Thấy gì từ 3 vụ án mà cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung bị khởi tố...

(Pháp lý) - Thông đồng móc ngoặc giữa cán bộ có chức quyền với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư với các hình thức “bảo kê, sân sau”. Đi liền với sự móc nối, tiếp tay, bảo kê, sân sau là dấu hiệu tham nhũng, đưa nhận hối lộ…Đó  là những điểm đặc biệt trong các vụ án mà cựu Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị khởi tố. Qua các vụ án này, cũng cho thấy nhiều lỗ hổng pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, chi tiêu mua sắm công và các quy định pháp luật về kinh tế khác có liên quan. Đặc biệt cần quan tâm việc hoàn thiện cho được cơ chế pháp luật nhằm kiểm soát quyền lực “ mềm” của quan chức…

image001-1627558647.jpg
Cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khi còn đương chức

Bóng dáng những “sân sau”, doanh nghiệp thân hữu của quan chức (?)

Nghiên cứu các vụ án mà ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, không khó để nhận ra bóng dáng những “sân sau”, doanh nghiệp “thân hữu” hiện rõ. Bởi, kết quả điều tra của cơ quan chức năng đã cho thấy, ông Chung đã sử dụng quyền của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, can thiệp… tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có mối quan hệ thân hữu của mình tham gia, trúng nhiều gói thầu của các thành phố.

Điển hình như trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở KH-ĐT Hà Nội và một số đơn vị liên quan (vụ án được tách ra từ vụ Nhật Cường). Kết luận điều tra của cơ quan chức năng đã chỉ ra rằng, ông Nguyễn Đức Chung đã sử dụng quyền của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở KH-ĐT chỉ định, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 không đúng thẩm quyền, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.

Theo kết luận điều tra, năm 2016 Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tổ chức đấu thầu gói thầu số hoá hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 trên địa bàn. Công ty Đông Kinh không đủ năng lực nộp hồ sơ nên rủ Công ty Nhật Cường cùng tham gia. 

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Văn Tứ chỉ đạo Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường dừng thầu, hủy thầu gói thầu số hóa năm 2016 không có căn cứ. Thời điểm đó, gói thầu đang được tổ chức mời thầu theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các nhà thầu tham gia đủ điều kiện dự thầu, không có nhà thầu nào kiến nghị, không có lý do điều chỉnh mục tiêu, phạm vi đầu tư, không phát hiện hành vi vi phạm trong đấu thầu...

Tiếp đó, Lãnh đạo Sở KH-ĐT Hà Nội làm theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Chung cho Công ty Nhật Cường vào làm thí điểm công tác số hóa (đang tổ chức mời thầu, bị dừng lại) để lấy lý do sửa đổi hồ sơ mời thầu, tạo lợi thế cho nhà thầu liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu. Cũng theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Chung, lãnh đạo Sở KH-ĐT Hà Nội đã sửa đổi hồ sơ mời thầu, bổ sung thêm các tiêu chí đánh giá và có hành vi thông đồng, thỏa thuận với nhà thầu, tạo lợi thế cho nhà thầu liên danh Nhật Cường - Đông Kinh.

Lãnh đạo Sở KH-ĐT cũng cho Công ty Nhật Cường vào làm thí điểm, đưa thêm yêu cầu cập nhật công nghệ số hóa đã thực hiện trong quá trình thí điểm mặc dù kết quả thí điểm không đạt yêu cầu của Sở KH-ĐT, đưa thêm yêu cầu phải cập nhật hệ thống dữ liệu dùng chung thành phố trong khi thành phố chưa có hệ thống dùng chung để sửa đổi hồ sơ thầu, tạo lợi thế cho Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh tham gia đấu thầu.

image002-1627558677.jpg
Nguyễn Đức Chung đã sử dụng quyền của Chủ tịch UBND TP  đã can thiệp vào hoạt động đấu thầu, tạo điều kiện để Nhật Cường Software trúng nhiều gói thầu

Đáng chú ý, do có mối quan hệ quen biết với Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường), được Bùi Quang Huy nhờ, ông Nguyễn Đức Chung đã sử dụng quyền của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở KH-ĐT chỉ định, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 không đúng thẩm quyền, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.

Các bị can Bùi Quang Huy, Lê Duy Tuấn đã gian lận trong việc lập Hợp đồng chứng minh khả năng, kinh nghiệm để hợp thức hóa hồ sơ năng lực tham gia dự thầu; Lê Duy Tuấn, Võ Việt Hùng thiết lập quân xanh, quân đỏ khi tham gia đấu thầu. 

Đặc biệt, kết luận điều tra cũng nêu rõ ông Chung cũng đã để cho Công ty Minh Hoa do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa - vợ ông Chung làm giám đốc - ký kết hợp đồng với Công ty Nhật Cường. theo kết luận, tài liệu thu thập tại Công ty Minh Hoa, Cục Thuế Hà Nội, dữ liệu trích xuất từ hệ thống phần mềm ERP của Công ty Nhật Cường cùng lời khai của các bị can là nhân viên của Nhật Cường thể hiện "hợp đồng ký giữa công ty với Nhật Cường có dấu hiệu là hợp đồng khống".

Tuy nhiên bị can Bùi Quang Huy đang bỏ trốn, chưa ghi được lời khai nên chưa chứng minh, kết luận được ý thức chủ quan của bà Hoa trong việc ký hợp đồng là để giúp Huy hợp thức hồ sơ năng lực, tham gia đấu thầu. Vì vậy chưa đủ căn cứ xem xét, xử lý hình sự đối với hành vi của bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa.

Hay như trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại UBND TP.Hà Nội, cũng cho thấy có bóng dáng “sân sau”, doanh nghiệp “thân hữu”.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, quá trình điều tra mở rộng vụ án xác định ông Nguyễn Đức Chung và ông Nguyễn Trường Giang đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty Watch Water - CHLB Đức qua Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Điều đáng nói là trong vụ án này, thời điểm mà Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo mua hàng theo kiểu độc quyền, Công ty ARKTIC chỉ mới được 9 tháng tuổi và chưa có kinh nghiệm gì về xử lý ô nhiễm. Công ty  Arktic do Ông Đào Xuân Tấn và ông Nguyễn Đức Hạnh (con trai ông Chung) thành lập vào tháng11-2015, địa chỉ số 12 Đặng Tiến Đông, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội (địa chỉ nhà riêng ông Nguyễn Đức Chung) trước khi được chuyển nhượng cho ông Nguyễn Trường Giang và bà Nguyễn Thị Bích Hằng tháng 7-2016.

Dấu hiệu đưa nhận hối lộ

Đáng chú ý, không chỉ dễ dàng nhận diện bóng dáng của những “sân sau”, doanh nghiệp thân hữu mà trong loạt các vụ án liên quan đế ông Chung còn cho thấy những dấu hiệu rõ ràng của hành vi “đưa - nhận” hối lộ. Cụ thể:

Trong vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" mà  Nguyễn Đức Chung là chủ mưu cầm đầu, các đồng phạm là Phạm Quang Dũng, Nguyễn Anh Ngọc, Nguyễn Hoàng Trung cho thấy, quá trình điều tra cơ quan chức năng xác định vào dịp tết Nguyên đán Âm lịch Canh Tý, vào ngày 22.1.2020, tại khu vực Bệnh viện Bạch Mai, thông qua bị can Nguyễn Hoàng Trung, bị can Phạm Quang Dũng đã nhận của Nguyễn Đức Chung 1 phong bì trong đó có 10.000 USD. Bị can Dũng đã thông qua gia đình nộp lại số tiền này.

Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, do chưa có điều kiện làm rõ bản chất cho và nhận 10.000 USD này nên cơ quan điều tra đã tách vụ án này để xem xét, xử lý sau.

Hay trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở KH-ĐT Hà Nội và một số đơn vị liên quan, kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng, quá trình tổ chức đấu thầu và thực hiện các hợp đồng, Bùi Quang Huy và Lê Duy Tuấn, đại diện Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh đã chi biếu Nguyễn Văn Tứ 300 triệu đồng, Nguyễn Tiến Học 100 triệu đồng, Phạm Thị Kim Tuyến 30 triệu đồng.

Theo kết quả điều tra, bị can Lê Duy Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Công ty Đông Kinh khai, sau khi việc trót lọt, Bùi Quang Huy đã chỉ đạo cho Tuấn đến “biếu quà” một số lãnh đạo của Sở KH&ĐT.

Cụ thể, bị can Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội) khai dịp Tết 2017, chính Bùi Quang Huy đã lên phòng làm việc và biếu tặng ông Tứ một chai rượu ngoại cùng 300 triệu đồng. Huy nói cho Tuấn biết đã biếu ông Tứ (thời điểm đó là Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội) số tiền 500 triệu đồng, rồi phân công cho Tuấn biếu quà các cấp dưới. 

Theo chỉ đạo của Huy, Tuấn biếu Nguyễn Tiến Học (cựu Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội) 100 triệu đồng, biếu Phạm Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh) 30 triệu đồng và Phạm Thi Thu Hường (cựu Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội) 5 chậu lan, tổng giá trị khoảng 25 triệu đồng…

Quá trình tố tụng, các bị can Tứ và Học hợp tác tích cực, chủ động khai báo và nộp lại số tiền thu lợi bất chính…

image003-1627558707.jpg
Ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo phải xử lý ô nhiễm bằng chất RedOxy-3C và mua độc quyền, không đấu thầu.

Những lỗ hổng pháp luật

Theo dõi những vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung mới thấy pháp luật vẫn còn nhiều sơ hở.

Điển hình như pháp luật về đấu thầu hiện đang thiếu những quy định về cơ chế giám sát trong công tác đấu thầu, giám sát cơ quan quản lý thầu, nhà thầu… Trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở KH-ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã sử dụng quyền của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở KH-ĐT chỉ định, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 không đúng thẩm quyền, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu tạo điều kiện để Nhật Cường Software (do ông Bùi Quang Huy – đang bị truy nã quốc tế, làm chủ) – một công ty non trẻ mới chỉ chính thức hoạt động từ năm 2016, có thể đường đường chính chính trúng các gói thầu công nghệ lớn của Hà Nội. Vậy nhưng không thấy động thái hoặc nếu có thì cũng rất yếu ớt của cơ quan chức năng trong việc “ tuýt còi” vụ việc.

Hay trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại UBND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C của Công ty Watch Water - CHLB Đức qua Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic để xử lý, duy trì chất lượng hồ ở Hà Nội.

Ngoài ra, dù pháp luật về đấu thầu đã có nhiều quy định nhằm hạn chế việc nhà thầu “bán thầu”. Nhưng, đâu đó vẫn tồn tại những quy định chưa chặt chẽ tạo điều kiện cho các đối tượng “ngụy trang” dưới các hình thức thầu chính, thầu phụ, liên doanh nhà thầu… những thực chất là cò mồi, thiết lập quân xanh, quân đỏ tham gia đấu thầu, bán thầu để kiếm hoa hồng. Đây chính là kẽ hở mà các đối tượng trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở KH-ĐT Hà Nội đã lợi dụng một cách triệt để nhất. 

Cụ thể: Theo thỏa thuận liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trong hồ sơ dự thầu nộp Sở KH&ĐT ghi: Nhật Cường đảm nhận 76%, Đông Kinh 24% khối lượng công việc. Nhưng sau khi 2 bên ký hợp đồng với Sở KH&ĐT, ngày 3/1/2017, Bùi Quang Huy và Võ Việt Hùng, Giám đốc Công ty Đông Kinh ký hợp đồng về việc mua, bán dịch vụ số hóa tài liệu hồ sơ ĐKDN trên địa bàn Hà Nội năm 2016 với phạm vi công việc và yêu cầu tính năng kỹ thuật của dịch vụ số hóa tài liệu hồ sơ ĐKDN giống hợp đồng giữa Sở KH&ĐT và Liên danh Nhật Cường- Đông Kinh nêu trên, trị giá hơn 29 tỷ đồng. Sau khi nhận hơn 42 tỷ đồng từ Sở KH&ĐT, Công ty Nhật Cường đã thanh toán cho Công ty Đông Kinh hơn 29 tỷ đồng.

Câu chuyện tương tự diễn ra ở gói thầu số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội năm 2017. Theo thỏa thuận liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trong hồ sơ dự thầu nộp Sở KH&ĐT, Nhật Cường đảm nhận 76% , Đông Kinh 24%  khối lượng công việc. Nhưng sau khi 2 bên ký hợp đồng với Sở KH&ĐT, ngày 25/5/2018, Trần Ngọc Ánh, Phó TGĐ Công ty Nhật Cường và Võ Việt Hùng, Giám đốc Công ty Đông Kinh ký hợp đồng kinh tế về việc mua, bán dịch vụ số hóa tài liệu hồ sơ ĐKDN trên địa bàn Hà Nội năm 2017.

Sau khi nhận hơn 16 tỷ đồng từ Sở KH&ĐT, Công ty Nhật Cường đã chuyển khoản thanh toán cho Công ty Đông Kinh đủ số tiền theo giá trị nghiệm thu là hơn 10 tỷ đồng.

Kết luận điều tra cho rằng, dù Công ty Nhật Cường tham dự thầu, trúng thầu, ký hợp đồng với Sở KH&ĐT Hà Nội, nhưng sau khi ký 2 hợp đồng, Nhật Cường đều bán lại cho Công ty Đông Kinh, hưởng lợi bất chính hơn 19 tỷ đồng.

Kết mở

Các vụ án liên quan đến Nguyễn Đức Chung cho chúng ta thấy rõ tình trạng thông đồng móc ngoặc giữa các cán bộ, công chức với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư với các hình thức “bảo kê, sân sau”. Sự móc nối giữa hai khu vực trong và ngoài nhà nước tạo thành chu trình khép kín, lợi dụng các khe hở của cơ chế, chính sách để hoạt động phạm tội.

Và sẽ còn nguy hiểm hơn, nếu đi liền với sự móc nối, tiếp tay, bảo kê, sân sau là tình trạng tham nhũng, hối lộ… 

Tin rằng, trong những vụ án liên quan đến Nguyễn Đức Chung và các vụ đại án kinh tế hình sự khác đang được điều tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ điều tra làm rõ hành vi đưa nhận hối lộ, để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Và  dù các sai phạm chủ yếu tập trung vào yếu tố con người (cố ý làm trái, tha hóa, tư lợi), nhưng các cơ quan chức năng cần  nhanh chóng hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, pháp luật chi tiêu mua sắm công và các quy định pháp luật về kinh tế khác có liên quan … để lấp đi những lỗ hổng mà các đối tượng có thể lợi dụng để trục lợi. 

Cuối cùng, một vấn đề rất quan trọng khác, tuy không mới, nhưng chúng tôi muốn tiếp tục nêu ra ở đây, đó là cơ chế kiểm soát quyền lực, đặc biệt là cơ chế kiểm soát quyền lực “ mềm “ của quan chức đang còn nhiều bất cập, nên thời gian qua không ít quan chức đã dùng quyền lực để qua mắt, áp đặt , lấn át tập thể , cố ý làm trái phục vụ mục đích và lợi ích riêng. Do đó, tới đây cần đặc biệt quan tâm việc hoàn thiện cho được cơ chế pháp luật nhằm kiểm soát quyền lực “ mềm” của quan chức. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể ngăn chặn được các vụ đại án tham nhũng.

Văn Chiến – Vũ Thuỷ
 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin