Tuy đã phủ nhận mọi cáo buộc (trên trang Twitter) ngay sau khi Interpol phát “lệnh đỏ”, nhưng cựu Tổng thống Panama Ricardo Martinelli sẽ không được sống thoải mái như trước, bởi theo quy ước của Interpol, “lệnh đỏ” là xác định vị trí và tạm thời bắt giữ một cá nhân đang chờ dẫn độ.
Tòa án tối cao Panama đã phát lệnh bắt ông Ricardo Martinelli, người đang đối mặt với cáo buộc "gián điệp chính trị" trong thời gian tại nhiệm (2009-2014) từ tháng 12-2015 sau khi cựu Tổng thống vắng mặt trong một phiên tòa xét xử.
Giới chức Panama đã gửi yêu cầu dẫn độ ông Ricardo Martinelli tới Bộ Ngoại giao Mỹ, sau khi biết tin cựu Tổng thống đang sống ở thành phố Miami, bang Florida của Mỹ.
Trước đó, Tòa án Tối cao Panama đã khởi động tiến trình dẫn độ cựu Tổng thống Ricardo Martinelli về nước.
Bộ Ngoại giao Panama cũng cho biết, Tòa án Tối cao đã gửi tài liệu đề nghị dẫn độ ông Ricardo Martinelli và họ phải rà soát những văn bản này có phù hợp với luật định hay không trước khi gửi cho nhà chức trách Mỹ.
Theo giới truyền thông, ngày 22-12-2015, Tòa án Tối cao đã ra lệnh bắt cựu Tổng thống Ricardo Martinelli với cáo buộc sử dụng công quỹ để theo dõi trái phép hơn 150 người.
Trước đó (14-11-2015), Thẩm phán Harry Diaz thuộc Tòa án Tối cao Panama đã yêu cầu ông Ricardo Martinelli phải trình diện vào ngày 11-12-2015 để điều trần xung quanh cáo buộc nghe lén điện thoại bất hợp pháp trong thời gian tại nhiệm.
Thẩm phán Harry Diaz cũng tố cáo ông Ricardo Martinelli từng chỉ đạo Hội đồng An ninh Quốc gia thành lập một bộ máy quyền lực có tổ chức bên cạnh Nhà nước pháp quyền để nghe lén một số nhà hoạt động, chính trị gia, lãnh đạo công đoàn, luật sư, bác sỹ…
Thẩm phán Harry Diaz còn đề xuất mức án 21 năm tù giam dành cho cựu Tổng thống, đồng thời thông báo với Interpol về việc ông Ricardo Martinelli đã ra nước ngoài, để phối hợp bắt giữ.
Ngoài việc bị cáo buộc từng sử dụng cơ quan tình báo để nghe lén điện thoại, ông Ricardo Martinelli còn phải đối mặt với các tội danh xâm phạm bí mật, quyền riêng tư, lạm quyền, nhận hối lộ, tội phạm tài chính, ân xá trái phép và tham nhũng trong thời gian cầm quyền.
Tòa án Tối cao cũng đã phê chuẩn việc điều tra thêm 2 tội danh có liên quan tới ông Ricardo Martinelli, nâng số cáo trạng đối với cựu Tổng thống lên con số 5. Bởi theo Ủy ban điều phối chứng khoán Panama, ông Ricardo Martinelli có các hoạt động mua bán tay trong với Công ty khai khoáng Petaquilla của Canada, và nhận hối lộ từ một công ty khác.
Gần 2 tháng trước (4-4), chính quyền Panama đã thu giữ một chiếc máy bay thuộc sở hữu của ông Ricardo Martinelli, sau khi gia đình cựu Tổng thống bị nghi ngờ nhận hối lộ từ Tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil. Theo các công tố viên, chính quyền Panama quyết định "tạm giữ" chiếc máy bay Airbus mang số hiệu N16261 sau khi nó bị chính quyền Mexico tịch thu.
Mặc dù tuyên bố không đề cập ông Ricardo Martinelli là chủ sở hữu chiếc máy bay, nhưng cựu Tổng thống và các luật sư đã khẳng định quyền sở hữu của ông đối với tài sản này. Và trên Twitter, ông Ricardo Martinelli tuyên bố, đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý cho vụ "đánh cắp máy bay".
Theo ông Alejandro Perez, luật sư của cựu Tổng thống cho biết, gia đình ông Ricardo Martinelli đã mua chiếc máy bay này ở nước ngoài, và đã chuyển quyền sở hữu cho một quỹ ủy thác của Bắc Mỹ. Và chiếc máy bay được mua bằng tiền không liên quan đến Tập đoàn xây dựng Odebrecht.
Theo giới truyền thông, cơ quan chức năng Panama đang cáo buộc các con trai của ông Ricardo Martinelli và 15 người khác về hành vi nhận 20 triệu USD tiền hối lộ từ Odebrecht sau khi giúp đỡ Tập đoàn xây dựng này nhận được các hợp đồng béo bở của chính phủ. Theo thống kê, Odebrecht là nhà thầu tư nhân lớn nhất ở Panama…/.
Ông Ricardo Martinelli và gia đình luôn bác bỏ mọi cáo buộc đối với họ, đồng thời coi đây là “sự bức hại chính trị” do Tổng thống Juan Carlos Varela tiến hành. Cựu Tổng thống Ricardo Martinelli từ chối ra tòa với lý do chính quyền Panama không đưa ra cam kết bảo đảm an toàn cho bản thân.
Ông Ricardo Martinelli là cựu Tổng thống thứ hai Panama phải đối mặt với pháp luật bởi 40 năm trước, cựu Tổng thống Marco Aurelio Robles (1964-1968) từng phải hầu tòa vì tội vi phạm Hiến pháp Quốc gia./.
Theo Bao Phapluat