Ngoài việc để xảy ra chuyện 21 cảng hàng không trên cả nước thu phí ô tô vào đường dẫn nhà ga không đúng quy định pháp luật với số tiền trên 550 tỷ đồng, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) còn có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, nghĩa vụ tài chính, cổ phần hoá…
Như Dân trí đã thông tin, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, đã nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu tại tổng công ty này. ACV sẽ thực hiện nghiêm túc các nội dung theo kết luận thanh tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 12 tới.
Quản lý “đất vàng” lỏng lẻo
Kết luận thanh tra cho biết, đến thời điểm năm 2016, ACV và 22 chi nhánh cảng hàng không, sân bay trên cả nước đang quản lý và sử dụng hơn 3.100 ha đất. Trong đó, trong khu vực cảng và sân bay là gần 3.100 ha (gồm đất giao không thu tiền sử dụng 2.888 ha; đất thuê trả tiền hằng năm hơn 197 ha) và đất ngoài khu vực cảng và sân bay là 14,64 ha. Trong đó, nhiều khu “đất vàng” nhưng việc quản lý, sử dụng đất và tài sản trên đất không đúng quy định.
Thanh tra Chính phủ phát hiện tại lô đất có diện tích gần 6.100m2 tại số 1A Hồng Hà (phường 2, quận Tân Bình, TPHCM) và 10 Trung tâm giao dịch hàng không (23.126m2) thuộc trường hợp nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm nhưng được ACV và các chi nhánh Cảng hàng không cho thuê tài sản trên đất, cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào các mục đích như: showroom ô tô, chi nhánh giao dịch ngân hàng, trung tâm dạy ngoại ngữ, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng bán quần áo,…
“Những việc làm trên là sử dụng đất không đúng mục đích khi nhà nước cho thuê, vi phạm Điều 175 Luật Đất đai năm 2013”- kết luận chỉ rõ.
Tại lô đất số 1A Hồng Hà, Sở Xây dựng TPHCM cấp phép xây dựng cho Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam xây dựng công trình văn phòng kết hợp nhà trưng bày ô tô trên diện tích gần 6.100m2 trước khi UBND TPHCM có quyết định cho thuê đất. Đáng chú ý, TPHCM chỉ cho ACV thuê đất để sử dụng làm “văn phòng làm việc”, không được sử dụng vào mục đích khác. “Như vậy Sở Xây dựng TPHCM vi phạm quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, dẫn đến ACV sử dụng đất không đúng mục đích được nhà nước cho thuê”- kết luận nêu rõ.
Cục Thuế TPHCM cũng chưa điều chỉnh lại đơn giá thuê đất sau kỳ ổn định 5 năm đối với lô đất số 1A Hồng Hà, vi phạm Nghị định 46/2014 của Chính phủ, dẫn đến việc ACV chưa nộp đúng, nộp đủ tiền thuê đất vào ngân sách.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM chưa ký hợp đồng cho ACV thuê trên 4.500m2 đất tại số 58 Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình). Giám đốc Sở Tài chính chưa xác định đơn giá thuê đất, dẫn đến ACV chưa nộp đúng, nộp đủ tiền thuê đất vào ngân sách.
Qua thanh tra còn phát hiện Cảng vụ hàng không chưa xác định chi tiết toàn bộ diện tích đất công không có mục đích kinh doanh và diện tích đất có mục đích kinh doanh tại các cảng hàng không, sân bay; chưa chủ động phối hợp với địa phương xác định ranh giới, mốc giới,…để được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên 7.225 ha tại 11 cảng hàng không, sân bay. Chưa có quyết định giao lại trên 2.888ha đất đối với đất được nhà nước giao không thu tiền sử dụng, chưa ký hợp đồng thuê trên 197ha đất đối với đất được nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm; chưa thu tiền thuê đất đối với ACV tại các cảng hàng không, sân bay vi phạm quy định.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, ACV chưa làm thủ tục thuê đất với nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước, chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa ban hành đơn giá thuê đất, đôn đốc thu tiền thuê đất. Điều này dẫn đến, ACV chưa nộp tiền thuê đất trên 344 tỷ đồng (tính từ ngày 1/7/2007 đến 31/12/2015). Cụ thể, đất tại cảng hàng không, sân bay gần 313 tỷ đồng; đất ngoài cảng hàng không, sân bay trên 31 tỷ đồng, trong đó có trên 17,9 tỷ đồng là số tiền Cảng hàng không quốc tế Nội Bài phải nộp bổ sung do kê khai sai 64.224m2.
Nhiều sai phạm về tài chính
Kết luận thanh tra cho thấy, từ năm 2007 đến hết năm 2014, ACV đã trích trước tiền thuê đất vào chi phí sản xuất kinh doanh trên 767 tỷ đồng nhưng chưa nộp ngân sách nhà nước trên 326 tỷ đồng và không hoà nhập vào kết quả kinh doanh chênh lệch giữa số tiền đã trích với số tiền thuê đất thực tế phải nộp làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận sau thuế, dẫn đến giảm số tiền nộp ngân sách trên 309 tỷ đồng và giảm trích lập Quỹ đầu tư phát triển để lại ACV số tiền 132 tỷ đồng.
Đến thời điểm thanh tra, ACV chưa hoàn thành việc quyết toán với cơ quan thuế, đồng thời chưa làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính các địa phương để xác định việc nộp tiền thuê đất tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 30/6/2014 và từ thời điểm 1/7/2014 đến 31/3/2016 để xử lý dứt điểm tiền thuê đất trước khi ACV chuyển sang công ty cổ phần vào ngày 1/4/2016. Việc này chưa thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về xử lý tài chính khi cổ phần hoá Công ty mẹ ACV, dẫn đến chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hoá.
Theo báo cáo, ACV có 22 cảng hàng không là các chi nhánh hạch toán phụ thuộc, trong đó có 16-18 chi nhánh thu không đủ bù chi từ năm 2012 đến năm 2015, số tiền ACV đang phải bù đắp chi phí cho các chi nhánh lên tới trên 5.564 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do sản lượng hành khách ít, hạ tầng cảng hàng không, sân bay chưa được đầu tư nâng cấp, giá hạ, cất cánh quốc nội thấp,… Vì vậy, ACV phải thực hiện điều tiết doanh thu toàn tổng công ty để đảm bảo tiền lương và chi phí cho các cảng hàng không có thu không đủ bù chi.
Kết luận chỉ rõ, công tác quyết toán cổ phần hoá tại ACV chậm, chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hoá nên nhiều tồn tại về tài chính chưa được xử lý kịp thời. Việc đàm phán với cổ đông chiến lược đến thời điểm thanh tra chưa thành công, vì vậy mục tiêu nhà nước thoái vốn chưa đạt được.
Theo kết luận thanh tra, việc thống nhất bàn giao 7,63ha đất quốc phòng để thực hiện Dự án đầu tư mở rộng sân đỗ máy bay và đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhưng không có sự tham gia của UBND TPHCM là vi phạm quy định của Luật Đất đai về thẩm quyền thu hồi và giao đất.
Việc thống nhất phê duyệt giá trị đền bù, hỗ trợ di dời giải phóng mặt bằng với tổng giá trị trên 100 tỷ đồng, trong đó trên 61,6 tỷ đồng là tiền đền bù giải phóng mặt bằng theo giá trị xây mới 100% nhà, công trình trên đất theo suất đầu năm 2014 là vi phạm Nghị định 47/2014 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Việc này dẫn tới làm tăng sai chi phí của dự án, mất vốn đầu tư của Nhà nước số tiền 61,6 tỷ đồng (các tài sản thuộc dự án mở rộng sân đỗ được phép loại ra, không đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá ACV, nên thuộc tài sản của nhà nước). Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ làm tăng chi phí khấu hao, tăng giá thành cho thuê tài sản, tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp khi thuê sân đỗ tàu bay.
Tại gói thầu số 10A và gói thầu số 10B thuộc dự án xây dựng nhà ga hành khách T2- Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản), Tổng công ty cảng hàng không miền Bắc (chủ đầu tư) đã thực hiện đấu thầu rộng rãi, xử lý tình huống trong đấu thầu do chỉ có một nhà thầu tham dự, khi giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu đã phê duyệt, giá gói thầu bằng giá bỏ thầu của nhà thầu làm cơ sở xét thầu mà không thực hiện đấu thầu lại hoặc làm rõ với nhà thầu về nguyên nhân chênh lệch giá cao hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải chưa tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định cụ thể việc xử lý tình huống đấu thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia thì cho phép mở thầu ngay hay đấu thấu lại và hướng dẫn phương pháp lập dự toán đối với dự án sử dụng vốn ODA cho phù hợp với hiệp định vay vốn.
Điều này dẫn tới gói thầu 10A, 10B thực hiện đấu thầu nhưng không có tính cạnh tranh về kỹ thuật, năng lực và giá gói thầu. Tổng giá trị trúng thầu của nhà thầu cao hơn giá dự toán 2 gói thầu là trên 1.450 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và ACV.
Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan xử lý các tồn tại, vi phạm đã được chỉ ra sau thanh tra. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện xử lý các tồn tại về tài chính, tài sản để quyết toán việc cổ phần hoá của ACV; sớm xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng và phê duyệt phương án cho thuê các tài sản khu bay đã được loại khỏi giá trị của doanh nghiệp của ACV khi cổ phần hoá.
Bộ Giao thông vận tải và ACV chỉ đạo, thực hiện xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với các cá nhân, đơn vị có liên quan đến thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, đầu tư xây dựng theo kết luận thanh tra.
Theo Dantri