Cuốn sách “37 án lệ đầu tiên của Việt Nam – Phân tích và luận giải” được biên soạn công phu với cách tiếp cận phân tích các án lệ xuất phát từ các quy định sẵn có của pháp luật nhằm góp phần hiểu rõ và khái quát hơn nội dung các kết luận pháp lý của các án lệ đã được ban hành…
Đây cũng là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho những người làm công tác xét xử và thực tiễn hành nghề cũng như các nhà nghiên cứu quan tâm đến án lệ của Việt Nam” như TS Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Khóa XIV đã viết trong Lời giới thiệu của mình về Cuốn sách.
Công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta bước sang giai đoạn quan trọng từ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị “về một số nhiệm vụ trong tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, theo đó, TANDTC cần “tập trung làm tốt nhiệm vụ giám đốc thẩm, tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn các Tòa án áp dụng pháp luật thống nhất”. Tiếp theo, ngày 02/6/2005, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Với Nghị quyết này, lần đầu tiên TANDTC được giao nhiệm vụ phát triển án lệ.
Ngày 28/10/2015, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Kể từ án lệ đầu tiên được công bố ngày 06/4/2016 đến nay, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành 37 án lệ hướng dẫn TAND các cấp áp dụng thống nhất pháp luật.
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể. Để có thể áo dụng án lệ một cách phù hợp cần hiểu rõ các tình tiết cụ thể của vụ việc mà dựa vào đó án lệ đã được xây dựng cũng như các lập luận pháp lý của Tòa án đối với các tình tiết đó. Vì vậy, việc nghiên cứu và phân tích các án lệ là công việc rất hữu ích và cần được khuyến khích.
Cuốn sách “37 án lệ đầu tiên của Việt Nam – Phân tích và luận giải” được biên soạn bởi Luật sư, TS Lưu Tiến Dũng – tốt nghiệp chương trình cao học Fulbright tại Đại học Luật Iowa (Hoa Kỳ) và Draper Hills tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ), từng công tác tại Ban Thư ký Chánh án TANDTC và hiện là Thành viên Công ty Luật TNHH YKVN, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế Liên đoàn Luật sư Việt Nam và là giảng viên Khoa Luật Đại học Văn Lang.
Cuốn sách “được biên soạn công phu với cách tiếp cận phân tích các án lệ xuất phát từ các quy định sẵn có của pháp luật nhằm góp phần hiểu rõ và khái quát hơn nội dung các kết luận pháp lý của các án lệ đã được ban hành… và là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho những người làm công tác xét xử và thực tiễn hành nghề cũng như các nhà nghiên cứu quan tâm đến án lệ của Việt Nam” như TS Nguyễn Văn Luật, đã giới thiệu.
Tác giả đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu 37 án lệ đầu và cảm nhận rằng không đơn giản để hiểu rõ và hiểu hết các cơ sở đưa ra các kết luận đó. Liệu các án lệ đó được xây dựng vì chưa có các quy định của pháp luật, không thể áp dụng tương tự pháp luật và không có tập quán để áp dụng? Liệu các án lệ đó là để “giải thích” hay làm rõ các quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau hoặc chưa rõ ràng? Hay các án lệ đó là để chỉ ra cho các Tòa án các cấp phải áp dụng đúng các quy định sẵn có của pháp luật?… Tác giả đã cố gắng và thử tìm câu trả lời đối với từng án lệ trong cuốn sách này với hy vọng sẽ góp phần hiểu rõ hơn bản chất pháp lý của từng án lệ và khái quát hơn nữa các nội dung án lệ nhằm có thể tham khảo phù hợp hơn trong các vụ việc có tình tiết tương tự.
Luật sư TS Lưu Tiến Dũng được Chambers Asia vinh danh là Luật sư hạng nhất của Việt Nam về giải quyết tranh chấp trong nhiều năm qua và gần đây nhất là năm 2018. Năm 2019, TS Lưu Tiến Dũng là Luật sư duy nhất đại diện Việt Nam được Benchmark Litigation Asia – Pacific vinh danh là “Luật sư của Năm” (Lawyer of the Year – Vietnam) và vụ VinaSun kiện Grab mà Tiến sỹ Lưu Tiến Dũng bảo vệ cho Grab được bình chọn là “Vụ việc tiêu biểu của Năm” (Matter of the Year) của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Theo /tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/ra-mat-cuon-sach-%E2%80%9C37-an-le-dau-tien-cua-viet-nam-%E2%80%93-phan-tich-va-luan-giai%E2%80%9D