Quản lý vốn doanh nghiệp nhà nước: Cần có cuộc cách mạng tư duy

(Pháp lý) - Không phải đến giờ, việc tìm kiếm một mô hình phù hợp quản lý DNNN, vốn Nhà nước mới trở thành chủ đề nóng. Gần 2 thập kỷ qua, đã có những mô hình được thử nghiệm và hàng ngàn cuộc tranh luận xoay quanh nó.

Nút thắt thực tế

Khối tài sản nằm trong các DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước đang được ước tính lên tới gần 400 tỷ USD. Hiện việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp rất phân tán và do nhiều đầu mối đảm nhận, bao gồm Chính phủ, các Bộ, Ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Tình trạng các bộ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện đồng thời cả ba chức năng: quản lý nhà nước về kinh tế, chủ quản cấp trên đối với doanh nghiệp và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn phổ biến.

[caption id="attachment_146432" align="aligncenter" width="410"]Quản lý DNNN yếu kém thời gian vừa qua dẫn đến thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước (ảnh minh họa) Quản lý DNNN yếu kém thời gian vừa qua dẫn đến thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước (ảnh minh họa)[/caption]

Gần 20 năm trước, Đảng và Nhà nước đã nhìn thấy những bất cập của mô hình “kiêm nhiệm” trên. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã có chủ trương thành lập một tổ chức tài chính đặc biệt của Nhà nước, với mục tiêu tách chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp.

Ông Phạm Đình Soạn (nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính) cho rằng, không nên thành lập một siêu ủy ban quản lý DNNN. Bởi lẽ trước đây, chúng ta đã từng có tổng cục quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng làm không thành công và phải giải thể. Thêm nữa, chúng ta đang rút bớt DNNN, rút cả vốn và số lượng doanh nghiệp thì lập “siêu ủy ban” để quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là không cần thiết. Việc cần thiết mà Chính phủ phải làm hiện nay là đánh giá một cách khách quan quá trình rút vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian qua như thế nào.

Trước khi SCIC được thành lập vào tháng 6/2005, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kể lại, khi Đảng và Chính phủ quyết định thành lập một tổ chức nhằm tách bạch chức năng quản lý và sở hữu vốn nhà nước, đã có rất nhiều mô hình được đem ra mổ xẻ, tham khảo như Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước (SASAC) của Trung Quốc, Tập đoàn Temasek của Singapore, Khazanah của Malaysia…

Cũng đã có nhiều đoàn tham quan nghiên cứu về các mô hình để đúc rút kinh nghiệm triển khai tại Việt Nam. Sau rất nhiều nghiên cứu, cuối cùng, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định thành lập SCIC với mục tiêu tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp; thực hiện các hoạt động sắp xếp, cổ phần hoá, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được chuyển giao; đầu tư vốn vào các tập đoàn, tổng công ty, hoặc công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước nắm giữ quyền chi phối và các dự án theo chỉ định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực đem lại hiệu quả kinh tế…

Mô hình SCIC được thành lập trên cơ sở tham khảo mô hình Temasek của Singapore, mô hình được coi là khá thành công và theo xu hướng quản lý vốn hiện đại trên thế giới.

Nhiều kỳ vọng về tổ chức này được đặt ra, song theo một số ý kiến chuyên gia, sau hơn 10 năm hoạt động, dù đã đạt được một số kết quả, khoảng cách giữa “Temasek Việt Nam” và Temasek Singapore vẫn còn xa vời.

Nhìn lại năm 1974 khi Temasek được thành lập, Chính phủ Singapore đã quyết định dứt khoát việc chuyển toàn bộ phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn vốn nhà nước, kể cả các tập đoàn lớn như Hãng hàng không Singapore (Singapore Airlines), Tập đoàn năng lượng Singapore (Sing Power), Tập đoàn viễn thông Singapore (Sing Tel)… Điều tương tự cũng xảy ra ở Malaysia khi Chính phủ Malaysia chuyển giao toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trừ Petronas) cho Khazanah (mô hình tương tự Temasek). Cùng với đó, Chính phủ Singapore và Malaysia thực thi những chính sách đầu tư và tạo cơ chế để Temasek và Khazanah có thể hoạt động đúng với mô hình một công ty/quỹ đầu tư theo các chuẩn mực quản trị tiên tiến và theo định hướng thị trường.

TS Nguyễn Sơn, Viện kinh tế và chính trị thế giới, Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN thì cho rằng: Việt Nam nên giảm dần DNNN, thay vì lập ủy ban. Theo tôi, việc đề xuất lập ủy ban cũng chỉ là bước đệm, nó có tác dụng tước bỏ đặc quyền chủ quản các tập đoàn, tổng công ty của các bộ ngành hiện nay. Tuy nhiên, dù là ủy ban hay bộ thì đó vẫn là cơ quan nhà nước, với cơ chế vận hành của Nhà nước. Lập ra thì dễ nhưng câu hỏi nó có chắc chắn hiệu quả hơn không, hiệu quả hơn bao nhiêu, liệu có khẳng định được chắc chắn không, hay cũng chỉ tốt lên một chút rồi sau này mới té ra vẫn có tham nhũng, vẫn không thực hiệu quả... thì khó.

Nhìn vào SCIC ở Việt Nam, giới chuyên gia nhận xét, tổng công ty này bị giới hạn bởi nhiều ràng buộc thể chế không dễ vượt qua và để mô hình này phát huy hiệu quả như mục tiêu ban đầu đặt ra, nhất thiết cần có cơ chế phù hợp và đảm bảo nguồn lực cho SCIC hoạt động. Chẳng hạn, chức năng đầu tư của SCIC, mặc dù đã đầu tư gần 24.000 tỷ đồng trong 10 năm, nhưng dấu ấn trong đầu tư của SCIC vẫn được nhiều người đánh giá là chưa tương xứng.

Quản lý doanh nghiệp không phải từ mệnh lệnh chính trị hay can thiệp hành chính

Cũng không thể không nhắc đến sự kém linh hoạt của cổ đông nhà nước trong các quyết định đầu tư, một trong những nguyên nhân được ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhìn nhận là do Luật Quản lý vốn nhà nước 2014 đặt ra nhiều yêu cầu chặt chẽ, với DNNN và trên thực tế đòi hỏi sự can thiệp sâu của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn vào doanh nghiệp.

Chẳng hạn, tất cả các vấn đề được thảo luận và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp, người đại diện vốn đều phải báo cáo và xin ý kiến chủ sở hữu và việc này thường không thể làm nhanh. Do vậy, việc chờ đợi ý kiến của cổ đông nhà nước có thể làm chậm việc ra quyết định và chớp cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

Hiện nay, chủ trương của Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, ngành nghề không cần nắm giữ rất quyết liệt. Điều này đồng nghĩa với việc các DNNN quy mô lớn như Tập đoàn, Tổng Công ty tới đây sẽ được cổ phần hóa. Theo ông Tiến, Nhà nước khi đó sẽ đóng vai trò là một cổ đông trong doanh nghiệp, chứ không phải cơ quan quản lý cấp trên như lâu nay. Mối quan hệ tương tác với các cổ đông khác sẽ phải tham khảo, dẫn chiếu dựa trên sự tuân thủ pháp luật và các thông lệ quản trị doanh nghiệp hiện đại.

[caption id="attachment_146433" align="aligncenter" width="410"]Để nền kinh tế phát triển cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch…cho tất cả các DN (ảnh minh họa) Để nền kinh tế phát triển cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch…cho tất cả các DN (ảnh minh họa)[/caption]

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TW nêu quan điểm: Cơ quan quản lý vốn nhà nước phải là một nhà đầu tư chủ động, trả lời được các câu hỏi mà hiện tại Chính phủ cũng không dễ đưa ra như: hiện đang có bao nhiêu tài sản công có tính thương mại, nằm ở đâu, dưới dạng nào, cái nào đang sinh lợi, cái nào kém hiệu quả, cái nào cần tiếp tục để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế hay vốn “mồi”, cái nào cần thoái để trả lại không gian cho đầu tư tư nhân?...Tuy nhiên, quan trọng nhất là sẽ không có một cơ quan vừa làm chức năng hoạch định chính sách, điều tiết, quản lý thị trường, lại vừa quyết định đầu tư, kinh doanh. Dù gọi với cái tên gì đi chăng nữa, thì cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp sẽ phải hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính và can thiệp chính trị mang tính vụ việc vào quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, làm sai lệch mục tiêu chiến lược và dài hạn của đầu tư nhà nước.

Theo TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên ngành tài chính tại ĐH Lincoln (Anh) cho rằng, điều quan trọng là sự tách biệt giữa yếu tố nhà nước - làm chính sách và giám sát, với yếu tố kinh doanh - tạo ra giá trị cho cổ đông. Nhà nước là cổ đông thì người đại diện cổ đông nhà nước cũng là cổ đông, nhưng khác cổ đông thông thường ở chỗ, họ là một người làm thuê. Thông lệ đơn giản nhất cho việc này là thuê người giỏi về lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp làm đại diện, đãi ngộ cho họ xứng đáng.

“Tại sao lại phải lập ra “siêu” ủy ban, “siêu” bộ máy nữa làm gì? Rất mệt! Trong khi ta đã có Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Như vậy, Bộ Tài chính sẽ quản lý về vốn, còn sản xuất kinh doanh thì giao cho doanh nghiệp. Bộ chỉ cần biết mỗi năm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp là bao nhiêu, trích lập bao nhiêu? Nên giao hẳn vấn đề này cho Bộ Tài chính và có sự giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội”. Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

Khi đó, Chính phủ chỉ cần giám sát kết quả kinh doanh của công ty đầu tư đó thông qua các chỉ tiêu định trước, trong đó có lợi nhuận nộp ngân sách.

Nhà nước được hiểu là người làm chính sách và giám sát chính sách, nên khi đóng vai trò cổ đông, cần phải tách biệt chức năng này. Tuy nhiên, để quản lý vốn nhà nước hiệu quả, cần thành lập một tổ chức kinh doanh đúng nghĩa. Tổ chức này phải tách biệt khỏi vấn đề tạo lập chính sách và giám sát đặc trưng của các cơ quan nhà nước. Temasek của Singapore có thể là một ví dụ điển hình cho điều này. Quan trọng nhất vẫn là con người. Họ phải là những người kinh doanh thực sự.

Còn TS. Nguyễn Minh Phong thì cho rằng, phải gắn hiệu quả kinh doanh của DNNN với lợi ích cá nhân của người đứng đầu. Thay vì bổ nhiệm các chức danh chủ chốt bằng những quyết định không có điều kiện ràng buộc, thiếu công khai minh bạch chuyển sang tuyển chọn công khai các ứng cử viên trong xã hội trên cơ sở những yêu cầu về tăng năng suất, lợi nhuận; cần sắp xếp lại các doanh nghiệp có nguy cơ vỡ nợ, khó khăn để xử lý; đẩy mạnh cổ phần hóa để đặt DNNN lớn vào môi trường cạnh tranh; áp dụng quản trị DN hiện đại, tốt nhất theo thông lệ quốc tế; đặt giám đốc điều hành vào môi trường cạnh tranh sẽ tránh được chuyện tranh cãi lương bổng...

Thực tế cho thấy, để bảo đảm hài hòa các mục tiêu và lợi ích của các bên có liên quan trong quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và tăng cường quản lý DNNN “hậu” tái cơ cấu, cần coi trọng đổi mới quy trình và phương pháp thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế và DNNN, đi từ yêu cầu và mục tiêu tổng thể chung của cả nước, đến các vùng lãnh thổ, rồi mới đến từng địa phương, cơ sở; đặc biệt, cần thận trọng và đồng bộ khi xây dựng và triển khai các đề án và các thể chế hỗ trợ các mô hình sản xuất hàng hóa lớn, có lợi thế so sánh và kỹ thuật cao, công nghệ quản lý hiện đại, cần gắn kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất và phân phối trong chuỗi giá trị chung, bảo đảm phân bổ hợp lý lợi ích giữa các công đoạn trong chuỗi giá trị đó, cũng như cân nhắc tới những giới hạn nội tại về công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn vốn và yêu cầu giải quyết việc làm và an sinh xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn vùng sâu, miền núi và hải đảo xa xôi.

Trong quản lý DNNN, sự phối hợp chính sách giữa các cơ quan chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước cần gắn kết chặt chẽ và dân chủ với giới doanh nghiệp và viện, trường và các tầng lớp dân chúng khác. Sử dụng chuyên gia trong nước và nước ngoài có trình độ và khách quan nhằm đánh giá, phản biện độc lập các tác động 2 mặt của dự án đầu tư lớn. Làm tốt việc này sẽ hạn chế bớt những hoạt động đầu tư DNNN gắn với lợi ích cục bộ, chủ quan và ngắn hạn của các quan chức chuyên nghiệp và chính trị trong đầu tư công.

V.A (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin