Thiếu thống nhất trong xác định thiệt hại khi xử các vụ án kinh tế, tham nhũng và một số kiến nghị

08/12/2023 12:19

(Pháp lý) - Việc xác định thiệt hại có ý nghĩa quan trọng trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng, là cơ sở để định tội danh, định khung hình phạt và xác định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo, góp phần thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Mặc dù, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP trong đó có hướng dẫn về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng, đặc biệt là các vụ án tham nhũng liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai, tài sản nhà nước vẫn còn không ít những quan điểm trái ngược, thiếu thống về xác định thiệt hại. Điều này cho thấy hoàn thiện pháp luật liên quan đến xác định thiệt hại trong các vụ án kinh tế, tham nhũng vẫn là yêu cầu cấp bách đặt ra trong thời điểm hiện nay.

Tòa bác kháng nghị vụ 'bán rẻ' dự án Phước Kiển ảnh 1

Ngày 3/4, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án phúc thẩm bác kháng nghị của VKSND TPHCM về xác định thời điểm thất thoát tài sản Nhà nước trong vụ án “bán rẻ” dự án Phước Kiển (các bị cáo tại phiên toà phúc thẩm)

Quan điểm trái ngược, thiếu thống nhất khi xác định thiệt hại trong các vụ án

Điển hình như mới đây nhất ngày 3/4, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án phúc thẩm bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND TPHCM về xác định thời điểm thất thoát tài sản Nhà nước trong vụ án “bán rẻ” dự án Phước Kiển liên quan đến cựu phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang, Trần Công Thiện (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận) và tám đồng phạm vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

HĐXX cho rằng căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai nhận tội của các bị cáo, đủ cơ sở khẳng định các bị cáo có hành vi phạm tội như cấp tòa sơ thẩm quy kết.

Về kháng nghị xác định lại thời điểm tính thiệt hại của vụ án, HĐXX cho thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra phải xác định ở thời điểm hành vi phạm tội hoàn thành. Do đó, cấp sơ thẩm xác định thiệt hại của vụ án tại 2 dự án Phước Kiển và Ven Sông với tổng số tiền 207,4 tỷ đồng là có căn cứ. Từ đó, HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị của VKSND Tp.HCM về xác định lại thời điểm tính thiệt hại của vụ án.

Trước đó, VKSND TPHCM đã kháng nghị phúc thẩm một phần bản án sơ thẩm của TAND TPHCM về phần xác định thời điểm thất thoát tài sản Nhà nước trong vụ án này. Kháng nghị chỉ ra rằng bản án sơ thẩm xác định việc Công ty Tân Thuận chuyển nhượng hai dự án khu dân cư (KDC) Phước Kiển và Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai là trái quy định. Hành vi phạm tội của các bị cáo bị VKSND TPHCM truy tố và HĐXX tuyên án về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Điều đó khẳng định các hành vi phạm tội phải được xác định kéo dài từ khi hành vi đó xảy ra cho đến khi Nhà nước lấy lại được quyền quản lý tài sản hoặc khi tội phạm bị ngăn chặn (khi khởi tố vụ án). Từ đó, VKS xác định tổng thiệt hại vụ án phải là 730 tỉ đồng.

Cũng tương tư, trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) liên quan đến Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) và Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc SAGRI). Quá trình điều tra, truy tố, các cơ quan tố tụng xác định mức thiệt hại của vụ án thời điểm diễn ra hành vi phạm tội là 348 tỉ đồng, tại thời điểm ngăn chặn hành vi phạm tội là 672 tỉ đồng.

Viện KSND tối cao xác định mức thiệt hại của vụ án trong cáo trạng được tính vào thời điểm hành vi phạm tội được ngăn chặn (khởi tố vụ án) là 672 tỉ. Tuy nhiên, trong phần tuyên án, HĐXX sơ thẩm TAND TP.HCM lại cho rằng thiệt hại tài sản của Nhà nước được xác định tại thời điểm thực hiện tội phạm được hoàn thành.

Sau đó, Viện KSND TP.HCM cũng đã kháng nghị phúc thẩm bản án của TAND TP.HCM đối với phần thiệt hại của vụ án này. Kháng nghị của Viện KSND TP.HCM cho rằng nhận định của TAND TP.HCM chưa đánh giá chính xác thiệt hại của Nhà nước do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra, Viện KSND TP.HCM đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng xác định thiệt hại của vụ án là số tiền thực tế nhà nước bị thất thoát tính đến thời điểm được ngăn chặn, mà theo cáo trạng đã xác định là thời điểm khởi tố vụ án hình sự ngày 5.7.2019, với thiệt hại 672 tỉ đồng. Nhưng tại phiên xử phúc thẩm, HĐXX phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND TP Hồ Chí Minh cũng như quan điểm của đại diện Viện KSND Cấp cao tại tòa.

Các bị cáo trong vụ sai phạm tại SAGRI ở phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 12.2021

Đáng nói, đây không phải là trường hợp cá biệt mà trong quá trình xử lý nhiều các vụ án kinh tế, tham nhũng khác vấn đề xác định thời điểm thiệt hại trong vụ án cũng khiến các cơ quan tố tụng lúng túng trong cách tính thiệt hại, thậm chí có quan điểm trái ngược, thiếu thống nhất. Như trong vụ  “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn hay vụ Vũ “nhôm” cùng các đồng phạm thâu tóm 7 dự án đất công sản tại Đà Nẵng, TP HCM là những ví dụ điển hình.

Nguyên nhân từ hạn chế của pháp luật

Nghiên cứu các quy định pháp luật cho thấy, pháp luật không có quy định cụ thể về cách xác định thiệt hại, thời điểm xác định thiệt hại dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng, áp dụng mỗi lúc một khác nhau, hoặc có cách hiểu khác nhau.

Cụ thể trong pháp luật hình sự, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cách tính thiệt hại không được quy định cụ thể mà tuỳ vào hành vi phạm tội, khách thể bị tội phạm xâm phạm, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có những phương hướng tiếp cận về xác định thiệt hại cũng khác nhau. Trong trường hợp tội phạm xâm phạm, gây thiệt hại về vật chất thì người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.

Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng chỉ quy định chung chung về xác định thiệt hại, theo đó, Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;  Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định. Quy định này chỉ dừng lại ở việc liệt kê các thiệt hại được bồi thường, chưa có quy định rõ ràng về thời điểm xác định thiệt hại.

Chính điều này dẫn đến tình trạng dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng còn lúng túng trong việc xác định thời điểm xác định thiệt hại , áp dụng mỗi lúc một khác nhau, hoặc có cách hiểu khác nhau, chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động xét xử các vụ án.

Điển hình như trong vụ án thâu tóm đất tại Đà Nẵng liên quan đến 2 cựu chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến cùng Phan Văn Anh Vũ gây thiệt hại hơn 22.000, Trong quá trình giải quyết vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng hậu quả thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tại thời điểm khởi tố, điều tra vụ án. Cụ thể, Bản án sơ thẩm số 20/2020 cũng của TAND TP. Hà Nội và Bản án phúc thẩm số 158 của TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử Vũ về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” lại xác định thiệt hại tính tại thời điểm khởi tố vụ án.

Bị cáo Trần Văn Minh tại phiên tòa sơ thẩm vụ thâu tóm nhà đất công sản ở Đà Nẵng.

Trong vụ thâu tóm nhà đất công sản ở Đà Nẵng thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 22.000 tỷ đồng (các bị cáo tại tại phiên tòa sơ thẩm)

Theo HĐXX, có đủ cơ sở xác định trong thời gian dài, Phan Văn Anh Vũ trực tiếp hoặc thông qua công ty của Vũ, lợi dụng chủ trương trái pháp luật tại các văn bản pháp lý của UBND TP Đà Nẵng để thâu tóm thị trường bất động sản. Các bị cáo Minh và Chiến đã ban hành chủ trương trái quy định để tạo điều kiện cho Vũ và công ty của Vũ mua hoặc chuyển nhượng dự án nhà đất công sản không qua đấu giá. Từ thời điểm xảy ra vụ án cho đến khi bị khởi tố, các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 22.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong một vụ án khác liên quan đến Phan Văn Anh Vũ thâu tóm 7 lô đất công tại Đà Nẵng cũng TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm và TAND cấp cao tại Hà Nội phúc thẩm. Bản án sơ thẩm số 48/2019 của TAND TP. Hà Nội và Bản án phúc thẩm số 346/2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử Vũ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” nhận định thiệt hại của vụ án tính từ thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.

Liên quan đến Bản án này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 10/QĐ-VKSTC (ngày 23/9/2019), trong đó có nội dung kháng nghị về phần xác định thiệt hại do hành vi phạm tội của Bị cáo gây ra. Quan điểm của VKSNDTC là phải xác định thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án, tức là lấy giá trị TSNN tại thời điểm khởi tố trừ cho số tiền thực tế bị cáo đã nộp/thanh toán cho Ngân sách Nhà nước.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 14/2019/HS-GĐT ngày 05/12/2019 của Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) đã bác phần kháng nghị về xác định lại thiệt hại của VKSNDTC, với lập luận: “Khoa học pháp lý và pháp luật hình sự đều quy định việc xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra được xác định tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Đây là cơ sở để xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo…. Trong vụ án này Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xác định thiệt hại của vụ án là 07 tài sản đã mua/thuê trái phép, đang bị kê biên là đầy đủ, đúng bản chất vụ án và giá trị của nó được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đúng pháp luật”.

Theo chúng tôi, sở dĩ có tình trạng này là do thời điểm xét xử các vụ án trên BLHS, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) chưa quy định cụ thể và chưa có hướng dẫn áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này. Để giải quyết vấn đề này, ngày 30/12/2020, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ.

Trong đó có quy định về xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ gây ra: Trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ xử lý hình sự được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp tội phạm thực hiện liên tục, kéo dài thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm kết thúc hành vi phạm tội. Đối với trường hợp hành vi phạm tội đang diễn ra nhưng bị phát hiện, ngăn chặn thì trị giá tài sản bị chiếm đoạt được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện, ngăn chặn…(Điều, Nghị quyết 03)

Điều đáng nói, dù Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã được ban hành và áp dụng hơn 02 năm, nhưng đến nay, việc hiểu và áp dụng thời điểm để xác định giá trị thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, chức vụ vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Một số chuyên gia cho rằng việc áp dụng thiếu thống nhất phần lớn là do cách hiểu, cách vận dụng quy định pháp luật về việc xác định thời điểm xảy ra thiệt hại không đúng và dựa trên quan điểm cá nhân của người tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên theo chúng tôi, ngoài nguyên nhân chủ quan còn có những hạn chế trong chính quy định pháp luật, đặc biệt ngay cả trong hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về thời điểm xác định thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự cũng còn không ít bất cập khiến việc áp dụng thiếu thống nhất giữa cơ quan tiến hành tố tụng với nhau.

Cụ thể mặc dù hướng dẫn đã dự liệu ra 3 trường hợp xác định định thời điểm xác định thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự theo khoản 2, Điều 10, Nghị quyết 03 như sau:

Trường hợp 1: Trường hợp thiệt hại xảy ra tại thời điểm tội phạm được thực hiện thì thiệt hại được xác định tại thời điểm này; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc.

Trường hợp 2: Trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn.

Trường hợp 3: Trường hợp không thể xác định được thiệt hại theo 02 trường hợp trên thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

Song hướng dẫn trên lại không có quy định cụ thể rõ ràng về thời điểm tội phạm chấm dứt, tội phạm liên tục kéo dài cũng như thiệt hại tội phạm kéo dài, thời điểm chấm dứt thiệt hại… điều này dẫn đến phát sinh cách hiểu khác nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Minh chứng điển hình như trong quá trình xử lý vụ án án “bán rẻ” dự án Phước Kiển, trong khi các toà sơ thẩm, phúc thẩm đều khẳng định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra phải xác định ở thời điểm hành vi phạm tội hoàn thành.

Tuy nhiên, VKS lại cho rằng, ở vụ án này, tài sản Nhà nước không bị chiếm đoạt, mà chỉ là bị thất thoát. Hành vi phạm tội của các bị cáo liên tục, kéo dài. Tài sản Nhà nước vẫn bị thất thoát cho đến thời điểm hủy bỏ hợp đồng ở dự án Phước Kiển. Lúc đó, tài sản Nhà nước mới trở lại với Công ty Tân Thuận. Còn ở dự án Ven Sông, tội phạm chỉ dừng lại khi vụ án được khởi tố. Tuy nhiên, tài sản ở dự án này đã không thu hồi được. Do vậy, chỉ có thể xác định trị giá tài sản bị thất thoát ở khoản 2, Điều 10: đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc’.

Do đó, việc VKS xác định trị giá tài sản Nhà nước bị thất thoát ở thời điểm hủy bỏ Hợp đồng chuyển nhượng ở dự án Phước Kiển, ở thời điểm khởi tố vụ án ở dự án Ven Sông, là hoàn toàn có căn cứ, phù hợp với việc xác định tài sản bị thất thoát, phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 03/2020 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.

Cũng tương tư, trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), các toà sơ thẩm, phúc thẩm đều xác định thiệt hại tài sản của Nhà nước được xác định tại thời điểm thực hiện tội phạm được hoàn thành. Đó là thời điểm bị cáo Lê Tấn Hùng đại diện SAGRI ký hợp đồng chuyển nhượng dự án cho Tổng công ty Phong Phú vào ngày 22-7-2017 và hoàn tất việc cập nhật sang tên cho Công ty Phong Phú vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 9-2-2018.

Tuy nhiên VKS cũng dẫn quy định tại Nghị quyết số 03/2020 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao và cho rằng, trong vụ án này, kể từ khi SAGRI mất quyền kiểm soát, định đoạt với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất thì toàn bộ lợi ích trên đất, Nhà nước không được khai thác dẫn đến gây lãng phí. Thiệt hại đó của Nhà nước kéo dài đến ngày 19-7-2019, thời điểm mà cơ quan CSĐT Bộ Công an có văn bản yêu cầu tạm dừng mọi biến động đối với dự án. Viện KSND tối cao xác định mức thiệt hại của vụ án trong cáo trạng được tính vào thời điểm hành vi phạm tội được ngăn chặn (khởi tố vụ án) là 672 tỉ…

Kiến nghị

Có thể thấy, mặc dù Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã được ban hành và áp dụng hơn 02 năm, nhưng đến nay, việc hiểu và áp dụng thời điểm để xác định giá trị thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, chức vụ vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Toà án xác định giá trị thiệt hại tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, nhưng VKS lại xác định là thời điểm khởi tố vụ án như trường hợp các vụ án nêu trên.

Điều này cho thấy yêu cầu về hoàn thiện pháp luật liên quan đến xác định tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án kinh tế, tham nhũng vẫn còn đặt ra trước và sau khi Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành.

Để đảm bảo việc áp dụng quy định pháp luật về vấn đề nêu trên, chúng tôi cho rằng sớm sửa đổi Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP theo hướng quy định cụ thể rõ ràng về thời điểm tội phạm chấm dứt, tội phạm liên tục kéo dài cũng như thiệt hại tội phạm kéo dài, thời điểm chấm dứt thiệt hại… 

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành một thông tư liên tịch giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) quy định rõ ràng, cụ thể hơn về thời điểm xác định thiệt hại và phương pháp xác định thiệt hại trong các vụ án hình sự.

Ngoài ra, xem xét, cân nhắc đề xuất phát triển thành án lệ đối với những trường hợp đặc thù liên quan đến cách xác định thiệt hại ở các vụ án có liên quan đến quản lý tài sản nhà nước là nhà, đất công sản trong thực tiễn xét xử để góp phần đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật, tránh tình trạng mỗi bản án có những nhận định khác nhau, mỗi cơ quan có những đánh giá khác nhau khi giải quyết các vụ án.

Đinh Chiến – Văn Thư
Bạn đang đọc bài viết "Thiếu thống nhất trong xác định thiệt hại khi xử các vụ án kinh tế, tham nhũng và một số kiến nghị" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin