Quốc hội dự kiến họp bất thường đầu năm 2022, bàn 5 vấn đề quan trọng

23/11/2021 08:43

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến diễn ra đầu tháng 1/2022 và sẽ bàn 5 nội dung quan trọng.

Chiều 22/11, tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội và bước đầu việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Ông Bùi Văn Cường cho hay, tại văn bản số 94 ngày 13/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm trình hồ sơ 5 nội dung đã thống nhất để có cơ sở, xem xét, đề xuất việc tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội.

41-1637631623.jpg

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo.

Theo Tổng Thư ký Bùi Văn Cường, sau khi có văn bản đề nghị, đến nay đã nhận hồ sơ tài liệu 4/5 nội dung cho kỳ họp bất thường tới, gồm: Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Đề án Thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Cần Thơ.

Ông Cường cho biết, hiện còn thiếu hồ sơ tài liệu đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các Ủy ban Kinh tế, Tài chính - Ngân sách đang phối hợp với các Ủy ban có liên quan để tiến hành thẩm tra.

Theo đó, kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022. Nếu diễn ra vào tháng 12 thì đây là kỳ họp thứ 4 trong năm nay của Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Cường cho hay, thời gian từ nay đến tháng 12/2021 không còn nhiều, các cơ quan phải tiến hành rất nhiều hoạt động. Trong khi đó, các nội dung trình Quốc hội đều là những vấn đề lớn, phức tạp, cần có thời gian để thẩm tra kỹ lưỡng, thận trọng.

Ở kỳ họp bất thường, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét 5 nội dung đã thống nhất, gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Đề án Thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; Dự thảo Nghị quyết Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nếu cả 5 nội dung trên đã được cho ý kiến trong tháng 12/2021 và đủ điều kiện trình Quốc hội, Tổng Thư ký đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2022. Dự kiến tổng thời gian kỳ họp khoảng 4,5 ngày. Trong đó, thời gian thảo luận 3,5 ngày, phiên trù bị, khai mạc, bế mạc, trình bày một số báo cáo và biểu quyết thông qua một ngày.

42-1637631624.jpg

Quang cảnh phiên họp.

Về tổ chức kỳ họp bất thường, Tổng Thư ký Quốc hội trình ba phương án:

Phương án 1: Dự kiến khai mạc ngày 4/1/2022 (ngay sau khi kết thúc đợt nghỉ lễ). Quốc hội làm việc liên tục, không chia làm hai đợt và kết thúc vào sáng 8/1.

Phương án 2: Dự kiến khai mạc ngày 5/1 và được chia thành hai đợt. Trong đó, đợt một khoảng bốn ngày (từ 5 - 8/1) để tiến hành phiên trù bị, khai mạc, trình và thảo luận tất cả các nội dung; đợt hai diễn ra trong 0,5 ngày (sáng 13/1) để biểu quyết thông qua và tiến hành phiên bế mạc.

Phương án 3: Dự kiến khai mạc kỳ họp ngày 5/1, bế mạc sáng chủ nhật, ngày 9/1. Trong đó, đề nghị Quốc hội làm việc liên tục, không chia làm hai đợt của kỳ họp và bố trí Quốc hội làm việc một ngày thứ bảy và sáng chủ nhật để kết thúc kỳ họp bất thường sớm hơn.

Trong 3 phương án này, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án 1. Tổng thư ký cũng đề nghị các cơ quan cần khẩn trương hoàn thiện việc chuẩn bị các nội dung kỳ họp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc tổ chức và triệu tập kỳ họp bảo đảm đúng thời gian quy định (chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp).

Ông Cường thông tin thêm, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan, sẵn sàng bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn, công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp.

Còn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét công tác lập pháp (kéo dài 8,25 ngày), trong đó xem xét, thông qua 5 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết (hội trường: 3 ngày); Cho ý kiến 7 dự án luật (tổ: 1,75 ngày; hội trường: 3,5 ngày).

Quốc hội cũng xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8,25 ngày). Trong đó, xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước (tổ: 0,5 ngày; hội trường: 1,5 ngày); Xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 (tổ: 0,25 ngày, hội trường: 0,5 ngày).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn (hội trường: 2,5 ngày).

Như vậy, dự kiến Quốc hội làm việc 18 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 23/5/2022 và bế mạc vào ngày 15/6/2022. Trong đó, đề nghị không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ Bảy, Chủ nhật để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu, các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua.

Về hình thức họp, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tuy nhiên, dự phòng phương án họp trực tuyến nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

43-1637631624.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Kết luận phiên họp, đối với kỳ họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo tinh thần quyết tâm chính trị cao nhất, cố gắng nỗ lực tối đa, tuy nhiên việc tổ chức vẫn tùy thuộc vào công tác chuẩn bị. Đồng thời, phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình, nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, có đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan, ý kiến chuyên gia,…

Nhấn mạnh, nội dung cho ý kiến tại kỳ họp bất thường là những nội dung khó, phức tạp liên quan đến quốc kế dân sinh, đến tình hình tài chính, kinh tế vĩ mô, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan phải có quyết tâm chính trị rất lớn và nỗ lực cao với tinh thần vào cuộc tối đa, đảm bảo chất lượng kỳ họp.

Về chuẩn bị cho Kỳ họp thường kỳ tháng 5/2022 (Kỳ họp thứ 3), Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phát huy tối đa những ưu điểm, kết quả đã đạt được trong các Kỳ họp trước để áp dụng triển khai; công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng, theo tinh thần từ sớm từ xa;…

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc "bố trí giữa thảo luận và biểu quyết thông qua" cần sắp xếp cân đối thời gian, nội dung nào quan trọng cần phân bổ dành thời gian thích đáng. Đồng thời, trong công tác giám sát tối cao cần quan tâm đến nội dung giám sát liên quan đến quy hoạch; các đề án liên quan như đổi mới kỳ họp, đổi mới công tác giám sát;… cần tích cực, chủ động triển khai kịp tiến độ.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/quoc-hoi-du-kien-hop-bat-thuong-dau-nam-2022-ban-5-van-de-quan-trong-a534710.html

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hội dự kiến họp bất thường đầu năm 2022, bàn 5 vấn đề quan trọng" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin