moscow đã phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào và cho rằng ông Johnson đã có những nhận xét "hoang dại", mà được nhìn nhận chủ yếu là kích động nhằm phá hoại mối quan hệ giữa Moscow với London.

Trả lời báo giới, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng: "Rất dễ dàng nhận ra đây là một kiểu PR độc hại được thiết kế nhằm làm phức tạp hơn mối quan hệ giữa hai nước".

 Cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko khi bị đầu độc
Cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko khi bị đầu độc)

Theo BBC, từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã có 14 điệp viên hai mang của Nga bị trừ khử, trong đó có cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko nghi ngờ bị đầu độc bằng phóng xạ poloni-210 ở London vào năm 2006. Và Sergei Skripal là 15.

London từng lên án chính quyền Tổng thống Putin đứng sau vụ đầu độc Litvinenko. Và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon đã kêu gọi London phải phản ứng mạnh mẽ hơn nếu Nga tham gia vụ án Skripal.

"Chúng tôi phải đáp trả mạnh mẽ hơn so với vụ Litvinenko. Chúng ta phải ngăn cản hành động của Nga và phải cho họ thấy rằng họ khó có thể thoát khỏi sự trừng phạt nếu hành động của họ bị chứng minh".

Vậy là sau việc Washington sử dụng kết quả thiếu thuyết phục của tình báo Mỹ để áp trừng phạt Nga, London chuẩn bị tiếp bước đồng minh thực hiện hành động "bịt mắt đánh trống" khi lấy kết quả của tình báo Anh làm cơ sở cho quyết định.

Tình báo phương Tây đã hoàn toàn thất thế trước tình báo Nga?

Còn nhớ, ngày 1/11/2016, Giám đốc Cơ quan Tình báo Hoàng gia Anh (M15), ông Andrew Parker đã lên tiếng cảnh báo mối đe dọa ngày càng tăng từ hoạt động tình báo của Nga.

Khi đó ông Parker nhận định rằng Moscow đang thực hiện chính sách đối ngoại ngày càng hung hăng, trong đó có hoạt động tấn công mạng và gián điệp, đặt ra mối đe dọa với Anh và phần còn lại của châu Âu.

Theo Giám đốc MI5, sức mạnh Nga từng là một mối đe dọa tiềm ẩn với phương Tây trong nhiều thập kỷ và bây giờ mối đe doạ từ Moscow còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh rất nhiều.

Ông Parker nhìn nhận Kremin ngày càng tạo ra nhiểu phương pháp chuẩn xác để phục vụ cho việc chống lại phương Tây, bởi "dường như Nga ngày càng xác định mình đối lập với phương Tây và đang có những hành động phù hợp với vị thế ấy".

 Tổng thống Putin là cựu điệp viên KGB là lợi thế tuyệt đối của tình báo Nga
Tổng thống Putin là cựu điệp viên KGB là lợi thế tuyệt đối của tình báo Nga)

Trước đó, Bộ trưởng tài chính Anh Philip Hammond trong công bố Chiến lược an ninh mạng năm năm của nước Anh cũng đã cảnh báo về mối đe dọa ngày càng nguy hiểm hơn từ nước Nga.

Như vậy, phương Tây đã thực sự lo ngại đối mặt với Nga trong một cuộc chiến tình báo và khi M15 - một trong hai cơ quan tình báo nổi tiếng nhất của phương Tây, cùng với CIA - lên tiếng cảnh báo công khai thì vấn để đã trỏ nên nghiêm trọng.

Khi cựu điệp viên KGB Vladimir Putin được bổ nhiệm chức vụ Thư ký Hội đồng An ninh Nga, dư luận đã mường tượng ra việc hoạt động tình báo sẽ được nhà nước Nga khôi phục vị thế và vai trò trong việc bảo vệ giá trị, lợi ích và sức mạnh Nga.

Và dường như tình báo Nga đang tỏ ra chiếm ưu thế so với tình báo phương Tây trong cuộc chiến thầm lặng này, đặc biệt là từ khi ông Putin làm nguyên thủ quốc gia bắt đầu từ ngày cuối cùng của thiên niên kỷ thứ 2.

Có thể khẳng định việc Tổng thống Putin từng là điệp viên KGB là một lợi thế rất lớn cho tình báo Nga mà hiện không có cơ quan tình báo của bất kỳ quốc gia phương Tây nào có được.

Bởi lẽ, dù có thể không tham gia trực tiếp vào việc tổ chức và điều hành hoạt động, nhưng nguyên thủ quốc gia luôn được xem là người quản lý cao nhất của cơ quan tình báo quốc gia.

Khi người đứng đầu nhà nước không chỉ biết nghe báo cáo mà còn có khả năng phân tích dữ liệu của báo cáo thì điều đó luôn được xem là yếu tố giúp cho hoạt động tình báo của một quốc gia hoạt động có hiệu quả.

 Để Capitol Hill phải bịt mặt đánh trồng trong luật hoá trừng phạt Moscow là một thất bại của tình báo Mỹ
Để Capitol Hill phải bịt mặt đánh trồng trong luật hoá trừng phạt Moscow là một thất bại của tình báo Mỹ)

Trong cuộc chiến tình báo thì không thể so sánh tương quan lực lượng để nhận diện ưu thế thuộc về bên nào. Tuy nhiên, nếu xét về kết quả hoạt động và hiệu ứng tác động với đối phương thì có thể nhận diện ưu thế của các bên trong cuộc chiến.

Và nếu phân tích kết quả và hiệu ứng tích cực của một số sự kiện nổi bật gần đây thì có thể nhận diện hiệu quả vượt trội của tình báo Nga trước các đối thủ phương Tây, mà ở đó không thể phủ nhận ảnh hưởng của cựu điệp viên KGB Vladimir Putin.

Thứ nhất, hiệu ứng từ việc Washington tố cáo Moscow gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Đây là sự kiện lịch sử, bởi từ trước tới nay dư luận được biết chỉ tình báo Mỹ mới có thể tác động hoặc can thiệp vào đời sống chính trị của các nước khác trên thế giới, còn ở chiều ngược lại thì chưa có quốc gia nào tác động được vào chính trường Mỹ.

Trong gần một thế kỷ ra đời và tồn tại của Liên Xô, dù KGB được xem là đối thủ xứng tầm của CIA thì cũng chưa bao giờ Washington cáo buộc KGB gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống chính trị Mỹ - nhất là đến tiến trình bầu cử.

Điều này cho thấy, chiến tranh trên không gian mạng - hình thức tiêu biểu nhất cho cuộc chiến tình báo hiện nay - không còn là ưu thế của Mỹ và phương Tây, mà họ đã có đối thủ xứng tầm, thậm chí vượt trội.

Chính cựu Giám đốc CIA Leon Panetta đã phải cảnh báo: “Đừng xem nhẹ những gì họ có thể hay sẽ làm. Trong mức độ nào đó họ đã thành công quấy rối tiến trình bầu cử của chúng ta và họ vẫn chưa phải trả giá”.

Thứ hai, đối phó hiệu quả với những hiệu ứng của cuộc xung đột tại Ukraine, giảm thiểu thiệt hại cho nước Nga khi kẻ thù “ở ngay đầu ngõ”.

 Để Y cựu Tổng thống Yanukovych được giải cứu thành công là thất bại của tình báo phương Tây
Để Y cựu Tổng thống Yanukovych được giải cứu thành công là thất bại của tình báo phương Tây)

Phải thấy rằng việc giải cứu thành công cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych được xem là điều quá bất ngờ với đối thủ vì tính hiệu quả trong hoạt động của tình báo Nga.

Theo giới phân tích, khi ủng hộ cuộc "Cách mạng đường phố" tại Ukraine, phương Tây không chỉ muốn lật đổ một chính quyền thân Nga tại Kiev, mà họ còn muốn bắt giữ và buộc đồng minh chính trị của Tổng thống Putin phải trả giá thật đắt.

Tuy nhiên, cuối cùng họ đã không thể làm được điều đó. Có thể thấy rằng để Tổng thống Putin tái sáp nhập Crimea và giải cứu thành công cựu Tổng thống Yanukovych là nỗi cay đắng nhất của phương Tây, trong có trách nhiệm của hoạt động tình báo.

Thứ ba, việc đảm bảo an toàn cho Tổng thống Assad khiến CIA phải chấm dứt sứ mệnh là câu trả lời chuẩn xác nhất rằng tình báo Nga đã trở lại và lợi hại hơn xưa.

Rõ ràng khi Tổng thống Barak Obama trao sứ mệnh cho CIA chịu trách nhiệm loại bỏ nhà lãnh đạo Syria, tình báo Mỹ tự tin bao nhiêu thì khi Tổng thống Donald Trump thông báo CIA dừng sứ mệnh, tình báo Mỹ ê chề bấy nhiêu.

Cho đến lúc này, cả tính mạng và sinh mệnh chính trị của Tổng thống Assad được bảo đảm và có một thế đứng vững vàng trong bàn cớ chính trị Syria là một trong những thành công của Moscow khi thể hiện sức mạnh Nga trong quan hệ đối ngoại.

Và có thể nhận diện tình báo Nga đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng với Kremlin trong việc đưa nước Nga trở lại bàn đồ chính trị của các siêu cường và chiếm lĩnh ngày càng lớn mặt bằng sân khấu chính trị thế giới.

Tình báo Nga đã thực sự chiếm ưu thế trước các đối thủ phương Tây. Vì vậy, tình báo Anh cáo buộc tình báo Nga liên quan đến cái chết của cựu điệp viên Litvinenko hay việc cựu điệp Skripal bị đầu độc như là một sự thừa nhận thất thế của mình.

 CIA phải chấm sứ mệnh xoá bỏ Tổng thống Assad là thất bại ê chề của tình báo Mỹ trước đối thủ Nga
CIA phải chấm sứ mệnh xoá bỏ Tổng thống Assad là thất bại ê chề của tình báo Mỹ trước đối thủ Nga)

Theo giới phân tích, nhận định của M15 về cái chết của Litvinenko hay việc Skripal bị đầu độc không thuyết phục, nặng tính suy đoán. M15 chưa đủ độ nhạy trong nắm bắt các thông tin quan trọng và đó là yếu điểm lớn nhất trong hoạt động tình báo.

London dựa trên sự thiếu nhạy cảm của tình báo Anh hay Washington dựa trên niềm tin sâu sắc của tình báo Mỹ để trừng phạt Moscow, chỉ là mưu đồ chính trị xây dựng trên những thất bại của hoạt động tình báo phương Tây trước tình báo Nga mà thôi.

Theo Bao Datviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin