Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA: Vì sao pháp luật về Sở hữu trí tuệ cần được ưu tiên sửa đổi?

(Pháp lý) - Đến thời điểm này có thể nói, cùng với CPTPP 1, EVFTA là Hiệp định có phạm vi cam kết rộng và cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay và là Hiệp định được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Do khoảng cách lớn về trình độ phát triển và thực trạng thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của các bên, SHTT đã trở thành chủ đề quan trọng trong đàm phán EVFTA. Tuy nhiên, vấn đề SHTT ở Việt Nam được điều chỉnh bởi Luật SHTT và Luật Canh tranh hiện hành còn không ít bất cập. Hay nói cách khác, một số quy định của pháp luật Việt Nam về SHTT hiện chưa tương thích với quy định của EVFTA, cần được ưu tiên nghiên cứu, sửa đổi để đáp ứng với các yêu cầu chính của Hiệp định này.

Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh là 2 đạo luật cần được ưu tiên sửa đổi để tương thích với các quy định của EVFTA

Quyền bảo hộ tác giả, quyền liên quan không đồng nhất

Hiệp định EVFTA có những quy định mang tính nguyên tắc chung trong việc bảo hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó đã yêu cầu các bên phải quy định đầy đủ việc bảo hộ bằng các biện pháp công nghệ đối với bản quyền, thông qua việc khẩn trương gia nhập hai Điều ước quốc tế về bản quyền quan trọng (đó là Công ước Berne và Hiệp định TRIPs), chậm nhất trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Lấy ví dụ về sự không tương thích đó: Tại Điều 7, Công ước Berne quy định, thời hạn bảo hộ quyền tác giả tối thiểu là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết. Đối với các tác phẩm khuyết danh, tác phẩm điện ảnh thì thời hạn này là 50 năm, còn đối với tác phẩm nhiếp ảnh thì thời hạn bảo hộ là 25 năm. Hiệp định TRIPs (Điều 12) bổ sung quy định thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm: tối thiểu 50 năm kể từ khi công bố hợp pháp; tối thiểu 50 năm kể từ ngày tác phẩm được sáng tác…Trong khi đó tại điểm a, khoản 2 Điều 27 Luật SHTT 2019 quy định, tác phẩm nhiếp ảnh có thời hạn bảo hộ 50 năm. Trong thời hạn 50 năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình. Đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả được xuất hiện thì thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết...

Điều 3 Công ước Berne quy định về quy tắc bảo hộ quyền tác giả quốc tế: “Tác phẩm của các tác giả là công dân của một trong những nước là thành viên của Liên hiệp dù các tác phẩm của họ đã công bố hay chưa”. Được hiểu là Công ước Berne bảo hộ quyền tác giả phát sinh ngay khi tác phẩm được định hình dưới dạng vật chất nhất định không lệ thuộc vào bất kì thủ tục nào như đăng kí cấp giấy chứng nhận, nộp lưu chiểu. Trong khi đó Điều 49 Luật SHTT quy định, việc đăng ký quyền tác giả để được bảo hộ bản quyền tác giả là việc của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả và nó cũng không phải là cơ sở xác lập quyền tác giả; tác phẩm dù có đăng ký hay không đăng ký quyền tác giả đều được hưởng sự bảo hộ như nhau.

Pháp luật không bắt buộc, trong khi đó các doanh nghiệp lại không nhận thức được tầm quan trọng của giá trị SHTT vô hình đã dẫn tới tự mình tước bỏ quyền định đoạt của mình, thậm chí còn tự đẩy mình vào tình thế bị coi là xâm phạm quyền SHTT khi nhãn hiệu đó đã được bảo hộ cho người khác. Trong quá khứ đã từng xảy ra, một số nhãn hiệu hàng hóa có uy tín trong nước đã bị chiếm dụng như thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên, may Việt Tiến… nhưng chủ sở hữu không chứng minh mức độ nào là hành vi vi phạm bản quyền.

Vụ kiện tác quyền đối với hình tượng 4 nhân vật Tý, Sửu, Dần, Mẹo trong bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt được cho là kéo dài “kỷ lục” trong tố tụng của Việt Nam cuối cùng cũng kết thúc có hậu (tháng 9/2019). Nhưng để giành được quyền SHTT bộ tranh, tác giả đã phải “lên bờ xuống ruộng” ròng rã suốt hơn 12 năm trời. Tác giả, họa sĩ Lê Linh, người theo đuổi vụ kiện, chua chát nói: “Đây không phải là khổ nạn của tôi trong suốt hơn 12 năm mà còn là bài học của nhiều người khi vẫn còn lơ mơ về bản quyền và SHTT”.

Vụ kiện tác quyền đối với hình tượng 4 nhân vật Tý, Sửu, Dần, Mẹo trong bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt được cho là kéo dài “kỷ lục” trong tố tụng của Việt Nam.

Nội hàm về cạnh tranh không lành mạnh còn chưa đồng nhất trong các luật

Trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà phát triển mạnh mẽ và hội nhập kinh tế quốc tế thì cạnh tranh là quá trình tất yếu xảy ra trong sự phát triển của các ngành kinh tế. Sự thay đổi thị hiếu nhu cầu của người tiêu dùng đồng thời với sự gia tăng số lượng cũng như quy mô của các doanh nghiệp trong cùng một ngành đã tạo nên một áp lực cạnh tranh lớn hiện nay trên thị trường. Tuy nhiên, việc cạnh tranh cũng làm phát sinh những toan tính, những thủ đoạn, những hành vi bất chính của một số doanh nghiệp yếu kém, không chịu được sức ép của cạnh tranh hoặc của một số doanh nghiệp có lợi thế trên thị trường nhằm tiêu diệt đối thủ, giảm bớt sức ép của cạnh tranh, lừa dối khách hàng để trục lợi…

Những biểu hiện không lành mạnh ấy ngày càng gia tăng về số lượng và phức tạp trong biểu hiện, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của thị trường. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), tính đến hết năm 2018, có gần 500 hồ sơ khiếu nại, trong đó hơn 200 vụ đã được điều tra, xử lý. Các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh thường diễn ra dưới nhiều hình thức, theo nhiều dạng khác nhau. Đình đám nhất được dư luận đặc biệt quan tâm trong năm 2018, đó là vụ Công ty CP Ánh Dương VN đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (Vinasun) thắng kiện Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (Grab) đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền 4,8 tỷ đồng. Vinasun khẳng định chính bởi sự xuất hiện Grab với các chương trình khuyến mãi tràn lan, cuốc xe 0 đồng của doanh nghiệp này đã khiến khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab, gây thiệt hại cho Vinasun nên yêu cầu Grab bồi thường hơn 41,2 tỉ đồng…

Từ vụ kiện trên và phán quyết của tòa, đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định EVFTA vừa mới được phê chuẩn, các doanh nghiệp vận tải nói riêng đều có chung một mong muốn là tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để mang lại quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng, cũng như phải tuân thủ đầy đủ điều kiện kinh doanh, quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước.

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Điều 10bis Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp được hiểu là “bất kỳ hành vi cạnh tranh nào trái với tập quán trung thực trong công nghiệp và thương mại”. Trong khi đó, bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được pháp luật Việt Nam (Luật SHTT, Luật Cạnh tranh 2014 và các văn bản dưới luật) quy định không đồng nhất về khái niệm. Cụ thể: Luật SHTT 2019 (Điều 130) coi xâm phạm bí mật kinh doanh không thuộc nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhưng trong Luật Cạnh tranh 2018 (Điều 45) coi xâm phạm bí mật kinh doanh là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Việc hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại văn bản luật khác nhau, được thực thi bởi các cơ quan khác nhau dẫn đến có những chồng chéo về thẩm quyền xử lý, thủ tục xử lý hoặc khả năng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan thực thi pháp luật, dẫn đến tổ chức, cá nhân gặp khó khăn trong việc đề nghị các cơ quan chức năng xử lý các hành vi này.

Thực thi quyền SHTT: thách thức và hạn chế

Thách thức lớn nhất đặt ra liên quan đến việc thực hiện cam kết của EVFTA là tình trạng xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn biến phức tạp, các loại sản phẩm hàng hóa xâm phạm về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả… xuất hiện ở nhiều nơi, không chỉ được bày bán theo cách truyền thống mà hàng hóa được giao dịch qua các kênh bán hàng trực tuyến, trên môi trường internet, nên các lực lượng chức năng rất khó kiểm tra, bắt giữ. Bên cạnh đó, việc vi phạm bản quyền phần mềm vẫn lớn, nên sẽ dẫn đến tâm lý e dè trong việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam.

Từ năm 1995 đến hết năm 2001, tổng số vụ việc về SHTT được tòa án giải quyết là 45 vụ, chủ yếu là các vụ kiện xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp. Chứng tỏ số vụ việc tranh chấp, xung đột về SHTT được giải quyết ở tòa án là rất ít. Trong khi đó, có hàng nghìn vụ xử lý hành chính về vi phạm SHTT do các cơ quan thanh tra, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế và hải quan thực hiện. Hầu như trong mọi trường hợp xảy ra vi phạm quyền SHTT, người có quyền đều nộp đơn cho các cơ quan chức năng xử lý hành chính để yêu cầu xử lý. Có thể nói tình trạng “hành chính hóa” các quan hệ dân sự về SHTT đã vượt quá mức cần thiết. Trình tự dân sự đáng lẽ phải được coi là biện pháp chủ yếu, phải được áp dụng triệt để và phổ biến lại trở thành giải pháp ít được sử dụng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu lực thực thi quyền SHTT còn hạn chế ở Việt Nam như: Năng lực của các cán bộ thực thi còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT ngày một gia tăng; công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp xử lý xâm phạm quyền SHTT giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi còn chưa kịp thời, chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; chế tài xử lý hành chính chưa thực sự có tính răn đe cao, trong khi biện pháp dân sự ít được sử dụng, bên cạnh đó chế tài hình sự chưa phát huy hiệu quả do thiếu những văn bản hướng dẫn xử lý; người tiêu dùng, công chúng vẫn còn hạn chế trong việc sử dụng và tôn trọng quyền SHTT của người khác; nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của đăng ký bảo hộ cũng như bảo vệ quyền SHTT.

Trong khi đó nhìn ra 182 nước (chiếm khoảng 90% số quốc gia trên thế giới) tham gia Tổ chức SHTT thế giới (WIPO). Các quốc gia thành viên WIPO đều có hệ thống pháp luật về SHTT với các quy phạm pháp luật khá đầy đủ về dân sự, hành chính và hình sự. Có thể tóm lược thành 03 mô hình chủ yếu: Một là, có một luật chung điều chỉnh mọi đối tượng thuộc lĩnh vực SHTT (có các nước Pháp, Philippines, Sri Lanka… áp dụng); hai là, có luật riêng áp dụng cho từng lĩnh vực SHTT, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan (các nước Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Brazil, Colombia, Mexico, Uruguay… ); ba là, có các luật đơn hành về từng đối tượng hoặc nhóm đối tượng SHTT (hầu hết các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Áo, Thụy Sĩ, Nga, Canada, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… theo mô hình này).

Có thể thấy, mặc dù không đồng nhất về mô hình nhưng mỗi quốc gia thành viên WIPO đều có hệ thống pháp luật hoàn thiện về SHTT, việc bảo hộ quyền SHTT ở các nước phát triển được thực hiện khá đầy đủ với chế tài xử phạt nghiêm khắc, trong đó tòa án đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo hộ quyền SHTT. Các nhà đầu tư FDI đã từng biết đến vụ Công ty Richmont (Thụy Sĩ) kiện 32 công ty nước ngoài làm hàng nhái ra tòa án và đã thắng kiện, được mỗi công ty bồi thường 18 triệu USD cho Richmont.

Lời kết

Tóm lại việc ký kết Hiệp định thương mại song phương giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho hoạt động thương mại, đầu tư của hai bên. Song từng lĩnh vực đều có những thuận lợi và thách thức nhất định, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, rà soát và chuẩn bị các nguồn lực, tiềm lực để đón nhận. Trong đó lĩnh vực SHTT được cho là có nhiều tác động và là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm khi Việt Nam triển khai các hoạt động để thực thi các cam kết ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Các quy định của pháp luật SHTT (Luật SHTT và Luật Cạnh tranh) còn bất cập chưa tương tích với yêu cầu của Hiệp định như chúng tôi đề cập ở trên cần được rà soát và sửa đổi theo hướng hoàn thiện và phù hợp để tận dụng được lợi thế. Cùng với đó, trong bối cảnh nhận thức chung về xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam còn thấp thì việc tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng và doanh nghiệp về các cam kết trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh: “Hiệp định EVFTA được kỳ vọng là sẽ đáp ứng nhu cầu bảo hộ của chủ thể quyền SHTT. Việc thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Điều này sẽ có nhiều tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thương mại của Việt Nam”.

VŨ LÊ MINH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin