Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Điều kiện vay, tài trợ vốn như thế nào?

Chiếm áp đảo - xấp xỉ 97% tổng số DN đang hoạt động, đóng góp khoảng 45% vào GDP, nhưng chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cơ hội này sẽ được tăng lên khi từ 1/7/2019, Quỹ Phát triển DNNVV chính thức vận hành.

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

Theo Nghị định 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV có hiệu lực từ 1/7/2019, thì đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Quỹ hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với số vốn tối thiểu là 2.000 tỷ đồng.

Hoạt động cho vay của Quỹ được thực hiện dưới hai hình thức: Cho vay trực tiếp (Quỹ trực tiếp cho vay đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị có nhu cầu vay vốn) và cho vay gián tiếp (Quỹ thực hiện cho vay đối với DNNVV thông qua giao vốn cho ngân hàng thương mại).

Để được vay vốn, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị phải có dự án, phương án sản xuất kinh doanh (SXKD) khả thi; đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án; đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật.

Lãi suất cho vay trực tiếp của Quỹ bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại, mức thấp nhất của lãi suất cho vay thương mại được xác định trên cơ sở so sánh lãi suất cho vay của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và có tổng tài sản lớn nhất tại thời điểm xác định lãi suất cho vay của Quỹ.

Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của Quỹ đối với một DNNVV không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ, thời hạn cho vay tối đa không quá 7 năm. Ngoài chức năng cho vay đối với DNNVV, Quỹ còn tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ DNNVV.

Quỹ tài trợ vốn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thông qua phương thức cấp vốn không hoàn lại từ nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân hoặc vốn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ. Theo đó, để được tài trợ vốn, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị phải có dự án, phương án SXKD có hiệu quả. Mức tài trợ vốn không quá 1 tỷ đồng cho một dự án, phương án SXKD nhưng không quá 50% vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị.

Đặc biệt, để hỗ trợ DNNVV sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, Quỹ thực hiện các hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV bao gồm: tổ chức hội thảo, truyền thông, đào tạo, tư vấn, xúc tiến đầu tư, thương mại, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu. Căn cứ nguồn vốn hoạt động và kế hoạch hoạt động hàng năm, Quỹ lập dự án, đề án hỗ trợ nghiên cứu phát triển; dự án, đề án đầu tư, thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung để hỗ trợ DNNVV, đảm bảo hỗ trợ hiệu quả, đúng đối tượng.

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/kinh-te/quy-phat-trien-doanh-nghiep-nho-va-vua-dieu-kien-vay-tai-tro-von-nhu-the-nao-454477.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin