Trên thực tế người thân thích của người bị oan cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần.
Chiều 4-4, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Nhiều ĐB cho rằng trong các trường hợp oan, không chỉ nạn nhân gánh chịu hậu quả mà gia đình họ cũng bị thiệt thòi, vì thế cần có cơ chế bồi thường cho cả người nhà nạn nhân.
Chết thì mới bồi thường?
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay hiện còn tồn tại các quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Có ý kiến đề nghị chỉ giới hạn bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết. Có ý kiến thì đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
“Hiện chỉ quy định bồi thường cho người thân của người bị oan trong trường hợp người bị oan chết. Trong khi thực tế, người thân thích có bị tổn thất về tinh thần, tổn hại sức khỏe do người thân của mình bị oan. Nếu quy định người bị oan chết thì thân nhân của họ mới được bồi thường thì không thỏa đáng” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm.
Đã bị oan thì đương nhiên tổn thất
Ông Định cũng cho hay thực tế một số vụ bồi thường thời gian qua đã có bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
“Gần đây đều có bồi thường cho người thân thích của người bị tù oan. Cho nên luật cần xem xét bổ sung việc bồi thường về mặt tinh thần cho người thân của người bị oan, còn mức bồi thường có thể là một khoản chung bằng 1/2 hay 1/3 khoản giải quyết cho người bị oan” - ông Tùng đề xuất.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, trên thực tế người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà không phụ thuộc vào việc người bị thiệt hại còn sống hay đã chết. Bởi vì quan hệ bồi thường ở đây không thuần túy là quan hệ dân sự thông thường mà là quan hệ giữa một bên là cơ quan nhà nước với một bên là cá nhân, tổ chức, xuất phát từ hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện công vụ.
“Chính bởi tính chất của mối quan hệ đó mà hành vi vi phạm pháp luật này có ảnh hưởng trực tiếp không chỉ tới người bị thiệt hại mà cả đối với người thân thích của họ. Vì vậy, quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng phải tính tới xuất phát điểm của mối quan hệ đặc thù này” - ông Định lưu ý.
Quốc hội bàn chuyện doanh nghiệp tặng xe sang
Sáng cùng ngày, thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), nhiều ĐB cho rằng thời gian qua nhiều doanh nghiệp tặng xe sang cho cơ quan nhà nước gây dư luận xấu, cần phải có quy định để siết lại vấn đề này. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải, cần bổ sung theo hướng nghiêm cấm tiếp nhận đối với tài sản là ô tô và phương tiện làm việc cho cá nhân dưới hình thức cho/biếu/tặng. Chỉ cho phép tiếp nhận các loại tài sản trên để phục vụ cho hoạt động từ thiện, nhân đạo và chuyên dùng… ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng ranh giới sử dụng tài sản này cho mục đích công và nhu cầu cá nhân rất khó xác định, thậm chí rất dễ nảy sinh những vấn đề tiêu cực. Do đó ông đề nghị dự luật cần quy định rõ mục đích của việc sử dụng các tài sản cho/biếu/ tặng. Thứ nhất, phải đảm bảo sử dụng vào mục đích công. Thứ hai, có thể đưa các tài sản này vào hệ thống đấu giá để thực hiện công tác xã hội, từ thiện... Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói: “Cần có quy định rõ hơn đối với tài sản được cho/biếu/tặng. Quan trọng nhất là sử dụng loại tài sản này đúng tiêu chuẩn định mức. Ví dụ tặng ô tô 3 tỉ đồng nhưng anh chỉ được sử dụng 1 tỉ đồng thôi thì anh không được dùng. Như thế thì không ai nói cả”. |
Theo Plo