(Pháp lý) - Trong các thông tin kinh tế thế giới gần đây, thông tin liên quan đến các doanh nghiệp có các phần mềm ứng dụng công nghệ được đặc biệt quan tâm. Một mặt nó phản ánh thực tế ảnh hưởng của công nghệ đến đời sống kinh tế nói chung, mặt khác nó cho thấy ảnh hưởng của chính trị đậm nét lên các hoạt động kinh tế của thế giới.
Ta thấy gì qua việc Chính phủ Mỹ đối xử với các công ty, ứng dụng Công nghệ hoạt động trên đất nước họ?
Đe dọa an ninh quốc gia Mỹ: Khó tồn tại trên đất Mỹ
TikTok được biết đến với cái tên Douyin và hoạt động từ năm 2016. Đây là phần mềm với khoảng 2 tỉ người dùng toàn cầu. TikTok nổi tiếng trong giới trẻ khi cho phép họ tạo ra những video ngắn trên nền nhạc bắt tai hay các hiệu ứng độc lạ và đẹp mắt. Trong khoảng 26,5 triệu người dùng TikTok (hay còn gọi là TikToker) ở Mỹ, có 60% là từ 16 đến 24 tuổi. Nhiều nghệ sĩ và nhân vật có tiếng nói ảnh hưởng trong một lĩnh vực trên mạng xã hội (KOL) đã chọn TikTok cùng với các mạng xã hội khác như Instagram, Facebook, Twitter để quảng bá hình ảnh, kiếm bộn tiền từ hoạt động quảng cáo.
Tổng thống Trump đánh giá các phầm mềm có liên quan đến Bắc Kinh gây ra hàng loạt rủi ro an ninh quốc gia của Mỹ và gây ra nguy cơ với thông tin của người dùng. Chính vì vậy, ngày 31/7, Tổng thống Trump đã đề cập khả năng cấm nền tảng truyền thông xã hội TikTok của Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Tổng thống Trump nhấn mạnh ông có thể sử dụng các quyền lực kinh tế khẩn cấp hoặc một sắc lệnh hành pháp để thực hiện lệnh cấm. TikTok đã phủ nhận các cáo buộc. Để xoa dịu những quan ngại của giới chức Mỹ, TikTok đã tính tới phương án cho phép các doanh nghiệp không thuộc sở hữu của Trung Quốc có thể mua phần lớn cổ phần.
Ngay lập tức Microsoft là một tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ đặt trụ sở chính tại Redmond, Washington; chuyên phát triển, sản xuất, kinh doanh bản quyền phần mềm và hỗ trợ trên diện rộng các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến máy tính đã đề cập đến việc mua lại công ty này tại Mỹ. Bán TikTok cho Microsoft là lựa chọn tốt nhất của ByteDance. Bởi nếu quyết giữ TikTok, công ty Trung Quốc sẽ đối mặt với vô số rào cản do chính quyền Tổng thống Trump lập ra.Ví dụ, ông chủ Nhà Trắng có thể cấm TikTok xuất hiện trên các kho ứng dụng của Mỹ. Hoặc ông sẽ cấm doanh nghiệp Mỹ bán hàng hóa và dịch vụ cho ByteDance. Khi đó, ByteDance không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc rút TikTok ra khỏi Mỹ.
Nếu thương vụ mua bán của Microsoft với Ticktok diễn ra, nó sẽ được giám sát đặc biệt bởi chính quyền. Và việc mua lại này, không chỉ đơn thuần là một hoạt động kinh tế mà nó còn có sự can thiệp của chính trị.
Nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập khác đã từng diễn ra. Tuy nhiên hai công ty Trung Quốc được doanh nghiệp Trung Quốc khác hỏi mua, nhưng quyết định bán lại cho nhà đầu tư Mỹ với mức giá thấp hơn nhằm tránh sự "soi mói" của Ủy ban quản lý đầu tư nước ngoài của Mỹ.
Hồi năm 2012, Ralls Corp thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc Sany Group mua lại các trang trại điện gió ở Oregon. Tổng thống Barack Obama buộc Ralls phải rút vốn tại các trang trại này. Đồng thời, công ty này cũng phải tháo dỡ các thiết bị đã lắp đặt tại đây. Vụ việc đó cho thấy Tổng thống Mỹ có tiếng nói quyết định trong các thương vụ mua bán - sáp nhập có yếu tố rủi ro về an ninh. Chính quyền Tổng thống Trump từng vài lần can thiệp tương tự. Hồi tháng 3, ông Trump yêu cầu Beijing Shiji Information Technology của Trung Quốc bán hãng phần mềm quản lý khách sạn StayNTouch.
Mỹ đưa nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vào “danh sách đen”
Trước TikTok, hai đại gia công nghệ khác của Trung Quốc là ZTE và Huawei cũng lao đao vì các lệnh trừng phạt của Mỹ. Hai hãng này chịu nhiều cáo buộc, từ đe dọa an ninh quốc gia đến lách lệnh cấm vận của Mỹ với nước khác.
Tháng 4/2018, Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định cấm tất cả công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm, để trừng phạt việc công ty này lách lệnh cấm vận, bán hàng Mỹ sang Iran. Lệnh này có hiệu lực ngay lập tức, khiến ZTE buộc phải đình chỉ hoạt động kinh doanh chính của họ trên toàn thế giới, thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD. Dù vậy, đến tháng 7, họ xóa bỏ lệnh cấm sau khi ZTE ký một thỏa thuận với Mỹ và nộp tiền phạt cả tỷ USD.
Tháng 5/2019, Chính phủ Mỹ cáo buộc gián điệp từ các thiết bị di động và viễn thông của hãng công nghệ này. Không dừng lại ở đó, chính phủ Mỹ còn vận động các đồng minh của mình, chủ yếu là chính phủ của các nước Tây Âu, “quay lưng” với các thiết bị của Huawei. Mới đây, Tổng thống Donald Trump thậm chí còn ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về công nghệ và cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị do các hãng bị coi là mối đe dọa tới an ninh quốc gia sản xuất, trong đó nhắm mục tiêu tới Huawei. Trước động thái của Tổng thống Donald Trump và Bộ Thương mại Mỹ, Huawei cho biết sẵn sàng hợp tác với chính phủ Mỹ để đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh trên sản phẩm, một động thái được xem là “xoa dịu” chính phủ Mỹ.
“Ngăn chặn Huawei trong các hoạt động kinh doanh tại Mỹ không giúp nước Mỹ trở nên an toàn hoặc mạnh hơn, thay vào đó điều này sẽ chỉ khiến Mỹ phải đưa ra các lựa chọn thay thế đắt tiền hơn, khiến Mỹ bị tụt lại phía sau khi triển khai 5G, cuối cùng sẽ gây tổn hại đến lợi ích của các công ty và người dùng tại Mỹ”, đại diện Huawei cho biết. Nhiều chuyên gia phân tích thị trường tại Mỹ cũng đã lên tiếng ủng hộ Huawei trong sự việc này, khi cho rằng hãng công nghệ Trung Quốc đã trở thành một phần không thể thiếu đối với nền kinh tế toàn cầu và việc cắt đứt quan hệ với Huawei sẽ gây thiệt hại cho sự phát triển công nghệ 5G trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, động thái mới của Bộ Thương mại Mỹ sẽ khiến Huawei gặp rất nhiều khó khăn. Sắc lệnh khẩn cấp đã trao quyền cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ trong việc ngăn chặn bất kỳ giao dịch nào có nguy cơ gây rủi ro cho các công nghệ và dịch vụ viễn thông hoặc công nghệ thông tin. Bộ Thương mại Mỹ cho biết đã bổ sung Huawei và 70 chi nhánh của công ty này vào “danh sách đen”, một động thái để ngăn Huawei mua các bộ phận và linh kiện từ các công ty của Mỹ mà không được Washington chấp thuận.
Sau quyết định của Bộ Thương mại Mỹ, cổ phiếu của nhiều chi nhánh và các công ty đối tác với Huawei đã bị sụt giảm mạnh, như Tatfook Technology, cung cấp linh kiện cho Huawei, Ericsson và Bosch đã bị giảm 2,84% giá trị hay New Sea Union Telecom, chuyên cung cấp các linh kiện viễn thông cho Huawei và các hãng viễn thông lớn tại Trung Quốc, cũng bị sụt giảm giá trị 4,88%…
Mỹ còn vận động các quốc gia khác áp lệnh cấm tương tự với thiết bị của Huawei. Giới chức Anh hồi tháng 7 đã quyết định gỡ bỏ thiết bị của Huawei ra khỏi mạng viễn thông nước này. Sức ép lớn trên toàn cầu khiến doanh thu nửa đầu năm nay của Huawei chỉ tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 454 tỷ nhân dân tệ (64,9 tỷ USD). Mức tăng này chỉ bằng nửa năm 2019.
Điều trần 4 ông lớn công nghệ: Tự do kinh doanh trong khuôn khổ….
Không chỉ với các doanh nghiệp nước ngoài, Chính phủ Mỹ còn đặc biệt “quan tâm” đến các công ty công nghệ tại chính thị trường nước này. Ngày 27/7, 4 CEO gồm Jeff Bezos (Amazon), Tim Cook (Apple), Sundar Pichai (Google) và Mark Zuckerberg (Facebook) đã phải xuất hiện trước Tiểu ban chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ vì những cáo buộc vi phạm về cạnh tranh. Phiên điều trần diễn ra dưới hình thức trực tuyến do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ. Đây là một phần trong cuộc điều tra của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đối với các công ty công nghệ này.
Không như trường hợp của Microsoft, chỉ tập trung vào cách công ty dùng Windows để chiếm được lợi thế trên thị trường trình duyệt web và một số loại phần mềm, 4 hãng công nghệ ngồi "ghế nóng" đối mặt với nhiều loại khiếu nại khác. Điều này phản ánh một thực tế là ngành công nghệ đã mở rộng sang mọi ngóc ngách của đời sống, không chỉ trong điện toán mà còn trong cả những lĩnh vực như mặt hàng thiết yếu, tạp hóa, theo dõi sức khỏe, vận tải…
Amazon bị chỉ trích vì cáo buộc dùng dữ liệu bán hàng từ người bán bên thứ ba để xác định nên bán mặt hàng nào và loại bỏ các thương gia bán cùng mặt hàng trên Amazon như thế nào. Apple bị đối thủ tố cáo dùng chính sách App Store để hạn chế thiết kế ứng dụng và buộc các nhà sản xuất phần mềm phải sử dụng kênh thanh toán riêng của hãng.
Sự thống trị của Facebook trong thị trường quảng cáo trực tuyến cũng làm dấy lên những nghi ngại về việc mạng xã hội này có thể "giết chết" các tờ báo nhỏ lẻ thông qua bóp nghẹt doanh thu quảng cáo và thôn tính các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn để bóp nát sự cạnh tranh. Hãng công nghệ Google bị cáo buộc ưu tiên dịch vụ riêng của mình trên trang kết quả tìm kiếm và trên thực tế, từng bị giới chức châu Âu xử phạt vì bán dịch vụ kèm với hệ điều hành Android.
Tại phiên điều trần, 4 vị Giám đốc điều hành đã phải ngồi ghế nóng trong 5 tiếng đồng hồ để trả lời những cáo buộc liên quan đến độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ. Lý do 4 gã khổng lồ công nghệ phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ lần này là bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Cả 4 vị giám đốc đều nhấn mạnh các công ty mình điều hành lớn mạnh không gây hại cho ai, mà chỉ mang lại lợi ích cho nước Mỹ, như tạo công ăn việc làm, hay để đối phó với sự nổi lên của các hãng công nghệ lớn từ Trung Quốc. Về các vấn đề cụ thể, đáp lại cáo buộc Facebook mua Instagram để triệt tiêu cạnh tranh từ hãng này, CEO của Facebook nói rằng việc mua bán lúc đó được Ủy ban Thương mại liên bang phê chuẩn, nên không thể nói là có chuyện mua để triệt tiêu đối thủ.
Trong khi đó, CEO của Apple nhấn mạnh Apple đối xử công bằng với mọi ứng dụng trên hệ điều hành của Apple. Còn CEO của hãng bán hàng trực tuyến Amazon đối mặt với câu hỏi về việc Amazon thu thập thông tin của các nhà bán hàng trên Amazon, như xem họ bán gì chạy, từ đó đưa ra sản phẩm của mình. CEO của Amazon nói rằng hãng có chính sách ngăn cấm điều này, nhưng cũng thừa nhận ông không thể đảm bảo rằng chính sách đó chưa từng bị vi phạm.
Từ lâu, Google bị cáo buộc thu thập quá nhiều thông tin các nhân của người sử dụng, như xem họ thích ăn gì, xem gì, chơi gì… để định hướng quảng cáo của mình. Đáp lại, CEO Google lặp lại điệp khúc rằng, chính hãng này đã thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo, khiến giá quảng cáo giảm đáng kể.
Sau phiên điều trần này, các hãng công nghệ khổng lồ sẽ không bị chia nhỏ ra để chống độc quyền như cách nghĩ của một số người. Quốc hội Mỹ khó đồng thuận được việc đó và cũng chỉ có chức năng làm luật là chính. Tuy nhiên, cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ có thể dẫn tới việc đề xuất ban hành luật mới về chống độc quyền theo hướng giúp chính phủ liên bang dễ dàng hơn trong điều tra, xử phạt các hãng công nghệ lớn, đồng thời có sự giảm sát chặt chẽ hơn với các vụ mua bán, thâu tóm các hãng công nghệ, như trường hợp Facebook mua Instagram, hay Google mua Youtube. Phiên điều trần như thế này cũng có thể châm ngòi và thúc đẩy thêm nhiều cuộc điều tra, kiện tụng khác nhắm vào các ông lớn công nghệ.
Thấy gì khi nước Mỹ ứng xử với các hãng công nghệ lớn
Các hoạt động can thiệp của chính quyền Mỹ vào các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước nói chung cho thấy việc tự do trong khuôn khổ của phương Tây.
Người Mỹ thể hiện quyền áp đặt của mình lên các hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ. Người Mỹ thể hiện rõ ràng quyền năng kinh tế to lớn của họ gắn với quyền thiết lập luật chơi đối với bất cứ công ty, tổ chức kinh doanh nào trên đất Mỹ. Những gì xảy ra với TikTok sẽ là chỉ báo cho doanh nghiệp khác về hệ quả khi hoạt động trong thế giới ngày càng nhiều căng thẳng chính trị. Số phận của TikTok sẽ là chỉ báo quan trọng với các doanh nghiệp đang nỗ lực dự báo hệ quả của một thế giới ngày càng ít toàn cầu hóa.
Sự lớn mạnh của các đế chế công nghệ tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên sự lớn mạnh đó dễ dàng bị can thiệp bởi các chế định chính trị nhằm kiểm soát trật sự và an ninh quốc gia. TikTok gặp rắc rối vì công ty mẹ của ứng dụng này – ByteDance – có trụ sở tại Trung Quốc. Khi TikTok ngày càng phổ biến tại Mỹ, giới chức nước này lo ngại chính phủ Trung Quốc sử dụng ứng dụng này để lấy dữ liệu về công dân Mỹ. Người Trung Quốc láu cá cho rằng, có thể thông qua các hoạt động kinh doanh công nghệ thông thường mà gián tiếp ảnh hưởng đến kinh tế, nội bộ, an ninh Mỹ. Tuy nhiên cách mà Chính phủ Mỹ kiên quyết với ứng dụng Tiktok, cho thấy quyền năng của Chính phủ.
Có thể thực tế, về nguyên tắc pháp luật Mỹ đề cao sự tôn trọng những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, nhưng khi thấy những dấu hiệu đe dọa an ninh, quyền công dân thì họ sẵn sàng mạnh tay dứt bỏ, trừng trị nghiêm khắc.
Ở Mỹ, các nhánh quyền lập pháp, hành pháp sẵn sàng can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ lớn. Điều đó cho thấy người Mỹ ưa minh bạch. Các phiên điều trần, cho lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ lớn đã làm rõ điều này. Đều là các ông lớn công nghệ và các vấn đề họ gặp phải gần đây mang đến thông điệp: Giàu nhanh, mạnh lực nhưng muốn bền vững phải tuân thủ pháp luật.
Sự tuân thủ tuyệt đối pháp luật là điều doanh nghiệp cần phải làm nếu muốn tồn tại và phát triển trên đất Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng, các phiên điều trần có thể tạo ra động lực để mở đường cho vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp hoặc các thẩm phán liên bang. Thực thi hoạt động chống độc quyền để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng là nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ được cho là sẽ tiến hành một vụ kiện nhằm vào Google liên quan đến những cáo buộc vi phạm luật cạnh tranh, trong khi Ủy ban Thương mại Liên bang đang điều tra Facebook. Facebook và Google hiện cũng đang phải đối mặt với các cuộc điều tra tại gần 50 bang ở Mỹ. Trong khi đó, Apple và Amazon cũng đang phải đối mặt với sự giám sát chống độc quyền từ các lực lượng thực thi pháp luật ở cả trong và ngoài nước Mỹ…
Tất cả điều đó càng cho thấy sức mạnh của thực thi pháp luật ở Mỹ. Người Mỹ ưa sự minh bạch và họ có quyền năng để thực hiện sự minh bạch đó.
Minh Minh