(Pháp lý) - LTS. Quyền lập Hội liên tục được ghi nhận từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013. Đó là một trong những quyền cơ bản của công dân, của con người. Đảng và Nhà nước thời gian qua đã tạo điều kiện cho rất nhiều tổ chức Hội ra đời và hoạt động.
Nhìn chung, các Hội với mức độ khác nhau, đều có những đóng góp nhất định cho sự phát triển xã hội như thúc đẩy tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội, tham gia góp ý xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với cơ chế, chính sách, pháp luật, xây dựng môi trường dân chủ; thực hiện các cam kết, phối hợp với Nhà nước trong tổ chức cung ứng các dịch vụ công... Bên cạnh đó các Hội cũng còn không ít vấn đề hạn chế cần được khắc phục. Trợ giúp pháp lý là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giúp cho người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế khác được tiếp cận công lý, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Nhu cầu trợ giúp pháp lý trong dân ngày càng nhiều. Tuy nhiên, công tác trợ giúp pháp lý thời gian qua còn bất cập.
Nhu cầu có Luật về Hội, nhu cầu hoàn thiện Luật Trợ giúp pháp lý là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; đổi mới, hội nhập kinh tế thế giới và Việt Nam gia nhập nhiều Công ước quốc tế về quyền con người như hiện nay.
Nhân dịp Quốc hội khóa XIV chuẩn bị cho ý kiến, xem xét, thông qua Dự thảo Luật về Hội, Luật Trợ giúp pháp lý tại kỳ họp sắp tới, Tạp chí Pháp Lý kỳ này xin trân trọng đăng tải các ý kiến tâm huyết của các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia pháp luật, các Luật gia, Luật sư cũng như những minh chứng sống động từ thực tế góp ý Dự án Luật về Hội và Luật Trợ giúp pháp lý nhằm bảo đảm sự quản lý hiệu quả của Nhà nước đối với các tổ chức Hội và bảo đảm quản lý chặt chẽ công tác trợ giúp pháp lý, đồng thời tạo điều kiện để các Hội hoạt động và phát triển theo tinh thần Hiến pháp 2013, tạo điều kiện hỗ trợ trợ giúp pháp lý để tất cả mọi người dân được tiếp cận công lý, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
TCPL