Quốc hội có lơ đễnh?

Hôm ông Nguyễn Thận, thầy giáo cũ đồng thời là ân nhân kêu oan cho Huỳnh Văn Nén, dẫn người học trò vừa tự do sau 18 năm tù đến cảm ơn chúng tôi vì đã đồng hành cùng họ tìm công lý, ông Nén ngồi im lặng mất mười phút.

Chúng tôi cũng vậy. Trong mười phút ấy tôi cố gắng mường tượng những gì ông đã trải qua trong ngần ấy năm tù oan, nhưng rồi bất lực. Thực tế quá kinh khủng, trí tưởng tượng của một nhà báo không đủ phong phú để hình dung ra những gì ông đã nghĩ và cảm nhận.

Luật hình sự là ngành luật đòi hỏi sự chặt chẽ nhất, bởi nó liên quan mật thiết và tác động tức thì đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và tài sản con người. Nó đòi hỏi sự hợp lý và tỉ mỉ trong soạn thảo và vận dụng. Để đề phòng oan sai, người ta đã đưa ra nhiều nguyên tắc có lợi cho người bị áp dụng: nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội...

Dù vậy, vẫn có những người bị tù oan như ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén. Vẫn có những vụ án nhùng nhằng cả chục năm như trường hợp Lê Bá Mai bị cáo buộc giết người và hiếp dâm trẻ em. Vì thế, trong quá trình soạn thảo, dự thảo, thẩm định và thông qua Bộ luật Hình sự, việc "bấm nút" từng điều khoản, mỗi dấu chấm phẩy không chỉ là chế định khô khan, mà nó liên quan đến sinh mạng, đến thân phận con người.

Bộ luật Hình sự là một công trình đồ sộ mà Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo với sự đóng góp ý kiến của rất nhiều cơ quan chức năng, được Quốc hội thông qua sau nhiều lần dự thảo. Nó được gần 400 đại biểu, đại diện cho ý chí toàn dân, bấm nút biểu quyết. Mục đích của nó là bảo vệ có hiệu quả sự bình yên của xã hội trên cơ sở ngăn chặn và đưa ra chế tài mạnh mẽ với các hành vi xâm phạm những khách thể được nó tuyên bố bảo vệ.

Cách đây hơn hai tháng, Bộ luật Hình sự sắp có hiệu lực được phát hiện có ít nhất ba điểm sai sót. Đó là sự trùng lắp chi tiết định khung hình phạt các tội liên quan đến ma túy ở các Điều 249, 250 và 252. Nếu không được sửa thì một hành vi có thể áp dụng các mức án khác nhau, dẫn đến tình trạng "Án hình sự xử sao cũng được" - phỏng theo câu nói của một chánh án tòa tối cao năm nào đối với án dân sự.

Trước nay, các cơ quan áp dụng pháp luật vẫn thường bị kêu ca về sự tùy tiện. Bây giờ, sự tuỳ tiện ấy xuất hiện trong chính văn bản luật. Ba điểm sai đã khiến chúng tôi rất ngỡ ngàng. Thế mà nay, Bộ luật Hình sự được lùi ngày có hiệu lực để sửa lỗi. Có tới 90 điểm sai sót được phát hiện.

Xem lại những điều luật có sai sót, tôi nghĩ rằng nó khởi đầu từ lỗi đánh máy của người làm văn bản; nó lọt qua quá trình dò lỗi của những người soạn thảo và thẩm định; nó "trôi qua" mắt của gần 400 đại biểu tại nghị trường quốc hội. Những sai sót của luật lẽ ra đã được phát hiện sớm hơn nếu ai đó, trong số hàng trăm, hàng nghìn người được lấy ý kiến, làm việc có trách nhiệm. Nhưng luật lại đã được thông qua từ sự lơ đễnh của cơ quan soạn thảo, thẩm định, của hàng nghìn đại biểu từng tham gia các cuộc họp đóng góp ý kiến ở các hội đoàn, địa phương; rồi đi qua sự lơ đễnh của đại biểu quốc hội khi bấm nút.

Trách nhiệm của các đơn vị hay cá nhân cụ thể nào đó liên quan đến việc này chắc chắn sẽ được xem xét. Nhưng để xảy ra điều đó, tôi nghĩ mỗi người cũng nên tự hỏi liệu chúng ta có quá thờ ơ trước thân phận chính mình. Chúng ta luôn đòi hỏi được tham gia vào việc xây dựng luật, nhưng lại đã để những đàn lạc đà thản nhiên lọt qua lỗ kim khâu.

Theo Vnexpress

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin