Quốc hội và cử tri: “ Nóng” xử lý cán bộ sai phạm, quản lý đất đai và phòng chống tội phạm

12/06/2018 06:40

(Pháp lý) - Đó là ba trong những vấn đề pháp luật “nóng”, nổi cộm , được cử tri và ĐBQH đặc biệt quan tâm có ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

Cần quy trình đặc biệt, xử nghiêm tội xâm hại trẻ em

Nóng tại các phiên thảo luận và chất vấn tại Quốc hội (kỳ họp tháng 5 vừa qua) là việc các đại biểu bức xúc về thực trạng nhức nhối” vấn nạn xâm hại trẻ em. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhiều lần bấm nút phát biểu, đề nghị Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội, ông Đào Ngọc Dung phải giải trình kỹ về thực trạng số liệu thống kê cho hay có 2.000 vụ bạo hành trẻ em mỗi năm, trong đó xâm hại tình dục đã là 1.500 vụ... Bà Nga cũng đề nghị Bộ trưởng Công an, Viện trưởng kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án TAND tối cao đưa ra giải pháp để giải quyết những trở ngại trong việc chứng minh tội phạm xâm hại trẻ em.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga)

Theo bà Nga, cơ quan chức năng có những khó khăn khách quan trong việc chứng minh tội phạm xâm hại trẻ em, nhưng cũng có những vụ nhà chức trách "không tích cực". Đơn cử vụ ở Cà Mau, cháu bé đã tự tử sau khi bị xâm hại và cho đến khi Thủ tướng lên tiếng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc; vụ Nguyễn Khắc Thủy thì Chủ tịch nước phải có ý kiến, sau đó TANDTC vào cuộc mới xử nghiêm. “Với những vụ dư luận không lên án, lãnh đạo cấp cao không vào cuộc thì sao?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Tham gia giải trình trước Quốc hội, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhận định xâm hại trẻ em là vấn đề cử tri rất bức xúc. Theo ông Trí, để giải quyết vấn đề trên cần quyết tâm của cả hệ thống chính trị với các giải pháp đồng bộ và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan. Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng Toà án nhân dân tối cao xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự về đối tượng tham gia tố tụng dưới 18 tuổi; dự kiến đầu quý III sẽ ban hành. “Đây là cơ sở pháp lý hướng dẫn việc điều tra, truy tố, khởi tố, xét xử loại tội phạm này”, ông Trí nói.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, xâm hại tình dục trẻ em đang diễn biến phức tạp, không chỉ trẻ em gái mà trẻ em trai cũng là nạn nhân. Tội phạm có cả người Việt Nam và đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam tập hợp trẻ để nuôi dưỡng rồi xâm hại tình dục. Theo Bộ trưởng, việc tố cáo tội phạm xâm hại trẻ em thường diễn ra chậm nên điều tra thu chứng cứ, dấu vết khó khăn; nhiều trường hợp nạn nhân cũng như người thân giấu thông tin khiến nhiều tội phạm thực hiện thời gian dài mới bị phát hiện; có những gia đình không hợp tác điều tra vì sợ ảnh hưởng tới tâm lý trẻ. Mặt khác, Bộ trưởng Công an nêu vụ án xâm hại tình dục thường không có nhân chứng trực tiếp, nạn nhân nhỏ tuổi nên khai báo không chính xác, không thống nhất, hoặc khai theo hướng dẫn của cha mẹ nên khó khăn điều tra; đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng cũng chưa thống nhất.

Từ thực tế đấu tranh với loại tội phạm này, Bộ trưởng Công an cho rằng cần thiết phải có quy trình điều tra đặc biệt với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Theo ông Tô Lâm, Ủy ban Tư pháp sẽ đứng ra làm trọng tài, tạo điều kiện cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực này theo quy trình đặc biệt chứ không thể theo trình tự thông thường.

Người nước ngoài không có quyền mua đất tại Việt Nam

Đăng đàn, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà nhận được chất vấn của đại biểu Phùng Đức Tiến về vấn đề giao dịch mua bán đất đai phức tạp tại 3 nơi sắp thành đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc), nhất là có thông tin người nước ngoài đã mua nhà ở khu vực này. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thực tế theo quy định hiện hành thì người nước ngoài không có quyền mua đất, chỉ có quyền mua chung cư ở đô thị. "Chính phủ chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, qua đó chúng tôi chưa phát hiện người nước ngoài mua đất, họ chỉ mua các căn hộ chung cư ở các đô thị", ông Hà khẳng định.

Trưởng ngành tài nguyên cũng mong "đại biểu thấy ở đâu người nước ngoài mua đất thì báo cho Bộ, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, điều tra xem bằng cách nào họ mua được, vì như vậy là trái pháp luật Việt Nam", ông Hà nhấn mạnh.

"Đình chỉ ngay cán bộ hành dân, tham nhũng, lãng phí…”

Phát biểu trước Quốc hội, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội tán thành Chính phủ đề ra phương châm 10 chữ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, trong đó kỷ cương được đặt lên hàng đầu. Theo ông, điều này là hoàn toàn phù hợp vì hành pháp là nhánh quyền lực rất mạnh, nếu không có kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ trong điều hành thì sẽ rơi vào tình trạng “sai một ly, đi một dặm”.

ĐBQH Lưu BÌnh Nhưỡng
ĐBQH Lưu BÌnh Nhưỡng)

Đại biểu Nhưỡng cũng ủng hộ cao Thủ tướng sử dụng thẩm quyền được nhân dân và Quốc hội trao để kiên quyết xử lý các cán bộ dưới quyền có sai phạm, trước hết, đình chỉ ngay những cán bộ hành dân, hành doanh nghiệp; thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tham nhũng lãng phí nhất là trong thu chi ngân sách nhà nước; trong các dự án nghìn tỷ đắp chiếu; bằng giả; thăng tiến thần tốc; nâng đỡ không trong sáng...

Sửa Luật Đất đai để ngăn “lửa bùng lên từ đất”

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, dành phần lớn bài phát biểu của mình để đề cập sâu vấn đề mà ông cho là “rất nóng và luôn nóng”, đó là đất đai. Theo ông, đây là lĩnh vực làm phát sinh nhiều khiếu kiện nhất và cũng thất thoát lớn nhất tài sản quốc gia.

Đại biểu Cương phân tích, với chính sách khung giá đất mà các tỉnh, thành công bố hàng năm chỉ bằng 10 – 20% giá thị trường, cộng với việc chính quyền đứng ra thu hồi đất giao cho doanh nghiệp, sau đó, doanh nghiêp làm hạ tầng, thực tế nhiều nơi chả cần làm gì đã lập bản đồ phân nền bán ra giá gấp hàng chục, hàng trăm lần khiến người dân bức xúc đi khiếu kiện khắp nơi. “Không thể cứ kéo dài mãi tình trạng thu hồi hàng nghìn mét vuông đất, dù chỉ là đất ruộng, thậm chí đất không thể canh tác được, nhưng sau khi được đền bù thì người dân không mua nổi một suất đất hay một căn chung cư của chính dự án để sinh sống; chưa kể đến việc tạo kế sinh nhai cho người dân có đất bị thu hồi một cách thực chất”, Đại biểu Cương nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương)

Theo Đại biểu Cương, thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, công trình công cộng được xã hội đồng tình cao, còn thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội, nhất là thu để giao cho doanh nghiệp thì cần phải thay đổi cả cơ chế và sửa cả quy định của pháp luật. Vị đại biểu hiến kế, Chính phủ cần thiết kế cơ chế để doanh nghiệp phải tự thoả thuận với người dân theo giá thị trường, chính quyền không thu hồi đất thay các doanh nghiệp và trước khi phê duyệt dự án thì phải lấy ý kiến người dân, chứ không để tình trạng như một số nơi khi thu hồi đất người dân không biết là có dự án. Cùng với đó, việc sửa đổi Luật đất đai cần quan tâm giải quyết những vấn đề liên quan đến thu hồi đất, đảm bảo quyền lợi tương xứng, cuộc sống bình thường của người dân với sự phát triển bền vững của quốc gia.

Cử tri và Đại biểu quan tâm đặc biệt Luật Đặc khu

Thảo luận về các quy định liên quan đến đặc khu, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) quan tâm đặc biệt về thời hạn giao quyền sử dụng đất và quy định lựa chọn nhà đầu tư. Đại biểu Nghĩa đề nghị quy định rõ những ngành không cho nước ngoài đầu tư, những ngành không cho chuyển nhượng cho nước ngoài".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng)

Về vấn đề trưởng đặc khu, Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đồng tình với phương án đặc khu không tổ chức HĐND và UBND mà thực hiện thiết chế trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đồng tình: "Chúng ta đã có một thời gian thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, do đó có đầy đủ cơ sở để lựa chọn mô hình chính quyền đặc khu không tổ chức HĐND, để đảm bảo mô hình mang tính vượt trội". Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) đề nghị nghiên cứu phương án đột phá như bầu cử trực tiếp, tranh cử đối với chức danh trưởng đặc khu.

Tiếp thu ý kiến các ĐBQH và lắng nghe ý kiến nhân dân, ngày 11/6 vừa qua, QH đã quyết định điều chỉnh lùi thời gian thông qua Luật đặc khu.

Vũ Anh Tuấn (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hội và cử tri: “ Nóng” xử lý cán bộ sai phạm, quản lý đất đai và phòng chống tội phạm" tại chuyên mục Xã hội. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin