Thêm hai “đại gia” xây dựng Nhật bản bị điều tra gian lận

Cơ quan công tố Nhật Bản ngày 18/12 đã tiến hành lục soát văn phòng của hai trong số những công ty xây dựng lớn nhất nước này, trong một động thái mở rộng cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ nghi vấn có gian lận liên quan đến một tuyến đường sắt đệm từ (maglev) trị giá 80 tỷ USD.

 Văn phòng của Kajima ở Tokyo - Ảnh: Bloomberg/Getty.
Văn phòng của Kajima ở Tokyo - Ảnh: Bloomberg/Getty.)

Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của công ty cho biết, các công tố viên đã có mặt tại văn phòng của Shimizu Corp và Kajima Corp tại Tokyo vào buổi sáng ngày đầu tuần và thực hiện việc lục soát. Đây là vụ bê bối mới nhất trong chuỗi scandal tại các công ty Nhật Bản, diễn ra không lâu sau khi một số công ty công nghiệp lớn của nước này bị bại lộ hành vi làm giả dữ liệu.

Cuộc lục soát được thực hiện bởi cơ quan công tố và cơ quan chống độc quyền của Nhật diễn ra một tuần sau khi nhà chức trách nước này mở cuộc điều tra nhằm vào Obayashi Corp, một công ty xây dựng hàng đầu khác của nước này, vì nghi vấn gian lận trong đấu thầu hợp đồng liên quan đến dự án đường sắt đệm từ.

Tuy nhiên, cơ quan công tố chưa tiết lộ thông tin cụ thể nào về cuộc điều tra mở rộng này.

Giá cổ phiếu Kajima giảm tới 4,6% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, trong khi giá cổ phiếu Shimizu giảm tới 3,7%, trái với mức tăng điểm 1,5% của chỉ số Nikkei 225.

Giá cổ phiếu của Taisei Corp, một công ty xây dựng lớn khác trong nhóm "4 ông lớn" xây dựng liên quan đến dự án đường sắt đệm từ trên, cũng giảm 2%, cho dù phát ngôn viên của Taisei cho biết công ty chưa bị lục soát.

Ngành công nghiệp xây dựng với quy mô lớn và nhiều ảnh hưởng chính trị của Nhật Bản vốn là một nguồn của những vụ bê bối, chẳng hạn như gian lận đấu thầu - Reuters cho hay.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã thắt chặt quy định pháp luật nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận trong đấu thầu. Vào năm 2006, Obayashi đã yêu cầu các nhà quản lý của công ty ký cam kết tuân thủ luật chống độc quyền. Tuy nhiên, trong năm sau đó, một loạt lãnh đạo của công ty này đã từ chức sau một vụ bê bối liên quan đến các dự án hạ tầng công cộng.

Được hậu thuẫn bởi vốn nhà nước với lãi suất ưu đãi, dự án tàu đệm từ nối giữa Tokyo, Nagoya và Osaka đã vấp phải nhiều chỉ trích vì chi phí tốn kém và tiềm năng xuất khẩu thấp. Trong khi đó, những người ủng hộ dự án, đi đầu là Thủ tướng Shinzo Abe, nói rằng dự án sẽ giúp kích cầu nền kinh tế Nhật.

Theo truyền thông Nhật Bản, "tứ đại gia" gồm Obayashi, Taisei, Kajima và Shimizu đã chia đều nhau số hợp đồng chiếm tổng cộng khoảng 70% dự án tàu đệm từ nói trên.

Theo VnEconomy

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin