Sai phạm nghiêm trọng trong CPH gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước: Cần phải khởi tố điều tra làm rõ

23/07/2019 15:35

(Pháp lý) - Thực tế cho thấy rất hiếm vụ quy được trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân ra quyết định cổ phần hóa (CPH) sai quy định pháp luật. Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến dài thêm danh sách những vụ CPH sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát lớn cho NSNN?

Nhiều sai phạm nghiêm trọng trong CPH DNNN ngành giao thông

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc đơn vị này. Nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng (đã bị khai trừ Đảng, đang bị phạt tù) chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Bộ Giao thông Vận tải. "Cá nhân ông Đinh La Thăng vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công".

 Bộ Giao thông Vận tải cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% là trái thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật
Bộ Giao thông Vận tải cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% là trái thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật)

Ủy ban Kiểm tra nêu rõ, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh "có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải"; Ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ được cho có vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ về chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải.

Bốn Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trên và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công. Ủy ban Kiểm tra cho rằng, vi phạm của Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải và những cá nhân nêu trên đã "gây thất thoát lớn tiền và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và ngành giao thông vận tải, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật".

Cơ quan kiểm tra Trung ương yêu cầu các tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Văn phòng Chính phủ để xảy ra vi phạm, khuyết điểm.

Những sai phạm trong CPH ở Bộ Giao thông Vận tải, chỉ là một trong những ví dụ điển hình về sai phạm trong CPH các DNNN.

Truy nguyên nhân và trách nhiệm

Bàn về trách nhiệm của những người ra quyết định chủ trương, những người đứng đầu trong việc CPH ở các doanh nghiệp, Luật sư Vũ Văn Thiệu – Hãng luật INCIP cho rằng, không thể bỏ qua các nguyên nhân chủ quan là tầm nhìn hạn hẹp, năng lực hạn chế của người đứng đầu, nhưng cũng phải kể đến những nguyên nhân khác như không tuân thủ quy định pháp luật, vì mục đích cá nhân, lợi ích nhóm,…. Thực tế, đã có rất nhiều kết luận thanh tra chỉ ra những sai phạm trong cổ phần hóa. Tuy nhiên, vị Luật sư này cho rằng, cần có những căn cứ cụ thể hơn trong kết luận điều tra, để xác định chính xác dấu hiệu vi phạm pháp luật của những người ra chủ trương, quyết định CPH.

Ở một góc nhìn khác, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law lập luận, CPH DNNN là chủ trương lớn mang lại nhiều kết quả tích cực, huy động được nhiều nguồn lực của xã hội đầu tư vào doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng cơ hội phát triển các doanh nghiệp CPH. Song, quá trình CPH thời gian qua đã bộc lộ nhiều “lỗ hổng” khiến cho hàng loạt khu đất vàng, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp nhà nước bị thâu tóm với giá rẻ đã gây ra những thất thoát lớn cho nguồn lực nhà nước.

Nguyên nhân của thực trạng này được Luật sư Hà chỉ ra là do việc xác định giá trị doanh nghiệp có tình trạng kiểm kê thiếu, không kiểm kê tài sản cố định còn giá trị sử dụng, kiểm kê không đúng diện tích thực tế sử dụng mà căn cứ theo diện tích được giao ban đầu, ... làm giảm giá trị doanh nghiệp. Thứ hai, trong quá trình CPH, người đại diện quản lý doanh nghiệp, ban chỉ đạo CPH thường thiếu thẩm tra, mà chủ yếu căn cứ kết quả thẩm định giá của đơn vị tư vấn dẫn đến không phát hiện những thiếu sót gây thất thoát tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị thẩm định giá có vốn điều lệ chỉ vài tỉ đồng nhưng tham gia định giá tài sản có giá hàng trăm tỉ đồng. Mặt khác, hiện nay chưa có quy định bắt buộc việc công ty thẩm định giá phải có bảo hiểm trách nhiệm vật chất, đủ để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố, sai sót.

Thêm vào đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý DNNN yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, có lợi ích nhóm, cố ý làm trái, vi phạm các quy định pháp luật, lợi dụng nhiệm vụ được giao để mưu lợi ích riêng cho bản thân và gia đình, họ hàng, tham nhũng. Từ đó, gây thất thoát lớn, thua lỗ lớn cho một số DNNN, ảnh hưởng xấu đến niềm tin vào khu vực DNNN. Một số doanh nghiệp vi phạm các quy định quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản của nhà nước nhưng chậm được phát hiện, Luật sư Hà chỉ rõ.

Không thể chỉ xử lý kỷ luật hành chính

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng 4 Thứ trưởng, đã có sai phạm, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của nhà nước tại Bộ Giao thông vận tải. Ủy ban Kiểm tra cho rằng, vi phạm của Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải và những cá nhân nêu trên đã “gây thất thoát lớn tiền và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và ngành giao thông vận tải, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.

Ông Đinh La Thăng là người phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm trong CPH ở Bộ Giao thông Vận tải
Ông Đinh La Thăng là người phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm trong CPH ở Bộ Giao thông Vận tải)

Từ việc những người đứng đầu ra quyết định chủ trương sai đã gây ra những hậu quả lớn, nhưng chỉ bị kiến nghị kỷ luật, ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, hình thức kỷ luật chỉ áp dụng cho các vi phạm hành chính; khi có sai phạm làm thất thoát tài sản Nhà nước, có tư lợi thì phải khởi tố điều tra làm rõ. Với các sai phạm trong cổ phần hóa DNNN tại Bộ GTVT, ông Doanh nhận định cần chờ kết luận cụ thể của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về các mức độ sai phạm của từng cá nhân để có chế tài xử lý.

Đồng quan điểm, Luật sư Vũ Văn Thiệu cũng cho rằng, hiện nay vẫn chưa có kết luận điều tra cụ thể về những sai phạm của từng cá nhân trong Ban chỉ đạo cổ phần hóa trong những vụ việc kể trên. Do đó, việc kỷ luật sẽ dựa theo các quy định hành chính và các quy định pháp luật liên quan khác nói chung về dân sự như “Buộc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”. Nếu muốn xử lý hình sự thì cơ quan cảnh sát điều tra phải vào cuộc làm rõ.

Phân tích cụ thể hơn, Luật sư Vũ Văn Thiệu nói, pháp luật đã có quy định về xác định trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng những quy định này chưa thống nhất mà rải rác ở nhiều Luật, nên cần dựa vào từng trường hợp cụ thể để quyết định hình phạt cho người đứng đầu nếu xảy ra vi phạm. Cụ thể, để quy trách nhiệm đối với những người ra quyết định chủ trương trong cổ phần hóa, Luật sư Vũ Văn Thiệu lập luận, căn cứ vào các quy định của pháp luật tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 (sửa đổi năm 2012); Luật Doanh nghiệp 2014; Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Hình sự 2015, trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản, vi phạm quy định và các nguyên tắc về quản lý, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước,… sẽ có các hình thức nhẹ nhất từ khiển trách, cảnh cáo cho tới buộc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và cao hơn mới truy cứu TNHS nếu có dấu hiệu hình sự.

Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT - TTg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn của một nhà làm luật, Luật sư Vũ Văn Thiệu lại cho rằng, công tác cán bộ cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của pháp luật có liên quan và cần có những biện pháp nhanh chóng, kịp thời ngay khi phát hiện vi phạm, không nên để đến khi những người đứng đầu ra quyết định CPH là cán bộ về hưu rồi mới truy cứu trách nhiệm. Điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ, xác minh và khắc phục hậu quả.

Cho rằng những quyết định sai lầm, gây ra những hậu quả lớn trong công tác CPH DNNN song chỉ kiến nghị kỷ luật hành chính là quá nhẹ. Luật sư Nguyễn Thanh Hà đề xuất, cần có chế tài xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành DN.

Với những trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước, Luật sư Hà cho rằng, các cá nhân gây ra sai phạm phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong đó nặng nhất là kỷ luật Đảng và khởi tố về mặt hình sự.

Đồng thời, vị Luật sư này cũng kiến nghị các cơ quan phải thực hiện đầy đủ, đúng nguyên tắc tuân thủ pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin, theo thị trường trong định giá, trong tổ chức bán cổ phần và lựa chọn nhà đầu tư; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp trong thực thi kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành chỉ đạo của chủ sở hữu và kiên quyết xử lý các cá nhân không quyết liệt, thiếu trách nhiệm, không đảm bảo tiến độ, nguyên tắc quy định trong chỉ đạo, tổ chức cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tháng 7/2013, Vinalines phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển Công ty TNHH MTV cảng Quy Nhơn thành Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn. Mặc dù có khối tài sản lớn, gồm hạ tầng, thiết bị,… nhưng cảng Quy Nhơn chỉ được định giá hơn 404 tỷ đồng. Sau nhiều lần chuyển nhượng, đến nay phần lớn cổ phần cảng Quy Nhơn do Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (có trụ sở ở Hà Nội) nắm giữ, với tỷ lệ 86,23%. Ngày 17/9/2018, Thanh tra Chính phủ có kết luận nêu rõ, Bộ GTVT cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn cho Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Hợp Thành, theo phương thức thoả thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng cho phép, là trái thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật. Hơn 1 năm sau kết luận Thanh tra, quá trình thu hồi lại hơn 75% cổ phần bán sai phạm tại cảng Quy Nhơn chưa có nhiều tiến triển, do vướng mắc liên quan đến việc định giá tài sản.

Giang Nguyễn

 

Bạn đang đọc bài viết "Sai phạm nghiêm trọng trong CPH gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước: Cần phải khởi tố điều tra làm rõ" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin