Quản bitcoin có chống được rửa tiền?

Bởi thể chế, luật lệ của Việt Nam chưa hoàn chỉnh, trình độ quản lý, giám sát còn non kém nên theo chuyên gia, Việt Nam chưa nên công nhận bitcoin.

Phát biểu tại buổi họp báo ngày 23/1, đại diện Bộ Tư pháp, đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý các loại tiền điện tử, đặc biệt là bitcoin, đã đưa ra cảnh báo rằng, giao dịch bitcoin hay tiền ảo rất ẩn danh nên nhiều tội phạm trốn thuế, buôn lậu ma túy sử dụng để rửa tiền.

Chia sẻ với cảnh báo này của Bộ Tư pháp, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, bitcoin là sản phẩm rất mới, đã có một số nước sử dụng công khai, công nhận về mặt pháp lý, một số nước khác thì chưa nhưng họ cho sử dụng và có nước thì cấm.

Chẳng hạn, ở Dubai đã cho phép dùng bitcoin để thanh toán bất động sản. Ở Mỹ, Nhật Bản đã cho phép thanh toán bằng bitcoin tại một số cửa hàng, quán cà phê, nhưng ở Trung Quốc lại cấm loại tiền ảo này.

Ở Việt Nam, do thể chế và trình độ quản lý chưa hoàn chỉnh và đầy đủ nên Ngân hàng Nhà nước đã phát đi quan điểm rất rõ là không chấp nhận bitcoin là phương tiện thanh toán vì đây không phải là tiền tệ.

 Bởi khó bị lần ra dấu vết, bitcoin có thể được sử dụng trong các hoạt động rửa tiền
Bởi khó bị lần ra dấu vết, bitcoin có thể được sử dụng trong các hoạt động rửa tiền)

Nhận định của Bộ Tư pháp về bitcoin, theo TS Kiêm, là hợp lý bởi bitcoin khó bị lần ra dấu vết nên nó có thể được sử dụng trong các hoạt động rửa tiền, trốn thuế hay các hoạt động tội lỗi khác. Tuy nhiên, nếu quản bitcoin chưa chắc đã chống được rửa tiền bởi đây chỉ là một trong các hình thức được giới tội phạm sử dụng. Để chống rửa tiền, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều giải pháp khác.

"Nếu như các nước tiên tiến hoàn toàn có thể chủ động được trong việc quản lý nên cho phép sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán nhưng ở Việt Nam hiện nay, luật lệ, thể chế chưa hoàn chỉnh, chưa có quy định nào cho bitcoin.

Thứ hai, trình độ thanh toán, quản lý của Việt Nam còn non kém, kể cả Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan kiểm soát, kiểm toán đều chưa có kinh nghiệm đối với hình thức này.

Thứ ba, ý thức chấp hành luật lệ, kể cả doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương, Trung ương chưa thực sự tốt.

Như vậy, ở mọi phương diện, từ luật lệ đến cán bộ điều hành, pháp pháp điều hành..., Việt Nam đều chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt, thị trường tiền tệ của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng như tín dụng đen, thanh toán không giấy tờ, trốn thuế... dưới nhiều hình thức không công khai, không kiểm soát được. Trong khi đó, giao dịch bitcoin rất ẩn giấu, nếu không cẩn thận, các đối tượng sẽ lợi dụng sự non kém đó của phía Việt Nam để gây rủi ro cho nền kinh tế nói chung và thiệt hại cho quyền lợi của người dân nói riêng.

Đây cũng chính là lý do khiến Việt Nam chần chừ về quyết định nên hay không nên công nhận, quản lý bitcoin", nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phân tích.

TS Cao Sỹ Kiêm cũng bày tỏ quan điểm rằng, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam không nên công nhận bitcoin, thậm chí nếu cần có thể phải cấm bởi những bất ổn về tài chính có thể xảy ra bất cứ lúc nào và rủi ro này thường có tính lan tỏa, sự cẩn trọng không bao giờ là thừa.

"Nếu 'mở cửa' cho bitcoin bây giờ thì rủi ro nhiều hơn là được. Giá của bitcoin thay đổi rất nhanh, từ đầu năm ngoái đến nay đã tăng chóng mặt, có lúc lại lao dốc đột ngột khiến nguy cơ mất vốn, bị đánh lừa diễn ra như chơi.

Hiện Chính phủ mới giao cho các ngành chức năng nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý quản lý tiền ảo, còn bây giờ chúng ta chưa có gì. Đã nghiên cứu phải có tổng kết, đánh giá, trải nghiệm.... Bao giờ có chính sách đầy đủ, cơ chế quản lý chặt chẽ, hoàn chỉnh, đội ngũ cán bộ được đào tạo, chặn được lỗ hổng rồi thì lúc đó mới công nhận được.

Hơn nữa, không phải tự nhiên có quy định là xong, nếu quy định không phù hợp với thực tế, xa rời nhận thức cũng hỏng", ông Kiêm nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, kinh nghiệm quốc tế về quản lý bitcoin chưa có nhiều để học hỏi khi chỉ một số nước có sàn giao dịch thừa nhận chính thức. Chưa kể, các nước có luật quy định chi tiết, ý thức chấp hành luật pháp rất nghiêm, từ cơ quan quản lý đến cơ quan giám sát, thực hiện. Trong khi đó, câu chuyện này ở Việt Nam lại đang rất "nhộn nhạo".

"Có những thứ quy định rất rõ ràng nhưng cuối cùng thực hiện lại bị xiên xẹo đi nhiều.

Nhỏ nhất như câu chuyện cái vỉa hè, cứ làm đi làm lại bao nhiêu năm, mà đó là rất đơn giản, gắn với quyền lợi của mỗi người dân, không cần lý luận cao siêu gì mà đến giờ Việt Nam vẫn chưa làm được.

Giờ đòi công nhận bitcoin, trong khi nó ẩn hiện như vậy, thị trường nhanh nhạy như vậy, mọi thứ của chúng ta còn rất hạn chế thì nó sẽ tìm mọi cách để lợi dụng, rất nguy hiểm", nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa lưu ý.

Theo Bao Datviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin