Quân sự không phải là giải pháp

17/04/2017 08:40

Trung Quốc đang tăng cường kêu gọi ngăn chặn để căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không bước vào “giai đoạn không thể đảo ngược và quản lý được” giữa lúc có nỗi lo Bình Nhưỡng thử hạt nhân và Washington triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực

Sau khi Mỹ không kích căn cứ không quân Syria và thả “bom mẹ” xuống mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan, nhiều người lo ngại Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể ra lệnh tương tự với Triều Tiên.

Dù vậy, không ít nhà phân tích an ninh quốc tế tin rằng ngay cả khi muốn, ông chủ Nhà Trắng cũng khó sử dụng giải pháp quân sự. Một trong những trở ngại lớn nhất là đồng minh chủ chốt Hàn Quốc khó tránh được hậu quả tàn khốc. Bị đe dọa nhất là thủ đô Seoul, hiện có 10 triệu người sinh sống, bởi thành phố nằm ngay trong tầm bắn của hàng ngàn khẩu pháo được Bình Nhưỡng bố trí dọc biên giới hai nước cách đó gần 60 km.

Bà Melissa Hanham, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chống phổ biến hạt nhân James Martin (Mỹ), nhận định với trang The Huffington Post rằng dù vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có bị Mỹ vô hiệu hóa thì quốc gia này vẫn có lực lượng quân sự truyền thống đủ mạnh để gây tổn thất nặng nề cho Hàn Quốc. Triều Tiên hiện là quốc gia có quân số thường trực thuộc loại đông nhất thế giới (hơn 1,3 triệu) và được đánh giá cao về pháo binh. Chưa hết, theo giới phân tích, khoảng 28.000 lính Mỹ ở Hàn Quốc, 50.000 lính Mỹ ở Nhật cùng hàng chục ngàn sinh viên, doanh nhân, du khách và những người Mỹ khác ở 2 nước đồng minh này đều có nguy cơ trở thành mục tiêu của vũ khí Triều Tiên.

 Một cuộc diễn tập của pháo binh Triều Tiên Ảnh: KCNA
Một cuộc diễn tập của pháo binh Triều Tiên Ảnh: KCNA)

Trong khi đó, ông Jonathan D. Pollack, chuyên gia của Viện Brookings (Mỹ), nhắc lại rằng Mỹ đã tính toán về tác động của một cuộc tấn công quân sự trực tiếp nhằm vào Bình Nhưỡng kể từ khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) khép lại và đi đến cùng một kết luận: Không ai nghi ngờ liên quân Mỹ - Hàn sẽ “chiến thắng cuộc chiến” nhưng với Hàn Quốc (nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới), cái giá phải trả là vô cùng thảm khốc. Bài toán cực khó ở đây là làm sao vừa phá hủy mọi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vừa vô hiệu hóa khả năng nước này có thể gây tổn thất cho nước láng giềng.

Đây là điều chính quyền Tổng thống Bill Clinton rút ra trong cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên với Triều Tiên năm 1994. Khi đó, Lầu Năm Góc lên kế hoạch tấn công và vô hiệu hóa một lò phản ứng hạt nhân nhỏ ở Yongbyon. Tuy nhiên, kế hoạch này bị xếp xó sau khi những mô phỏng trên máy tính cho thấy đến 1 triệu người có thể mất mạng nếu Triều Tiên trả đũa - một con số sẽ lớn hơn nhiều vào thời điểm này. “Tôi chỉ có thể hy vọng các cố vấn quân sự của ông Trump có thể đưa ra lời khuyên khôn ngoan và đúng đắn mà bất kỳ tổng thống nào cũng cần đến. Đó là không có lựa chọn tốt nào (trong việc tấn công quân sự Triều Tiên). Chúng đơn thuần không hề tồn tại” - ông Pollack nhấn mạnh.

Trước mắt, có vẻ Washington cũng thấy rõ một chiến lược phi quân sự vẫn là tối ưu lúc này. Tờ The Washington Post cho biết chính sách chính thức của chính quyền ông Trump đối với Triều Tiên không nhằm “thay đổi chế độ” mà tìm cách “gây sức ép tối đa” thông qua biện pháp trừng phạt và những phương tiện ngoại giao khác. Mục tiêu là buộc Bình Nhưỡng ngưng hoạt động tên lửa, hạt nhân bị cấm và trở lại con đường đàm phán. Chính sách trên đã nhận được sự nhất trí của toàn bộ quan chức hàng đầu trong Hội đồng An ninh quốc gia vào đầu tháng này.

Theo NLD

Bạn đang đọc bài viết "Quân sự không phải là giải pháp" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin