Ngày 16.11 tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng lần đầu tiên đăng đàn trước Quốc hội trả lời những ý kiến của đại biểu Quốc hội về đại án OceanBank, ngân hàng xây dựng và 3 ngân hàng 0 đồng vẫn đang tiếp tục thua lỗ và cần phải có hướng xử lý.
Cuối tuần qua, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã quyết định lựa chọn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đăng đàn để trả lời nhóm vấn đề về điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm hỗ trợ sản xuất, tăng trưởng tín dụng, hoạt động của các ngân hàng yếu kém, kết quả và hiệu quả của việc mua ngân hàng với giá 0 đồng là OceanBank, GPBank, Ngân hàng Xây dựng.
Cần minh bạch thông tin về ngân hàng 0 đồng
“Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã mua 0 đồng đối với 3 ngân hàng, bây giờ Quốc hội cần phải xem hiệu quả của các ngân hàng này thế nào, kết quả ra làm sao”, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết.
Thời gian qua, ngành ngân hàng có nhiều diễn biến không mấy tích cực từ những đại án ngân hàng. Ví như đại án 9.000 tỷ đồng của Phạm Công Danh điều tra mở rộng giai đoạn 2 đã bắt thêm nhiều lãnh đạo ngân hàng như Trầm Bê, nguyên chủ tịch Sacombank, Phan Huy Khang nguyên tổng giám đốc Sacombank và một số cán bộ BIDV bị khởi tố.
Rúng động nhất là sự kiện Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình bị khởi tố về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt tại Ngân hàng Xây dựng của Phạm Công Danh và một số đơn vị, tổ chức thuộc NHNN.
Trước những sai phạm tại những ngân hàng 0 đồng nhiều đại biểu yêu cầu cần phải minh bạch thông tin về những hoạt động của ngân hàng 0 đồng, hiệu quả của những ngân hàng này sau khi được mua lại.
Tại phiên thảo luận tổ mới đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc cho biết có ngân hàng 0 đồng hiện vẫn đang tiếp tục thua lỗ. Cần phải có giải pháp để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém một cách dứt điểm, nếu không hàng chục nghìn tỷ cứ ra đi.
Nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu cần phải tăng cường tính minh bạch về những ngân hàng yếu kém. Hiện có nhiều thông tin về những ngân hàng 0 đồng.
“Nói là yếu kém thì phải rõ là yếu kém như thế nào. Sau thời gian xử lý bao nhiêu lâu thì sẽ cho kết quả như thế nào? Cử tri mong muốn tăng tính minh bạch về những ngân hàng này”, đại biểu Ngô Sách Thực, đoàn Bắc Giang yêu cầu.
Nói về ngân hàng 0 đồng, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết Vietcombank là một trong những ngân hàng có vốn Nhà được đang tham gia hỗ trợ tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng (CB) theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước sau khi ngân hàng đó bị mua lại 0 đồng.
Theo người đứng đầu Vietcombank, ngân hàng cũng đã xây dựng kế hoạch tái cơ cấu đối với ngân hàng CB với lộ trình khoảng 3 năm và đang trình lên cơ quan quản lý để phê duyệt. “Thực tế, ngân hàng này đều có thể xử lý được và không dùng đến ngân sách. Tuy nhiên, đã là ngân hàng yếu kém thì cũng cần phải được “uống thuốc bổ trợ”, ông Thành phân tích.
Việc mua lại 0 đồng những ngân hàng trên là do Chính phủ, NHNN muốn phơi ra những ông yếu kém và các cổ động, ông chủ ngân hàng đó đã không còn vốn để bù đắp những khoản lỗ luỹ kế nên NHNN buộc phải mua lại 0 đồng.
Sắp tới Chính phủ không mua lại ngân hàng 0 đồng nữa, nhưng để xử lý những ngân hàng yếu kém thì yếu tố quan trọng là phải ổn định thị trường tài chính, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn hệ thống.
Lãi suất cho vay giảm mạnh
Một nội dung khác được đại biểu Quốc hội quan tâm đó là vấn đề lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua. Trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý và đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD.
Về lãi suất, hồi tháng 7 vừa qua, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên, điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, các TCTD cũng tích cực thực hiện giảm lãi suất cho các lĩnh vực SXKD với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm, giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm. Ngoài ra, có những khách hàng tốt còn được vay ngắn hạn đối với lãi suất 4-5%/năm.
Mức lãi suất thấp đã hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua. Tính đến 19.10, tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và kết quả 9 tháng đầu năm 2017 đã tăng 12,16% so với cuối năm 2016. Với mức tăng trưởng này, có khoảng 668,8 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng được giải ngân ròng ra nền kinh tế.
Tỷ giá cũng là một thành công của NHNN trong năm nay. Hồi đầu năm, nhiều tổ chức quốc tế và trong nước nhận định tỷ giá chịu nhiều áp lực và có thể tăng 2-3%. Nhưng với sự linh hoạt trong điều hành chính sách của NHNN như điều chỉnh chính sách tỷ giá những ngày qua, sử dụng công cụ giao dịch kỳ hạn…đến thời điểm này, tỷ giá chỉ tăng khoảng 1%. Đây là những thành công mà khi đăng đàn, Thống đốc Lê Minh Hưng sẽ không phải chịu những áp lực từ cử tri, đại biểu Quốc hội.
Theo Danviet