Phòng, chống dịch COVID-19 và một phong trào thi đua hiếm thấy

15/08/2021 09:33

“Bảo vệ vùng xanh, thắng nhanh COVID-19” không chỉ là chiến thuật trong phòng chống dịch mà hiện nay, tại nhiều địa phương, đây trở thành một phong trào thi đua để sớm đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.

15-1628994653.jpeg
Nhiều địa bàn tại TPHCM thi đua bảo vệ các “vùng xanh”. Ảnh: Nhân dân tự nguyện tham gia trực chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh” ở quận 3, TPHCM

Gốc của các phong trào thi đua là yêu nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất”. Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Thi đua ái quốc đã giúp đất nước ta vượt qua những thời khắc khó khăn nhất, trước sự đe đọa của giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Hiện nay, chúng ta đang trong cuộc chiến lần thứ 4 chống lại “giặc COVID-19” với biến chủng mới vô cùng ác hiểm, tốc độ lây lan vượt bậc. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định trong thư gửi lực lượng tuyến đầu chống dịch ngày 01/8, hơn 500 ngày qua, dịch COVID-19 với những diễn biến ngày càng phức tạp, chúng ta phải chiến đấu với loại virus được ví như “kẻ thù nguy hiểm giấu mặt, liên tục biến hóa, tàng hình” và tạm thời chưa có thuốc chữa.

Tuy nhiên, hơn 500 ngày qua, dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, gây ra nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng không làm giảm tinh thần chống dịch của chúng ta. Thủ tướng chia sẻ, ông cảm nhận được tinh thần của những phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”… của những năm xưa như càng lan tỏa mạnh mẽ hơn trong lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Và gần đây, có phong trào thi đua hết sức thiết thực tại các tổ, thôn, xóm, khu dân cư, đó là “Bảo vệ vùng xanh, thắng nhanh COVID-19”, được nhiều tỉnh, thành phố phát động như TP. Cần Thơ, tỉnh Bình Dương, Hậu Giang…

“Vùng xanh” được ví như “chiến khu” an toàn trước dịch bệnh mà ở đó, tinh thần “tương thân, tương ái”, lòng yêu nước, tinh thần cộng đồng, đoàn kết tỏa sáng. Ở đó, người dân chính là chủ thể, là chiến sĩ. Ở đó, các lực lượng nòng cốt gồm cán bộ, công nhân viên hưu trí, cựu chiến binh, thanh niên tình nguyện, các đoàn thể cư trú ở tổ, khu, ấp, thôn, xóm… quyết giữ vững thôn xóm, khu dân cư an toàn, không có người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Không những thế, cần phải mở rộng thêm vùng xanh, lấn ra rộng hơn, chắc chắn hơn và càng mở rộng thêm vùng xanh càng tốt.

Tinh thần “chống dịch như chống giặc” được đẩy lên một tầng nấc mới. Ở các “vùng đỏ” thì ai ở yên đó, người cách người, nhà cách nhà. Ở “vùng xanh” thì người dân giám sát người dân, tổ dân phố này thi đua với tổ dân phố kia trong giữ vững thành trì chống dịch.

Trước đây, trong công tác phòng, chống dịch, dường như các địa phương chỉ tập trung dập dịch ở các điểm nóng "vùng đỏ", "vùng cam" mà chưa chú ý nhiều đến việc hình thành, nhân rộng "vùng xanh". Nhưng thời gian qua, tại nhiều địa phương, nhất là TPHCM và các địa phương khu vực phía Nam đã chú ý hơn đến việc giữ vững các “vùng xanh”; đã rất sáng tạo, phát động nhân dân tự đứng lên đăng ký, tổ chức để giữ cho ấp, cụm, tổ dân phố, xã hình thành vùng xanh.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cùng chung tay với chính quyền, nhiều người dân sống trong các “vùng xanh” cũng đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, gửi tặng nước sát khuẩn, mì tôm, rau xanh cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ nước uống và vật dụng cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát “vùng xanh”...

Có thể nói, phong trào bảo vệ và mở rộng “vùng xanh” đã và đang lan tỏa đến các phường, xã, những khu phố và khu dân cư tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, như Thủ tướng đã quán triệt, “đã hy sinh để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình”.

Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ (về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV) cũng nêu các mục tiêu, biện pháp rất cụ thể: Kể từ ngày bắt đầu giãn cách, trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các “vùng xanh”; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.

Thời gian tới, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường. Chúng ta xác định đây sẽ là cuộc chiến còn trường kỳ, nhiều gian nan. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, chúng ta có niềm tin sự kiên trì, bền bỉ với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn với nhiều giải pháp đồng bộ, tổng thể, toàn diện, cùng sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch COVID-19, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19.

Và các “chiến khu xanh” sẽ đóng góp rất lớn vào chiến thắng này. Phong trào thi đua bảo vệ “vùng xanh” là phong trào hiếm thấy trong phòng chống dịch bệnh, có hiệu quả lớn.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn bài viết: https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Phong-chong-dich-COVID19-va-mot-phong-trao-thi-dua-hiem-thay/442466.vgp

Bạn đang đọc bài viết "Phòng, chống dịch COVID-19 và một phong trào thi đua hiếm thấy" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin