Tiền ảo, tài sản ảo có thể là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng cho hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố
Nguy cơ rửa tiền trong các lĩnh vực công nghệ cao rất lớn
Nghiên cứu từ thực tiễn cho thấy, nếu như trước đây, để hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có, các đối tượng thường sử dụng các phương thức, thủ đoạn truyền thống như: thông qua việc mua các bất động sản, cổ phiếu, hoặc chuyển tiền cho người thân gửi tiết kiệm ngân hàng… Thì nay, các đối tượng không đơn thuần sử dụng các thủ đoạn truyền thống để rửa tiền mà còn lợi dụng triệt để tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để chế biến tiền bẩn thành tiền sạch, rửa tiền thông qua công nghệ cao, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau khiến cho việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể như:
1. Thông qua trung gian thanh toán và ví điện tử: Theo đó, trong giao dịch thông qua các trung gian thanh toán trực tuyến, ví điện tử, khách hàng chỉ cần kết nối với máy chủ của các đơn vị cung cấp dịch vụ bằng mã số ID cá nhân của mình rồi nhập mật khẩu hệ thống sẽ tự động xác minh nhân thân người đó thông qua tài khoản đã đăng ký. Với hệ thống này, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch thanh toán chuyển tiền ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào.
Tuy nhiên, đây lại là phương thức mà các đối tượng phạm tội dễ dàng sử dụng để thực hiện các giao dịch để rửa tiền. Bởi khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền thông qua trung gian thanh toán, ví điện tử, các đối tượng có thể thực hiện hành động này ở bất cứ đâu trên thế giới và bất cứ thời điểm nào. Ngoài ra, nhà cung cấp dịch vụ cũng không thể xác minh danh tính thực sự của cá nhân truy cập vào tài khoản… nên các đối tượng ít có khả năng bị theo dõi hơn.
Minh chứng cho điều này là liên tiếp các đường dây đánh bạc online, cá độ bóng đá, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… bị triệt phá gần đây đều sử dụng trung gian thanh toán, ví điện tử.
Liên tiếp các đường dây đánh bạc online, cá độ bóng đá, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… bị triệt phá gần đây đều sử dụng trung gian thanh toán, ví điện tử.
2. Thông qua kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tài sản ảo: Hiện nay, nhiều đồng tiền ảo hiện được giao dịch rộng rãi trên các sàn giao dịch tiền ảo như một loại “chứng khoán”, với việc gia tăng giá trị nhanh chóng trong thời gian qua, các đồng tiền ảo đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu nhà đầu tư trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu nên tiền ảo là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng để rửa tiền khi chúng có thể dễ dàng chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động mua bán, trao đổi đồng tiền ảo ở các quốc gia khác nhau.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2019 đến cuối năm 2021, NHNN đã xử lý 427 báo cáo giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu đánh bạc và tổ chức đánh bạc với nhiều cá nhân có liên quan. Cũng trong giai đoạn này, Cục Phòng, chống rửa tiền đã tiếp nhận hàng trăm giao dịch đáng ngờ liên quan hoạt động chuyển tiền quốc tế ra/vào Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý theo ông Phạm Tiên Phong - Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền cho hay, trong nhiều vụ lừa đảo, các đối tượng đã chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để mua, bán tiền ảo trên các sàn giao dịch tiền ảo rồi rút tiền ở nước ngoài. “Tiền ảo có thể là một kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng cho hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố do có thể chuyển đổi các khoản tiền thu được thông qua những hoạt động bất hợp pháp thành tiền sạch” - ông Phạm Tiên Phong đánh giá.
3. Thông qua giao dịch thương mại điện tử: Những tiến bộ công nghệ trong thương mại điện tử giúp dễ dàng xây dựng các doanh nghiệp trực tuyến và ẩn sau các trang web, sàn thương mại điện tử hợp pháp. Những kẻ rửa tiền có thể sử dụng các trang web thương mại điện tử và sử mạng thanh toán của các nhà cung cấp dịch vụ để hoạt động rửa tiền thông qua các giao mua bán ảo. Ví dụ điển hình như trường hợp một nhân viên ISIS ở Mỹ đã giả vờ bán máy in trên eBay để thực hiện hành vi rửa tiền. Người này đã nhận được các khoản thanh toán cho các giao dịch "giả mạo" này từ tài khoản ở nước ngoài thông qua PayPal.
Hay như tại Trung quốc, cảnh sát thành phố Vô Tích, phía tây bắc Thượng Hải đã triệt phá đường dây rửa tiền, đánh bạc xuyên biên giới. Các nghi phạm đã sử dụng dịch vụ giao hộp hàng rỗng để tạo hồ sơ mua sắm trực tuyến, với mục tiêu che giấu các giao dịch bất hợp pháp với 600 triệu giao dịch giả, ít nhất gần 1,5 tỷ USD được chuyển bất hợp pháp…
Nhiều khoảng trống trong quy định pháp luật
Nghiên cứu từ thực tiễn công tác phòng, chống rửa tiền những năm qua tại Việt Nam có thể thấy, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống rửa tiền đã dần được hoàn thiện. Nhiều văn bản pháp luật, quy định về phòng, chống rửa tiền được ban hành tương đối đầy đủ.
Cụ thể, Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, có hiệu lực thi hành từ năm 2013, Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 87/2019/NĐ-CP) và Thông tư số 35/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số quy định về Phòng, chống rửa tiền (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 31/2014/TT-NHNN và Thông tư số 20/2019/TT-NHNN)… Đây được xem là những văn bản pháp lý toàn diện quy định về PCRT theo định hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Pháp luật Phòng, chống rửa tiền còn nhiều “khoảng trống” đặc biệt liên quan đến giao dịch điện tử, tiền ảo, tài sản ảo…
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, sự phát triển của khoa học, công nghệ cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những quy định này đã và đang dần bộc lộ không ít khoảng trống gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là hoạt động phòng, chống rửa tiền bằng công nghệ cao. cụ thể như:
1. Hiện nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch tiền ảo, tài sản ảo. Theo đó các hoạt động trao đổi, mua bán tiền ảo trên các các sàn giao dịch tiền ảo hiện vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng nào.
Thực tế, trước những hệ lụy tiềm ẩn của tiền ảo, tài sản ảo, lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố quốc tế (FATF) cũng nhiều lần chỉ ra các rủi ro tiềm tàng về rửa tiền, tài trợ khủng bố của tiền ảo và khuyến nghị, yêu cầu các quốc gia phải đảm bảo các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tài sản chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, được đăng ký, cấp phép và chịu sự quản lý giám sát.
2. Luật Phòng, chống rửa tiền đang tồn tại một khoảng trống khá lớn đối với việc quản lý giám sát hoạt động của các trung gian thanh toán, ví điện tử… Bởi, tính đến nay, tại Việt Nam có hơn 30 tổ chức không phải ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, ví điện tử… Tuy nhiên, theo quy định Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chưa được quy định là đối tượng phải báo cáo theo Luật Phòng, chống rửa tiền.
Trong khi đó, theo khuyến nghị của FATF, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (đặc biệt là cung ứng dịch vụ ví điện tử) cần phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
3. Một khoảng trống khác mà chúng tôi muốn nói đến đó chính là, các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), các hành vi được quy định là rửa tiền bao gồm: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có; Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó…
Tuy nhiên không có điều khoản nào quy định về hành vi rửa tiền sử dụng công nghệ cao mà thực tế, việc sử dụng công nghệ cao để rửa tiền chỉ được coi là tình tiết tăng nặng. Khoản 4 Điều 5 Nghị quyết số 03 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ngày 24/5/2019 giải thích điểm đ, Khoản 2 Điều 324: “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm”.
Kiến nghị
Có thể nói, dù thời gian qua Việt Nam đã tích cực triển khai công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố và đạt được những kết quả tích cực, ban hành tương đối đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, cùng với cuộc cách mạng 4.0 đang bùng nổ, những quy định này đã và đang dần bộc lộ không ít khoảng trống gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là rửa tiền bằng công nghệ cao.
Do đó, để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền Luật Phòng, chống rửa tiền cần sửa đổi, bổ sung theo hướng bao quát tất cả lĩnh vực có thể diễn ra hoạt động rửa tiền gồm: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng và casino, bất động sản, thương mại điện tử, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo…
Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền cần đưa hoạt động "cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo" vào Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.
Tương tự, Bộ Luật Hình sự cần ghi nhận rõ hành vi rửa tiền thông qua công nghệ, sử dụng tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh. Bởi, nếu chỉ dừng lại ở tình tiết tăng nặng thì pháp luật chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe hành vi phạm tội.