“Siêu” Hiệp định RCEP: Những vấn đề cốt lõi doanh nghiệp Việt cần biết để chủ động khai thác lợi thế !

(Pháp lý) - Cùng với các FTA khác, với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, Hiệp định RCEP có hiệu lực vào đầu năm 2022 sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này.

Tuy nhiên điều đáng lo là (theo khảo sát của VCCI), tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết về các cam kết FTA chỉ đạt mới 23%...Và sau đây, Pháp lý sẽ tóm lược lại những vấn đề cốt lõi nhất của Hiệp định quan trọng này mà doanh nghiệp Việt cần biết để chủ động khai thác lợi thế.

61-1641613788.jpg
Phát biểu ngay sau lễ ký kết, Thủ tướng khi đó là đ/c Nguyễn Xuân Phúc nay là Chủ tịch nước, cho rằng, Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025, từ đó ASEAN sẽ trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì thịnh vượng chung

Về RCEP và hành trình đến với RCEP của Việt Nam

Trải qua 8 năm, 31 vòng đàm phán, 15 cuộc họp của Ủy ban đàm phán thương mại và 19 vòng đàm phán cấp bộ trưởng, cuối cùng các nước đã đạt được thỏa thuận Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trưa 15/11/2020, RCEP đã chính thức được ký kết bởi 10 nhà lãnh đạo ASEAN và 5 đối tác gồm Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand theo hình thức trực tuyến. 

Là một FTA thế hệ mới, RCEP được ký kết trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19. RCFP sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người (chiếm khoảng 30% dân số thế giới), tương đương 26.200 tỷ USD (30% GDP toàn cầu), được kỳ vọng tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, mang lại thêm 209 tỷ USD hằng năm trong doanh thu toàn cầu và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030. 

Theo đó, Hiệp định RCEP bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam: thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm hơn một nửa (55%) tổng thương mại của Việt Nam năm 2020 (trong đó xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%). Vì vậy cũng có thể nói Hiệp định RCFP sẽ góp phần tạo ra xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.

Đây không chỉ là một thỏa thuận thương mại tự do đơn thuần mà còn thực sự là một thỏa thuận toàn diện. Hiệp định RCEP dựa trên “kiềng ba chân” gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và thương mại điện tử, được cụ thể hóa bằng một văn kiện dài hơn 14.000 trang với 20 chương, cùng với 04 phụ lục và nhiều cam kết cao hơn các FTA ASEAN+. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các chương về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), hợp tác kinh tế - kỹ thuật và mua sắm của chính phủ…

Ưu tiên xóa bỏ thuế quan thương mại hàng hóa 

Tại Chương 2. Thương mại hàng hóa, Hiệp định quy định cụ thể, về thực hiện lộ trình tự do hóa thuế quan của các bên, đề cập tới các yếu tố chính chi phối việc thực hiện các cam kết liên quan đến hàng hóa nhằm đạt được mức độ tự do hóa thương mại cao giữa các bên, bao gồm việc cấp phép đối xử quốc gia đối với hàng hóa của các bên khác; giảm hoặc xóa bỏ thuế hải quan theo lộ trình; và bao gồm các quy định và cam kết cụ thể về tự do hóa thương mại hàng hóa. 

Theo đó, ngay khi Hiệp định RCEP có hiệu lực vào đầu năm 2022, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế (như viễn thông, công nghệ thông tin, máy móc, phụ tùng, hóa chất…). Sau 15-20 năm, tức đến cuối lộ trình, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan đối với khoảng 85,6% đến gần 90% số dòng thuế với các nước đối tác. Ở chiều ngược lại, các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam từ 90% - 92% số dòng thuế. Riêng các nước ASEAN sẽ xóa bỏ từ 85 - 100% số dòng thuế cho Việt Nam. Như vậy cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước trong khối khi Hiệp định đi vào thực thi là rất lớn (trong đó chủ yếu là các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp). 

62-1641613788.jpg
Ngay khi RCEP có hiệu lực vào đầu năm 2022, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế…

Trong khi đó, Hiệp định RCEP cũng sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất (Chương 8. Thương mại dịch vụ; và Chương 12. Thương mại điện tử). Bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của nước ta hàng năm vượt 30 tỷ USD. Bên cạnh đó, các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại hay xây dựng các quy tắc chung để hạn chế, kiểm soát các hàng rào phi thuế quan cũng như giảm chi phí dưới tác động của mở cửa thị trường dịch vụ phục vụ sản xuất (Chương 4. Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại).

Trên thực tế, Việt Nam đã tham gia với các nước ASEAN và 5 đối tác trong RCEP theo các hiệp định FTA giữa nội khối ASEAN. Quá trình tự do hóa thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong suốt 20 năm qua và với 5 đối tác trên trong vòng khoảng 15 năm. Vì vậy việc thực hiện RCEP sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tiến sỹ Võ Trí Thành: Nếu nhìn vào một hiệp định thương mại tự do thì lợi ích cụ thể đầu tiên là tiếp cận thị trường, do thuế quan giảm rất mạnh (thường về 0%). Trước đây chúng ta đã thực thi ASEAN+1, nhưng xét về tổng thể thì mức độ giảm thuế quan đặc biệt là về 0% của Hiệp định RCEP có tỷ lệ cao hơn, đây rõ ràng là lợi ích tốt hơn.

Tháo gỡ nút thắt về quy tắc xuất xứ hàng hóa

Cùng với các cơ hội về thị trường về giảm thuế quan, Hiệp định RCEP cũng ưu tiên tháo “nút thắt” về quy tắc xuất xứ. Nội dung này tập trung chủ yếu ở Chương 3. Quy tắc xuất xứ (ROO). Theo đó, RCEP quy định, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong ba trường hợp sau: (i) hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; (ii) hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; (iii) hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định tại Quy tắc cụ thể mặt hàng.

Cũng theo Hiệp định RCEP, các sản phẩm có từ 40% thành phần trở lên có nguồn gốc từ các quốc gia tham gia Hiệp định sẽ được đối xử bình đẳng bằng cách sử dụng một hình thức thống nhất. Theo ước tính của Allianz, khi Hiệp định được thực thi, việc dỡ bỏ hàng rào phi thuế quan này có thể thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nội Á lên trung bình 90 tỷ USD mỗi năm.

Một điểm cải tiến so với các FTA của ASEAN+1, đó là Hiệp định có đưa vào Mục tự chứng nhận xuất xứ của các nhà xuất khẩu được chấp thuận và việc tự chứng nhận xuất xứ của tất cả các nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất, mà cam kết đó sẽ được thực thi trong một khoảng thời gian nhất định sau ngày RCEP có hiệu lực đối với mỗi bên, bên cạnh giấy chứng nhận xuất xứ truyền thống. Theo đó, Việt Nam cùng với các nước thành viên RCEP (trừ Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma) bắt đầu triển khai thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu không quá 10 năm sau ngày thực thi Hiệp định. Trường hợp chưa thể triển khai thực hiện trong 10 năm này, các nước được phép gia hạn tối đa 10 năm nữa để thực hiện cơ chế này.

63-1641613788.jpg
Với dệt may, nỗi ám ảnh về quy tắc xuất xứ từ sợi hay từ vải trở đi phải sản xuất tại Việt Nam sẽ được giải tỏa trong RCEP.

Như vậy nếu như ở CPTPP, Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may bởi quy tắc xuất xứ nội khối (vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc), thì khi tham gia Hiệp định RCEP sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ những ưu đãi thuế quan. Lợi thế đó nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan (do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…)

Vì vậy có thể nói cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, điểm khác biệt là Hiệp định RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương): “Thay vì các nước ASEAN phải ký 5 hiệp định FTA và tuân thủ 5 bộ quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế, Hiệp định này tạo một bộ quy tắc xuất xứ hài hòa, thống nhất, cho phép các DN nước thành viên hưởng ưu đãi thuế quan với trên 5.000 dòng thuế”.

Cơ hội để thiết lập chuỗi cung ứng mới

Với những cam kết khác biệt và linh hoạt hơn so các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, Hiệp định RCEP tạo ra khuôn khổ rõ nét từ việc đơn giản thủ tục hải quan, thiết lập quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi tự do hóa thương mại, chắc chắn sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.

Rõ ràng là trước tình hình thế giới đầy biến động bởi đại dịch Covid-19 gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam. Theo các chuyên gia, mặc dù thâm hụt thương mại của Việt Nam với một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc hiện còn cao, song Hiệp định RCEP sẽ không làm trầm trọng vấn đề nhập siêu, thậm chí có khả năng cải thiện cho Việt Nam và các nước ASEAN trong dài hạn.

64-1641613788.jpg
Hiệp định RCEP là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu

Trước khi ký Hiệp định RCEP, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác; trong đó có những hiệp định thế hệ mới với mức độ cam kết rất cao. Tuy vậy, Hiệp định RCEP có tính chất khác xa so với các FTA đã ký. Cụ thể, nếu như CPTPP hay EVFTA hướng đến mở cửa thị trường, thì RCEP hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN, cụ thể là tạo ra một khuôn khổ để thuận lợi hóa thương mại và tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN, vì thế lợi ích mang lại cũng khác biệt.

Rõ ràng để có thể trở thành không gian sản xuất thống nhất, cần có thị trường đủ lớn và RCEP đảm bảo cho điều kiện tiên quyết đó. RCEP sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ (hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng với quy mô gần 27.000 tỷ USD, chiếm gần 30% GDP toàn cầu), ổn định, thuận lợi cho các nước tham gia. 

Với lợi thế về việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong RCEP, Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng nguyên liệu đầu vào tối ưu hơn để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên RCEP bao gồm Trung Quốc với sức cạnh tranh cao hơn khi chỉ khai thác ACFTA. Đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp Việt ưa buôn bán theo con đường tiểu ngạch với Trung Quốc, RCEP sẽ là bàn đạp để Việt Nam gia tăng xuất, nhập khẩu chính ngạch với Trung Quốc, tạo điều kiện để các DN Việt nâng cao trình độ sản xuất và chất lượng hàng hóa. 

Thống kê của Bộ Công thương cũng cho thấy bất chấp đại dịch COVID-19, xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường vẫn đạt kết quả khả quan. Đơn cử, tại thị trường Australia, sau 11 tháng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng 1,5% và Trung Quốc tăng tới 16%. Đây đều là những nước thành viên tham gia RCEP nên dự báo thời gian tới khi Hiệp định thực thi sẽ có những thay đổi tích cực, mạnh mẽ.

Sức ép cạnh tranh làm động lực đổi mới cho doanh nghiệp

Có thể nói chưa bao giờ “sân chơi” của doanh nghiệp Việt Nam lớn như hiện nay. Tuy nhiên bên cạnh cơ hội, Hiệp định RCEP chắc chắn sẽ mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Bởi các nền kinh tế trong khu vực có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam. Hơn nữa, đầu tư vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, trong khi khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực còn hạn chế. 

Đặc biệt là Trung Quốc, với lợi thế hàng hoá phong phú, giá rẻ, nền kinh tế tỷ dân này, được xem là một trong những thách thức lớn từ các nước tham gia RCEP. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ vào tháng 11 năm ngoái, quyết định rút khỏi Hiệp định này.

Vì vậy, cùng với giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ ngành và địa phương thì sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp là quan trọng, để tận dụng được những lợi thế từ RCEP mang lại. Chủ động tìm hiểu và nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết về lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam cũng như của các nước tham gia Hiệp định; quy tắc xuất xứ của Hiệp định, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại… 

Thực tế cho thấy, RCEP và các FTA chỉ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Các doanh nghiệp Việt cần phải hiểu, về nguyên tắc luật chơi, mặc dù RCEP sẽ diễn ra bình đẳng trên cùng một sân chơi, tất cả các bên tham gia đều có mong muốn cùng thắng theo triết lý kinh doanh “win-win”. Nhưng quy luật “mạnh được, yếu thua” trong cạnh tranh là không thể tránh khỏi và phần thắng luôn thuộc về sản phẩm, dịch vụ có năng lực cạnh tranh cao hơn. Do đó để tránh tạo ra những “cú sốc” về thị trường, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ và rõ tác động về thuế quan đến từng nhóm hàng hóa, dịch vụ của mình để đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp và khai thác triệt để các lợi thế cạnh tranh. 

Đặc biệt, phải chủ động đầu tư cho con người, máy móc và công nghệ; hướng tới hoạt động nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm và nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí đến mức tối đa. Những cam kết về mở cửa thị trường và ưu đãi về thuế quan tại RCEP là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tăng thị phần trong thị trường 26.000 tỷ USD. Tuy nhiên chỉ khi chủ động tham gia vào các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao thì doanh nghiệp Việt Nam mới được hưởng lợi thực sự từ các FTA nói chung và RCEP nói riêng.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), việc thực thi Hiệp định RCEP có thể giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% nếu có tính đến lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế.

VŨ LÊ MINH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin