(Pháp lý) - Nhiều vụ việc có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh đã xuất hiện trên thị trường và có những thủ đoạn mới xuất hiện. Do đó, Luật Cạnh tranh có hiệu lực sau hơn 10 năm cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, bảo vệ mọi doanh nghiệp trước những “tiểu xảo” của không ít doanh nghiệp nhằm thâu tóm thị trường.
Luật gia Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh ) cho biết, việc cạnh tranh không lành mạnh chính là kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng. Hiện nay, Điều 39 Luật Cạnh tranh 2004 quy định những hành vi bị xem là cạnh tranh không lành mạnh, nhưng việc xử lý vi phạm cũng không hề đơn giản vì khó khăn trong việc xác định cụ thể người vi phạm và mức xử phạt vẫn còn nhẹ. Do đó, nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự tỉnh táo của người tiêu dùng; không có cơ chế quản lý thông tin trên mạng xã hội thì những thông tin gièm pha, vô căn cứ và vô số chiêu trò khác sẽ dễ dàng “giết chết” một hoặc hàng loạt doanh nghiệp trên thị trường. Nhìn chung, các chế tài xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh cần phải sửa đổi theo hướng có chế tài mạnh hơn để không những bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp mà còn giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; góp phần tạo lập môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, công bằng.
Luật sư Lê Văn Trung (Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á) cũng cho rằng, Luật Cạnh tranh 2004 đã có hiệu lực pháp luật hơn 10 năm, vì thế việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết. Luật Cạnh tranh 2004, tại Điều 39 quy định về hành vi cạnh tranh đến nay không còn phù hợp. Thị trường đã xuất hiện nhiều hình thức cạnh tranh không lành mạnh mới do đó cần được bổ sung cho kịp thời. Trong Luật Cạnh tranh hiện nay, quy trình điều tra xử lý cạnh tranh trong luật rất rườm rà, nhiều thủ tục và tốn nhiều thời gian, tạo điều kiện cho vi phạm càng được kéo dài. Do không ai muốn áp dụng cả nên tính ứng dụng của luật không cao. Chế tài xử phạt hiện nay cũng chưa thực sự nghiêm khắc, Điều 117 hiện nay quy định các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật về cạnh tranh và các biện pháp khắc phục hậu quả chưa tương xứng với hậu quả mà cạnh tranh không lành mạnh mang lại cho doanh nghiệp bị thiệt hại. Do đó, tính răn đe đối với doanh nghiệp có hành vi cạnh tranh không lành mạnh chưa cao, còn doanh nghiệp bị cạnh tranh không lành mạnh nếu theo kiện thì bị thiệt hại lớn.
Còn Luật sư Vũ Thị Nhinh (Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á) thì cho rằng, Luật Cạnh tranh 2004 cần điều chỉnh, bổ sung nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Luật sư Nhinh nêu quan điểm, để xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh hoàn toàn không phải là vấn đề đơn giản, trong đó, đòi hỏi cơ quan quản lý cạnh tranh phải có những động thái nhanh chóng, triệt để nhằm đề ra những quyết định khẩn cấp tạm thời, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó cần nâng mức xử phạt vi phạm lên bởi với các doanh nghiệp lớn với số tiền phạt thấp thì họ sẵn sàng cạnh tranh không lành mạnh để được lợi nhuận cao hơn vì xử phạt thấp không đủ tính răn đe. Cần quy định cụ thể mức xử phạt đối với từng hành vi cụ thể.
Theo Luật sư Vũ Thị Nhinh, Luật Cạnh tranh 2004 cần được sửa đổi, bổ sung để mở rộng chủ thể áp dụng đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ nhất, bổ sung, sửa đổi một số quy định đảm bảo tính toàn diện, thống nhất của pháp luật để có cơ sở cho việc xử lý hành vi vi phạm. Trong đó, bổ sung các hành vi cạnh tranh không lành mạnh vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp vào nhóm hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn; làm rõ các dấu hiệu nhận diện đối với biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh; cần có văn bản hướng dẫn, quy định các dấu hiệu nhận diện hành vi nói xấu, gièm pha doanh nghiệp khác để phân biệt và xác định ranh giới với quyền tự do ngôn luận, tự do phê bình. Bổ sung quy định về hành vi bán hàng hóa hoặc dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm cạnh tranh không lành mạnh (bán phá giá) vào nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Bổ sung hành vi quảng cáo quấy rầy vào nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hành vi bán hàng đa cấp nên quy định tại Luật Thương mại, sẽ phù hợp hơn quy định tại Luật Cạnh tranh.
Thứ hai, phân định rõ ràng cơ chế xử lý vi phạm bằng các chế tài được quy định trong Luật Cạnh tranh với cơ chế xử lý vi phạm của các văn bản pháp luật khác.
Thứ ba, hoàn thiện chế tài về bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra. Trong đó, phải xác định rõ chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra. Ngoài ra, làm rõ những loại chế tài dân sự nào có thể áp dụng cho chủ thể có hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng như mức bồi thường thiệt hại và xác định mức bồi thường thiệt hại.
Thứ tư, cần cân nhắc yếu tố tỷ lệ trong việc thiết lập các chế tài phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ năm, hoàn thiện pháp luật hình sự về chế tài xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Và cuối cùng là Luật Cạnh tranh cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng chú ý đến mối liên hệ giữa chống cạnh tranh không lành mạnh và các đạo luật chuyên ngành khác.
Quỳnh Trang – Hoài Anh