Tiêu chuẩn “đặc biệt”

Hội đồng Bầu cử quốc gia ngày 2-2 đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Sự kiện này mở màn cho tiến trình xem xét, lựa chọn những người đại diện của nhân dân vào các cơ quan quyền lực cao nhất từ địa phương tới trung ương. Bên cạnh công tác tổ chức của “ngày hội toàn dân” sẽ diễn ra vào ngày 22-5 tới, năng lực và phẩm chất của những ứng viên làm đại diện cho cử tri cả nước được đặc biệt quan tâm trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Những tiêu chuẩn này đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trình bày một cách cơ bản và rõ ràng.

Theo đó, những người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh, kiểm tra dấu hiệu vi phạm sẽ không được giới thiệu ứng cử vào Quốc hội. Đồng thời, cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước cũng không có chỗ cho những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết…

Việc đặt ra những tiêu chuẩn, quy định về tiêu chuẩn ứng cử viên đại biểu Quốc hội cũng như ứng cử viên HĐND các cấp rõ ràng là rất cần thiết bởi những người đại diện cho dân chắc chắn phải là những người tài đức vẹn toàn. Có thế, họ mới được tin tưởng giao phó sứ mệnh lớn lao thay mặt người dân, cử tri xem xét và quyết định các vấn đề hệ trọng. Điều đó càng cần thiết hơn khi trong những nhiệm kỳ vừa qua đã để “lọt” vào Quốc hội cũng như HĐND các cấp không ít người không trung thực, sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn bao trùm và cũng khó có thể lượng hóa một cách cụ thể là đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND các cấp phải thật sự là người đại diện cử tri, phản ánh trung thành tâm tư, nguyện vọng của người dân, xem xét và quyết định các vấn đề dựa trên lợi ích chính đáng của người dân. Thực tế trong những nhiệm kỳ qua cho thấy không phải đại biểu nào cũng đáp ứng kỳ vọng của cử tri khi họ đã thể hiện sự tin tưởng qua lá phiếu.

Qua sinh hoạt công khai trên nghị trường cũng phần nào thấy được vị đại biểu nào thực sự nói lên tiếng nói của người dân. Có không ít vị là đại biểu của dân song suốt nhiệm kỳ cất tiếng nói tương đối “yếu ớt”, thậm chí hãn hữu, tại nghị trường. Với những vị này, khó có thể nói rằng họ xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân và cử tri.

Bởi thế, cùng với các tiêu chuẩn về năng lực và phẩm chất đạo đức cũng rất cần một tiêu chuẩn “đặc biệt” với đại biểu của dân. Đó là họ phải cất lên tiếng nói của cử tri, có vậy mới thật sự hoàn thành trọng trách được giao phó là thay mặt cử tri xem xét, giám sát, phản biện các chính sách, quyết định của cơ quan hành pháp nhằm bảo đảm tất cả đều thực sự do dân và vì dân.

Theo Dantri

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin