(Pháp lý) - 10 quốc gia tham nhũng nhất theo đánh giá chỉ số CPI năm 2017 của TI, trong đó có Hàn Quốc. Thời gian qua đã có lần lượt 5 đời Tổng thống ở đất nước này phải “xộ khám” . Có thể nói cuộc chiến chống tham nhũng ở Hàn Quốc rất gian nan và gặp nhiều thách thức . Bởi việc tách rời mối quan hệ giữa chính trị với các tổ chức kinh tế lớn không phải là vấn đề đơn giản khi sự thành công của nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc vào các tập đoàn khổng lồ - những doanh nghiệp tạo hàng loạt công ăn việc làm cho người dân để đổi lấy các hợp đồng của chính phủ.
10 quốc gia tham nhũng nhất thế giới, trong đó có Hàn Quốc
Hiện có 2 bộ xếp hạng mức độ tham nhũng các quốc gia trên thế giới được cho là đáng tin cậy. Đó là xếp hạng theo chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) và bảng xếp hạng của U.S. News and World Report.
Xếp hạng quan trọng nhất, được cho là đáng tin nhất là thông qua chỉ số CPI. Năm 2017, TI đã đánh giá 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp theo thứ tự 1 là trong sạch nhất và 180 là tham nhũng nhiều nhất. New Zealand, Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy là các quốc gia ít tham nhũng nhất.
Theo báo cáo năm 2017 của TI, 2/3 quốc gia trên thế giới có điểm số trung bình khá thấp là 43, cho thấy mức độ báo động nguy hiểm của nạn tham nhũng. 10 quốc gia tham nhũng nhất theo đánh giá chỉ số CPI 2017 của TI, trong đó có Hàn Quốc (1. Somalia; 2. Nam Sudan; 3. Syria; 4. Afghanistan; 5. Yemen; 6. Sudan; 7. Libya; 8. Hàn Quốc; 9. Guinea-Bissau; 10. Equatorial Guinea ).
Hàn Quốc và cuộc chiến chống tham nhũng đầy thách thức
Đối với những vị khách du lịch tới Hàn Quốc, họ có thể ấn tượng đây là quốc gia trung thực nhất thế giới. Một chiếc ví nếu không may bị bỏ quên trên bàn tại một nhà hàng nào đó thì vẫn ở nguyên vị trí đó, và sẽ không có ai chạm vào bên trong dù chiếc ví bị để quên hàng giờ sau khi mất. Tuy vậy, sự trung thực này dường như không được lan rộng sang lĩnh vực chính trị và kinh doanh khi những vụ bê bối tham nhũng liên tiếp bị lật tẩy và được xem là chuyện phổ biến tại Hàn Quốc, theo SCMP.
Hàn Quốc – nền kinh tế lớn thứ 11 của thế giới và lớn thứ 4 châu Á – trong thời gian qua luôn bị xếp ở nhóm yếu về mức độ tham nhũng và minh bạch. Trong nhiều thập kỷ qua, nước này liên tiếp xảy ra những bê bối hối lộ liên quan đến các chính trị gia, các quan chức cấp cao và các doanh nhân giàu có.
Tham nhũng đã bị đẩy lên cấp cao nhất khi những vụ bê bối liên tiếp “phủ bóng” Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, hay còn gọi là Nhà Xanh, ở thủ đô Seoul. Vụ bắt giữ cựu Tổng thống Lee Myung-bak gần đây đã đưa ông trở thành cựu tổng thống Hàn Quốc thứ 5 vướng vào vòng lao lý với các cáo buộc về hàng loạt sai phạm trong nhiệm kỳ công tác.
Kể từ khi lên nắm quyền, đương kim Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong cuộc chiến chống tham nhũng sau khi nhà lãnh đạo thứ 5 của nước này đối mặt với các cáo buộc sai phạm trong thời gian cầm quyền. Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng thống Moon nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng. Người Hàn Quốc từ lâu vẫn hy vọng có thể chấm dứt vấn nạn tham nhũng cũng như chủ nghĩa thân hữu vốn làm xói mòn hệ thống chính trị của nước này. Người dân cũng ủng hộ cam kết của Tổng thống Moon về việc giải thể các chaebol - những tập đoàn gia đình khổng lồ với sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên nền kinh tế cũng như xã hội Hàn Quốc.
Mặc dù những nỗ lực của Tổng thống Moon là cần thiết để đảm bảo một đất nước Hàn Quốc trong sạch và minh bạch cũng như duy trì một nền kinh tế ổn định, song ông chủ Nhà Xanh dường như không nhận được nhiều sự ủng hộ từ giới chính trị. Nhiều chính trị gia đối lập cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng thống Moon xuất phát từ mục đích cá nhân.
Việc tách rời mối quan hệ giữa chính trị với các tổ chức kinh tế lớn không phải là vấn đề đơn giản khi sự thành công của nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc vào các tập đoàn khổng lồ - những doanh nghiệp tạo hàng loạt công ăn việc làm cho người dân để đổi lấy các hợp đồng của chính phủ. Ngoài ra, việc đề cao sự trung thành hơn tất cả các yếu tố khác đã trở thành tâm lý “thâm căn cố đế” tại Hàn Quốc. Tâm lý này dẫn đến tình trạng các quan chức cấp cao của chính phủ và lãnh đạo các công ty tại Hàn Quốc đều có “vây cánh” xung quanh là người thân họ hàng, bạn bè và bạn học hơn là bổ nhiệm dựa theo năng lực.
Gần đây nhất, cựu Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất năm 2017 sau vụ bê bối tham nhũng liên quan tới người bạn thân lâu năm Choi Soon Sil. Bà Park và bà Choi bị cáo buộc nhận hối lộ 59,2 tỷ won (hơn 55 triệu USD) từ 3 tập đoàn gồm Samsung, Lotte và SK. Bà Park bị cho là đã cấu kết với bạn thân để gây sức ép, buộc các tập đoàn lớn tài trợ hơn 77 tỷ won cho hai tổ chức phi lợi nhuận do Choi lập ra. Cựu lãnh đạo Hàn Quốc cũng bị cáo buộc để bà Choi, một người không có chức vụ trong chính phủ và cũng không được phép tiếp cận các thông tin mật, được tham gia vào công việc quốc gia, bao gồm việc bổ nhiệm nội các và hoạch định chính sách.
Sau bà Park Geun-hye, cựu Tổng thống Lee Myung-bak, người giữ nhiệm kỳ từ năm 2008 đến năm 2013, cũng bị cáo buộc tham ô và sử dụng sai mục đích hơn 32 triệu USD. Ngoài ra, ông Lee cũng bị nghi ngờ chiếm đoạt trái phép các khoản quỹ được cấp cho một cơ quan chính phủ và nhận các khoản tiền bất hợp pháp từ các công ty tư nhân, bao gồm tập đoàn Samsung. Trước đó, các cựu Tổng thống Chun Doo Hwan, Roh Tae Woo, Roh Moo Hyun cũng đều vướng vào các cáo buộc nhận hối lộ và bị bắt giữ hoặc tống giam. Thậm chí cố Tổng thống Roh Moo Hyun còn tìm đến cái chết chỉ 3 tuần sau cuộc thẩm vấn của các công tố viên.
Những cáo buộc nhằm vào cựu Tổng thống Lee Myung-bak được cho là đã hàm chứa tất cả các “căn bệnh” đang ảnh hưởng tới đất nước Hàn Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Moon Jae-in phải đối mặt với nhiều rào cản khổng lồ khi tìm cách vượt qua những thông lệ và văn hóa tồn tại suốt hàng chục năm qua tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Luật chống tham nhũng mới của Hàn Quốc có gì đặc biệt?
Năm 2017, Hàn Quốc triển khai thực thi Luật phòng chống tham nhũng mới được nhiều người ca ngợi là một cột mốc để giúp loại trừ tình trạng tham nhũng ở cấp thấp tại nước này. Luật này còn được gọi là Luật Kim Young-ran – cũng là một cựu thẩm phán của Tòa án tối cao Hàn Quốc, người đã soạn thảo và đệ trình dự thảo luật từ năm 2012.
Cụ thể, luật cấm các giáo viên nhận hối lộ từ cha mẹ học sinh để cho điểm cao hơn, các nhà báo nhận ân huệ để đăng bài theo hướng có lợi cho người khác hay các quan chức nhận tiền của các doanh nhân để đẩy nhanh quá trình xử lý hồ sơ. Luật cũng cấm tình trạng ưu tiên điều trị cho người thân như việc đẩy nhanh lịch mổ vốn lâu nay phổ biến trong giới bác sỹ và nhân viên của các bệnh viện.
Theo quy định của luật mới, tất cả những đối tượng nói trên sẽ bị cấm nhận bất kỳ món quà, tiền mặt hay các món đồ tương tự tiền có giá trị ở các mức khác nhau. Trong đó, việc ăn trưa hay ăn tối tại nhà hàng bị giới hạn ở mức tối đa là 30.000 won (25 USD), quà tặng có giá trị cao nhất là 50.000 won (43 USD). Tại các sự kiện mang tính chất gia đình như đám cưới, đám tang hay tiệc mừng một em bé ra đời, gia chủ chỉ được nhận quà hay tiền có giá trị dưới 100.000 won (85 USD). Quy định này hiện được người Hàn Quốc gọi là quy tắc 3-5-10. Những cán bộ, công chức ở Hàn Quốc chiểu theo luật này cũng bị cấm tham gia những buổi chơi golf do người khác mời. Nếu giá trị của quà tặng vượt quá các mốc trên, người vi phạm sẽ bị phạt tiền và nếu số tiền lên đến hơn 1 triệu won (850 USD), người vi phạm sẽ bị xử phạt hình sự. Hãng tin Yonhap cho biết, những người nhận tiền từ hơn 1 triệu won tới dưới 3 triệu won trong 1 năm sẽ đối mặt mức phạt tù tối đa là 3 năm hoặc bị phạt tiền tối đa là 30 triệu won.
Những mức phí trả cho các bài giảng cũng được quy định rõ. Ví dụ, chi phí cho giờ giảng đầu tiên của một bộ trưởng không vượt quá 425 USD và giờ giảng đầu tiên của một công chức cấp 5 là 170 USD. Tất cả những giờ dạy tiếp theo được trả với tỉ lệ bằng một nửa số tiền của giờ dạy đầu tiên. Còn các bài giảng của các nhà báo và các giáo viên ở trường tư có thể được trả cao nhất là 850 USD/giờ, không kể vị trí của người giảng.
Theo các chuyên gia, trước đây, những người vi phạm luật phòng chống tham nhũng cũ thường lợi dụng những lỗ hổng của luật như việc chứng minh rằng tiền hay quà tặng trao tay là để đổi lấy đặc ân hay đơn thuần chỉ là một biểu hiện của sự thân thiện. Hình phạt đối với việc nhận hối lộ cũng chỉ được áp dụng sau khi nhà chức trách xác nhận mối liên hệ giữa việc nhận tiền, quà với những hành động thể hiện sự “ưu ái” của các công chức. Tuy nhiên theo luật mới, cơ quan chức năng sẽ không cần phải chứng minh mục đích đằng sau việc nhận quà và cũng không chấp nhận xem xét bất cứ lý do nào được đưa ra, chỉ cần có bằng chứng xác minh số tiền hay giá trị của món quà vượt quá mức quy định là có thể áp hình phạt tương ứng.
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, kể từ khi luật có hiệu lực, lượng đặt chỗ cho các buổi chơi golf đã giảm đáng kể trong khi những đám cưới cũng ít người dự hơn hẳn. Các bệnh viện cũng đã cho đăng tải, trưng các biển cảnh báo về qùa cảm ơn cho các bác sỹ, y tá ở khắp nơi.
Bên cạnh đó, luật trên cũng đã tạo điều kiện cho sự ra đời của nhiều điều mới mẻ tại Hàn Quốc. Ví dụ, một ứng dụng trên điện thoại gần đây cũng đã ra mắt để giúp người dùng tra cứu xem liệu họ có là mục tiêu nhắm đến của luật hay không cũng như những quy định chi tiết của luật này để tránh vi phạm.
Ngoài ra, theo AFP, luật này cũng đưa đến sự ra đời của một nhóm người mới được đặt biệt danh là “ran-parazzi” - những người luôn lăm lăm máy ảnh trên tay, săm soi ở các đám cưới sang trọng, đám tang hay các nhà hàng hạng sang để phát hiện những người vi phạm luật để nhận được số tiền lên đến 200 triệu won (tương đương 181.691 USD) dành cho những người có công tố giác tội phạm theo quy định trong luật.
Tại Hàn Quốc, khái niệm “paparazzi” được sử dụng cho không chỉ những thợ ảnh chuyên đuổi theo các ngôi sao mà còn với cả những người có thể giành được tiền mặt theo các chương trình “trình báo và nhận thưởng” khác như phát hiện hành vi vượt đèn báo giao thông hay vứt đầu mẩu thuốc lá ở đường phố.
Chống tham nhũng ở Hàn Quốc, Công tố viên có vai trò quan trọng
Theo pháp luật tố tụng hình sự Hàn Quốc, Công tố viên có vai trò rất quan trọng trong việc điều tra hình sự, đặc biệt điều tra án tham nhũng. Vai trò của Công tố viên trong hệ thống tư pháp hình sự của Hàn Quốc có thể được phân thành 3 lĩnh vực: Điều tra, truy tố và những vấn đề khác liên quan đến chứng minh tội phạm và thi hành án.
Ở Hàn Quốc, Công tố viên được trao quyền hạn và trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn cảnh sát thực hiện quá trình điều tra hình sự, khắc phục những thiếu sót trong quá trình điều tra hoặc trực tiếp điều tra đối với một số vụ án có tác động quan trọng đối với trật tự xã hội và cuộc sống bình thường của các công dân như: những vụ án lừa đảo, kinh tế, tham nhũng, các tội phạm ma tuý và tội phạm có tổ chức v.v….. Cảnh sát có nghĩa vụ tuân thủ hướng dẫn của Công tố viên trong suốt cuộc điều tra và chuyển những vụ án đó cho Công tố viên để ra quyết định cuối cùng. Phần việc lớn nhất của Công tố viên khi thực thi chức năng công tố nằm trong tiến trình tố tụng hình sự.
Thêm vào đó, với tư cách là người đại diện cho lợi ích công, họ cũng thực hiện những nhiệm vụ khác nhau bao gồm cả vai trò của người bảo vệ nhân quyền trong tố tụng hình sự và Luật sư đại diện cho Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích của công chúng.
Nhận thức tầm quan trọng về vai trò của Công tố viên, Luật về cơ quan công tố của Hàn Quốc đã quy định Bộ trưởng Tư pháp, với tư cách là người giám sát cao nhất chức năng công tố có thể hướng dẫn và giám sát chung đối với các Công tố viên nhưng không được chỉ đạo đối với từng vụ án cụ thể mà chỉ có thể hướng dẫn và giám sát Tổng trưởng công tố. Đây là một quy định bảo đảm an toàn cho địa vị của Công tố viên với tư cách là một quan chức bán tư pháp bằng việc bảo vệ tính độc lập cho từng Công tố viên khỏi những ảnh hưởng liên quan đến vụ án mà họ đang giải quyết.
Các tiêu chuẩn của Công tố viên và Thẩm phán giống hệt nhau, đó là: Phải trải qua kỳ thi tư pháp quốc gia và tiếp đó là một khóa 2 năm đào tạo trong Học viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp. Ngoài những yêu cầu này, một số kinh nghiệm chuyên môn cũng là yếu tố cần thiết khi bổ nhiệm Công tố viên ở cấp bậc cao. Nhìn chung là Công tố viên có 4 cấp: Tổng trưởng công tố, Công tố viên trưởng cấp cao, Công tố viên trưởng và Công tố viên.
Địa vị của Công tố viên giống như Thẩm phán được pháp luật bảo đảm. Công tố viên không thể bị bãi nhiệm hay đình chỉ công tác khi thực thi quyền hạn của mình hoặc không thể bị cắt giảm lương trừ khi bị hình thức kỷ luật, buộc tội hình sự và trừng phạt bằng hình phạt tù hoặc những hình thức trừng phạt nghiêm khắc hay những hành động kỷ luật trên cơ sở những quy định của pháp luật.
Về vai trò của Công tố viên trong hoạt động điều tra: Hiến pháp và Bộ luật tố tụng hình sự của Hàn Quốc đề cập tới thẩm quyền của Công tố viên khởi đầu và kết luận về quá trình điều tra vụ án hình sự theo nguyên tắc pháp quyền giống như các nước Châu Âu tiên tiến như Pháp hay Cộng hòa liên bang Đức.
Do đó, Công tố viên được trao quyền hạn và trách nhiệm duy nhất là thực hiện điều tra hình sự và cảnh sát được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Công tố viên. Nguyên do của quy định như đã nêu trên là để buộc trách nhiệm của Công tố viên phải đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của cảnh sát và tiến hành tố tụng công bằng bằng cách đưa ra những chỉ đạo tiến bộ, đồng thời ngăn ngừa cảnh sát có những hành vi vi phạm quyền con người trong quá trình điều tra.
Tuy vậy, vì việc điều tra chỉ có thể do Công tố viên kết luận nên trong tất cả những vụ án do cảnh sát điều tra đều phải được gửi đến Công tố viên để ra quyết định cuối cùng. Khi vụ án đã được chuyển cho Công tố viên, thì Công tố viên sẽ mở cuộc kiểm tra toàn diện để xem xét những biện pháp điều tra của cảnh sát có thích hợp hay không và tất cả những quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục tố tụng công bằng sẽ được thẩm định. Nếu những vấn đề nêu trên không có trong vụ án, Công tố viên sẽ ra lệnh cho cảnh sát điều tra lại hoặc thực hiện việc khắc phục những thiếu sót trong quá trình điều tra.
Khi đã kết thúc điều tra vụ án, Công tố viên phải đưa ra quyết định có đưa ra lời buộc tội hay không. Nếu Công tố viên không đưa ra cáo trạng thì hành động này thông thường được gọi là không truy tố. Công tố viên cũng có thể thực hiện quyền tự quyết là không buộc tội mà không cần quan tâm đến chứng cứ trong khi xem xét đến những trường hợp cụ thể của kẻ bị tình nghi và bản chất của tội phạm thông qua một thủ tục gọi là đình chỉ buộc tội.
Thêm vào đó, Công tố viên ở Hàn Quốc còn có trách nhiệm đảm bảo công bằng xã hội bằng cách trực tiếp điều tra một số vụ án có tác động quan trọng đối với trật tự xã hội và cuộc sống bình thường của các công dân như: những vụ án lừa đảo kinh tế, tham nhũng của công, các tội phạm ma tuý và tội phạm có tổ chức v.v…
Lê Phúc