Thâu tóm “đất vàng” không qua đấu giá: Lợi nhuận vào túi ai?

Nhiều mảnh “đất vàng”, thậm chí “kim cương” tại Hà Nội, Tp.HCM và một số tỉnh, thành đang tiếp tục rơi vào tay các doanh nghiệp tư nhân. Đáng chú ý, khối tài sản của Nhà nước bị định giá không đúng với giá trị thực tế rơi vào tay một số tổ chức cá nhân.

Vừa qua, một số doanh nghiệp bất động sản mới nổi bỗng nhiên công bố, quảng cáo rao bán rầm rộ một loạt dự án căn hộ, liền kề, biệt thự ở những dự án đắc địa trên địa bàn Hà Nội. Điều đáng quan tâm là những dự án này đều rơi vào tay doanh nghiệp một cách dễ dàng thông qua con đường triển khai dự án BT đổi công trình lấy đất hoặc chuyển nhượng cổ phần mà không thông qua đấu giá.

 

 Phối cảnh dự án "đất vàng" tại 83 Hào Nam
Phối cảnh dự án "đất vàng" tại 83 Hào Nam)

Trong khi các công trình BT chưa hình thành thì doanh nghiệp đã ồ ạt triển khai dự án bất động sản từ quỹ đất đối ứng, tiến hành ký hợp đồng, bán căn hộ. Theo nhiều chuyên gia, dấu hỏi lớn nhất đặt ra chính là việc thẩm định giá trị của các lô đất đối ứng cũng như giá trị thực sự của các công trình xây dựng BT, giá trị đất đai thực sự của doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa đã chính xác hay chưa?

Tài sản của Nhà nước liệu có bị thất thoát? Và nếu “phong trào” này cứ tiếp tục diễn ra, số phận của những khu “đất vàng”, “đất kim cương” sẽ ra sao khi thời gian sắp tới hàng loạt cơ quan, trụ sở phải chuyển ra ngoại thành để giảm áp lực giao thông?

Hình ảnh sơ đồ những mảnh đất "vàng".
Hình ảnh sơ đồ những mảnh đất "vàng".)

Câu chuyện thâu tóm “đất vàng” của Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest thời gian vừa qua cũng gây dự chú ý đặc biệt của dư luận.

Việc VPI bỏ ra gần 644 tỷ đồng để xây dựng Trường Đại học Y tế công cộng tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội để đổi lấy khu đất mặt tiền số 138B Giảng Võ. Đây là khu đất được giới đầu tư bất động sản gọi là “kim cương”. Cùng đó là các dự án BT: Dự án căn hộ cao cấp Home City Trung Kính với 4 tòa tháp chung cư 27 - 30 tầng, tổng số hơn 1.200 căn hộ để hoàn vốn đầu tư hơn 476,977 tỷ đồng thực hiện Dự án Xây dựng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần công an nhân dân (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Dự án Cải tạo môi trường hồ Huỳnh Cung 24 ha và thu hồi vốn đầu tư bằng khu đất khoảng 50 ha tại Khu đô thị mới An Hòa, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Từ năm 2017 - 2021 VPI sẽ thực hiện 8 dự án tại quận Hà Đông có tổng quỹ đất là hơn 227,7ha, trải dọc các tuyến đường lớn như đường QL 70 đoạn Văn Điển – Hà Đông do chính Văn Phú – Invest đầu tư theo hình thức BT... Tại TP. Hồ Chí Minh, VPI sẽ triển khai dự án BT Quốc lộ 1 đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút Gò Dưa, tổng mức đầu tư hơn 2500 tỷ.

Dự kiến, VPI sẽ được bố trí quỹ đất đối ứng là các khu đất 129 Đinh Tiên Hoàng, phường 3, quận Bình Thạnh, Tp.HCM quy mô 7.200m2, 132 Đào Duy Từ, phường 6, quận 10, Tp.HCM quy mô 10.618m2, 582 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM quy mô 11.463m2, 234 Lý Tự Trọng, quận 1, Tp.HCM quy mô 642m2, 12 Kỳ Đồng, quận 3 (940m2), 42 Trương Định, quận 3 (807m2).

Mới đây nhất, dư luận lại xôn xao trước việc PIV tiến hành thâu tóm lô đất 83 Hào Nam (quận Đống Đa) có diện tích 6.690,6 m2. Mặc dù không thông qua hình thức đầu tư BT mà bằng việc mua cổ phần thì thương vụ này cũng tạo ra lo ngại về một câu chuyện “hãng phim truyện Việt Nam” thứ hai khi VPI chỉ bỏ ra chưa đầy 34 tỷ đã nắm giữ được mảnh “đất vàng” 6.690,6m2.

Được biết, lô đất 83 Hào Nam vốn thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV In và Văn hoá phẩm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Tuy nhiên, sau cổ phần hóa (CPH), tại đây đang triển khai xây dựng Dự án Khu hỗn hợp nhà ở, thương mại và văn phòng 83 Hào Nam (Sapphire Tower) do VPI làm chủ đầu tư.

Cuối năm 2014, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Huỳnh Vĩnh Ái ký Quyết định số 4231/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV In và Văn hóa phẩm, bán toàn bộ vốn Nhà nước tại đây và đổi tên thành Công ty CP In và Văn hóa phẩm. Ngoài lô đất rộng 6.700m2 tại 83 Hào Nam, DN này còn quản lý một số mảnh đất, như: Lô đất rộng 768m2 tại Giáp Nhất (Thanh Xuân, Hà Nội) là đất thuê 20 năm (1996-2016); lô đất 9.555m2 tại An Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) là đất thuê 30 năm (2003-2033).

 

 VPI đã sở hữu "đất vàng" tại 138B Giảng Võ
VPI đã sở hữu "đất vàng" tại 138B Giảng Võ)

10 ngày sau khi công bố thông tin CPH, đến ngày 22-12-2014, chỉ duy nhất một nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Thương mại miền Bắc. Ngày 8-1-2015, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái tiếp tục ký quyết định phê duyệt mức giá bán cho nhà đầu tư chiến lược là 10.025 đồng/cổ phiếu (chỉ cao hơn 25 đồng so với giá khởi điểm đưa ra).

Nhờ đó, Công ty CP Thương mại miền Bắc chỉ phải chi gần 34 tỷ đồng để sở hữu khu đất "vàng" tại 83 Hào Nam và hàng loạt mảnh đất khác. Trong khi đó, khảo sát thị trường bất động sản khu vực Hào Nam, giá đất mặt đường lớn dao động khoảng 200 triệu đồng/m2. Khu đất này theo giá thị trường có thời điểm lên tới hơn 1.300 tỷ đồng, chưa kể các lô đất tại vị trí khác thuộc quyền quản lý của công ty.

Và càng bất ngờ hơn khi chỉ 1 năm sau, Công ty CP Thương mại miền Bắc quyết định giải thể. Lý do giải thể ghi trong nghị quyết do Chủ tịch HĐQT Tô Như Toàn ký rất chung chung: "Công ty chưa thống nhất cao trong kế hoạch kinh doanh thời gian tiếp theo". Cũng từ thời điểm đó, VPI (một công ty bất động sản cũng do ông Tô Như Toàn làm chủ tịch) đã thế chân Công ty CP Thương mại miền Bắc làm “cổ đông chiến lược” của Công ty TNHH MTV In và Văn hóa phẩm.

Quá trình CPH của Công ty TNHH MTV In và Văn hóa phẩm cũng có nhiều điểm bất thường.

Theo Congly

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin