Ngày 9/7, Bộ Công Thương đã họp triển khai Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và gian lận xuất xứ. Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương đang được lấy ý kiến để trình Bộ trưởng trước ngày 15/7.
Tích cực hành động
Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, theo Quyết định số 824/QĐ-TTg, nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các FTA đã ký kết.
Đồng thời, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, nhất là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Cụ thể, ngay sau khi Hoa Kỳ tăng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị tăng cường kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ, gồm 8 nhóm sản phẩm là: gỗ, hàng dệt may, da giày và túi xách, máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện, điện gia dụng và linh kiện, điện thoại và linh kiện, nhôm và các sản phẩm nhôm, sắt thép và các sản phẩm sắt thép, xe đạp và linh kiện xe đạp, nhựa và sản phẩm nhựa.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa đối với các vụ việc lốp ô tô, thép cán mạ phủ sơn, tôm, pin mặt trời xuất khẩu sang EU; nhôm, gỗ dán, thép cuộn cán nguội, thép chống ăn mòn, gạch men.... Trong các vụ việc này, sau khi kiểm tra các trường hợp nghi vấn, làm rõ thông tin, đã có các kiến nghị và chuyển các đơn vị liên quan xử lý. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ (DOC), EU (OLAF) trong tất cả các vụ việc điều tra.
Ông Lê Triệu Dũng cũng cho rằng, mặc dù các đơn vị đã nỗ lực trong cảnh báo hành vi lẩn tránh siết chặt quản lý, giám sát nhưng cho tới nay, nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM gian lận xuất xứ vẫn đang gia tăng.
Giải pháp đồng bộ
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương phối hợp với các bộ/ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong đề án.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc triển khai đề án cần mang tính tập trung, trọng điểm để tạo chuyển biến trong công tác phòng chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ. Trước mắt, cần tập trung nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Canada tăng nhanh trong thời gian vừa qua như gỗ, sản phẩm từ gỗ, giày dép, dệt may.
Mặt khác, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu. Yêu cầu này ngày càng trở nên cấp thiết khi xu thế bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, xung đột thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp.
Theo đó, một số công việc cụ thể sẽ được thực hiện bao gồm: thành lập Tổ thường trực thực hiện Đề án hoặc giao Cục Phòng vệ thương mại làm đầu mối thực hiện kế hoạch; Thành lập tổ công tác liên ngành phòng chống gian lận xuất xứ hàng hoá do Bộ Công Thương chủ trì, rà soát lại cơ chế, hệ thống cấp C/O để có kiến nghị, nghiên cứu đề xuất nâng mức phạt với các hành vi gian lận xuất xứ; rà soát, kiến nghị việc tăng cường kiểm tra, quản lý đối với các hoạt động chuyển tải, tạm nhập tái xuất, đặc biệt với nhóm hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ cao.
Để việc triển khai đề án có hiệu quả, Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, xem xét thành lập Tổ thường trực gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, VCCI. Đồng thời lập danh sách đầu mối liên hệ tại các bộ, ngành, địa phương, một số hiệp hội ngành hàng lớn để liên lạc thường xuyên.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặc biệt nhấn mạnh đến công tác thông tin tuyên truyền. Ngay sau khi hoàn thành chương trình hành động, Bộ Công Thương sẽ tổ chức họp báo, công bố công khai, giới thiệu đầy đủ nội dung của chương trình hành động với các cơ quan truyền thông, tổ chức các buổi hội thảo, diễn đàn nhằm phổ biến các nội dung này một cách rộng rãi và cụ thể đến với doanh nghiệp và người dân.
Ngày 04 tháng 07 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Mục tiêu của Đề án bao gồm: (i) nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết; (ii) nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; (iii) bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính của Việt Nam.
Theo congthuong.vn
Nguồn bài viết: https://congthuong.vn/tang-cuong-giai-phap-chong-lan-tranh-bien-phap-phong-ve-thuong-mai-va-gian-lan-xuat-xu-122142.html