Việc thành lập ngân hàng đất đai (hay ngân hàng quỹ đất) để cho các doanh nghiệp, nông dân thuê lại có thể sẽ thúc đẩy sản xuất lớn phát triển.
Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết bộ này đang phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét phương án thành lập một ngân hàng về quỹ đất.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên là một trong những người ủng hộ đề xuất này. Ông Kiên nhấn mạnh: “Việc thành lập ngân hàng đất đai (hay ngân hàng quỹ đất) để cho các doanh nghiệp (DN), nông dân thuê lại có thể sẽ thúc đẩy sản xuất lớn phát triển”.
Dân có thể gửi đất vào ngân hàng
PV: Theo ông, việc thành lập ngân hàng quỹ đất liệu có góp phần thúc đẩy kinh tế, nhất là nông nghiệp phát triển?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Nông nghiệp phải phát triển theo hướng tăng giá trị và giảm chi phí đầu vào. Muốn làm được như vậy, bên cạnh nhiều giải pháp về chất lượng nhân lực, khoa học công nghệ… thì cần phải có một cơ chế chính sách đất đai hợp lý để nông dân, DN tích tụ ruộng đất; bảo hộ quyền sử dụng đất đai mạnh mẽ nhất cho nông dân, DN. Trong đó việc thúc đẩy hình thành ngân hàng đất đai là một trong các giải pháp.
PV: Như ông từng phát biểu, đất đai của ta hiện vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Vậy khi thành lập ngân hàng đất đai có thể giải quyết được vấn đề này?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Thực tế hiện nay, ở nhiều nơi thuộc miền Bắc và miền Tây Nam Bộ chỉ còn người già và trẻ con còn lao động trong khu vực nông nghiệp. Nên việc thành lập ngân hàng đất đai để cho các DN, nông dân thuê lại có thể sẽ thúc đẩy sản xuất lớn phát triển.
Xin được dẫn chứng: Ở huyện An Lão của Hải Phòng có DN thuê đất trồng ớt xuất khẩu với diện tích đất tối thiểu là 30 ha. DN này thuê luôn nông dân với tiền công thuê 100.000 đồng/ngày. Đến mùa thu hoạch thì tiền công thuê có thể lên tới 150.000 đồng/ngày. Nếu tính chi li ra, nông dân có thể thu nhập 3,8-4,5 triệu đồng/tháng. Như vậy bảo đảm được việc nông dân “ly nông nhưng không ly hương”. Đồng thời cũng cho phép đưa tư duy sản xuất lớn, sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp để đảm bảo rằng: Tái cơ cấu nông nghiệp có thể thành công.
PV: Vậy ngân hàng đất đai có hoạt động giống với mô hình ngân hàng thông thường hiện nay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Ngân hàng đất đai cũng có những điểm tương tự như ngân hàng tài chính hiện nay. Người dân có thể gửi đất của mình vào đó và có thể rút ra được. Tuy nhiên, điểm khác biệt là khi rút đất của mình ra thì người dân có thể sẽ không rút ra được chính mảnh đất cụ thể mà mình đã gửi vào, mà phải rút mảnh đất ở chỗ khác với cùng diện tích...
Bởi vì khi anh gửi đất đai vào ngân hàng, sau đó có người khác “vay” thì các mảnh đất sẽ liền một thửa. Người ta không thể lấy một mảnh ở giữa khu đất đó để trả cho anh. Tức là sẽ có những quy định đặc thù và cụ thể cho việc gửi đất vào ngân hàng này.
Lợi cho cả dân lẫn DN
PV: Người dân và DN sẽ được lợi gì khi có ngân hàng đất đai, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, người dân sẽ không đứng trước nguy cơ bị thu hồi đất. Bởi theo Điều 53 của Hiến pháp thì đất đai là sở hữu toàn dân. Khi đất đai được giao cho một cá nhân mà cá nhân đó không sử dụng, để hoang hóa thì mảnh đất đó, khu đất đó có thể bị thu hồi để giao cho người khác.
Bên cạnh đó, người dân có điều kiện trở thành công nhân nông nghiệp ngay trên mảnh đất của mình với thu nhập cao hơn. Đối với các DN, họ sẽ không phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng như bây giờ nữa. Và như vậy đó là một hình thức tái hỗ trợ cho các DN đầu tư vào nông nghiệp.
PV: Đất đai có thời hạn giao, vậy khi gửi mảnh đất vào ngân hàng, rồi hết thời hạn thì tính làm sao?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Lúc đó chúng ta sẽ tuân theo các quy định của Luật Đất đai.
PV: Cơ quan nào sẽ quản lý ngân hàng đất đai này, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Đó là việc của Chính phủ. Nếu muốn xây dựng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì Chính phủ phải giao cho các bộ, ngành liên quan tính toán, xây dựng phương án cụ thể.
Theo Pháp luật TP HCM