Người lao động hỏi: Gia đình tôi có 4 người. Hiện nay gia đình tôi muốn mua bảo hiểm y tế cho hộ gia đình giấy tờ gồm những loại gì?và nộp hồ sơ tham gia ở đâu?
Luật sư trả lời: Luật sư Trần Đại Ngọc, Đoàn Luật sư Hà Nội tư vấn về thủ tục mua bảo hiểm y tế tự nguyện cho hộ gia đình theo quy định của pháp luật như sau:
Cơ sở pháp lý:
- Luật bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014.
- Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế
1. Các đối tượng mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì những người mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình bao gồm:
– Toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình, trừ đối tượng đã đóng bảo hiểm y tế thuộc các nhóm: do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng, do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng và nhóm do người sử dụng lao động đóng.
– Toàn bộ những người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng đã đóng bảo hiểm y tế thuộc các nhóm: do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng, do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng và nhóm do người sử dụng lao động đóng.
Như vậy, để tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, bạn cần xem xét xem trong gia đình bạn có thành viên nào tham gia bảo hiểm y tế chưa, nếu có thành viên đã tham gia bảo hiểm y tế thì sẽ không được tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
2. Hồ sơ mua bảo hiểm y tế đối với hộ gia đình
Theo Điều 25 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì hồ sơ tham gia bảo hiểm y tế đối với hộ gia đình bao gồm:
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TH1-TS): mỗi thành viên trong gia đình một tờ khai;
– Sổ hộ khẩu hoặc sổ tam trú;
– Giấy tờ tùy thân của các thành viên trong gia đình như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hoặc hộ chiếu.
– Những người đã có bảo hiểm y tế thì cung cấp bản sao chứng minh đã tham gia bảo hiểm y tế.
Để mua bảo hiểm cho hộ gia đình mình, bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ trên và nộp cho Ủy ban nhân dân xã hoặc phường nơi bạn thường trú hoặc tạm trú.
3. Thời gian giải quyết
Theo Điều 30 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xem xét hồ sơ và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gia đình bạn.
Người lao động hỏi: Trường hợp nào thì được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế. Tôi bị mất thẻ bảo hiểm y tế thì có được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế không? Thủ tục cấp lại như thế nào?
Luật sư trả lời: Luật sư Trần Đại Ngọc, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn về thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật như sau:
Cơ sở pháp lý:
- Luật bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014.
- Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế
1. Trường hợp được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế
Theo quy định tại Điều 18 Luật bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 thì thẻ bảo hiểm y tế sẽ được cấp lại khi bị mất. Như vậy, khi bạn bị mất thẻ bảo hiểm y tế thì bạn cần phải làm thủ tục xin cấp lại thẻ bảo hiêm y tế để cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại thẻ mới cho bạn.
2. Hồ sơ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế
Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì hồ sơ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế bao gồm:
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Mẫu TK1-TS)
– Trường hợp bạn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cao hơn thì cần phải chuẩn bị giấy tờ chứng minh
– Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị giấy tờ tùy thân của mình như: chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu để làm thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế
3. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Khi bị mất thẻ bảo hiểm y tế và muốn được cấp lại thẻ, bạn nộp một bộ hồ sơ trên cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi bạn đang tham gia bảo hiểm.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế mới cho bạn.
Trong thời gian chờ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, bạn vẫn sẽ được hưởng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Tức là trong thời gian chờ cấp lại thẻ, bạn vẫn được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chí khám chữa bệnh theo mức hưởng của bạn trong thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, để được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế trong thời gian chờ cấp lại thẻ, bạn cần phải có giấy hẹn của cơ quan bảo hiểm xã hội và giấy tờ tùy thân của mình để xuất trình cho cơ sở khám, chữa bệnh.
Người lao động hỏi: Theo quy định của Nghị quyết 70/2018/QH14, mức lương cơ sở từ ngày 01/07/2019 sẽ được điều chỉnh lên từ 1.390.000 đồng/tháng lên thành 1.490.000 đồng/tháng. Từ đó, mức đóng, mức hưởng BHYT hộ gia đình cũng sẽ thay đổ như thế nào?
Luật sư trả lời: Từ ngày 1/7/2019, do mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng do đó mức đóng, mức hưởng BHYT hộ gia đình thay đổi như sau:
Nghị quyết 70/2018/QH14, mức lương cơ sở từ ngày 01/07/2019 sẽ được điều chỉnh lên từ 1.390.000 đồng/tháng lên thành 1.490.000 đồng/tháng. Theo đó, mức đóng BHYT hộ gia đình người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất; người thứ 3 đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất; người thứ 4 đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất; Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Như vậy, mức đóng BHYT theo hộ gia đình sẽ thay đổi từ ngày 1/7/2019, như sau:
Mức đóng Từ 1/7/2019 trở đi
Người thứ nhất 67.050 đồng/tháng
Người thứ 2 46.935 đồng/tháng
Người thứ 3 40.230 đồng/tháng
Người thứ 4 33.525 đồng/tháng
Từ người thứ 5 trở đi 26.820 đồng/tháng.
Về mức hưởng BHYT hộ gia đình năm 2019, căn cứ theo Điều 22 của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014 và hướng dẫn của Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức hưởng của người tham gia BHYT theo hộ gia đình là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến.
Trong trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, người bệnh được thanh toán 40% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.
PV