Tiền thưởng và các khoản phúc lợi không phải đóng BHXH bắt buộc

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn, từ ngày 1-1, tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động (NLĐ) đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động (NSDLĐ) quyết định bằng mức lương + phụ cấp lương + các khoản bổ sung.

Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa giải đáp thắc mắc cho đoàn viên về tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định kể từ ngày 1-1-2018.

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn, từ ngày 1-1-2018, tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định = Mức lương + phụ cấp lương + các khoản bổ sung. Trong đó, phụ cấp lương là các khoản để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

[caption id="attachment_191914" align="aligncenter" width="410"] Từ ngày 1-1-2018, tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định = Mức lương + phụ cấp lương + các khoản bổ sung
Từ ngày 1-1-2018, tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định = Mức lương + phụ cấp lương + các khoản bổ sung[/caption]

Các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Tổng LĐLĐ lưu ý: Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ thuộc diện trên không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12-1-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động.

Theo NLD

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin