Ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp do được bảo lãnh hay đầu tư ra nước ngoài, đầu tư có đúng luật không?

02/08/2020 09:27

(Pháp lý). Theo Hồ sơ đảo Síp (Cyprus), do nhóm điều tra của Đài Al Jazeera, cơ quan truyền thông có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Đông công bố thì Việt Nam có 26 cá nhân được hồ sơ này nêu tên, trong đó có ông Phạm Phú Quốc và vợ là Nguyễn Phan Diệu Phương. Và ông Phạm Phú Quốc đã lọt “khe cửa hẹp” sở hữu quốc tịch Síp trước khi nước này cấm những cá nhân “có yếu tố chính trị” vào tháng 7/2019.

Ông Phạm Phú Quốc, TGĐ Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021.

Sở hữu quốc tịch Síp bằng đầu tư hay được bảo lãnh ?

Hồ sơ đảo Síp (Cyprus), do nhóm điều tra của Đài Al Jazeera, cơ quan truyền thông có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Đông, cho biết chỉ trong vòng 3 năm 2017 - 2019, đã có gần 2.500 cá nhân từ 70 quốc gia có được quyền công dân của Cyprus thông qua hình thức đầu tư định cư. Các nước dẫn đầu về số người mua quốc tịch ở CH Cyprus theo tài liệu của "Hồ sơ đảo Cyprus" là Nga (chiếm gần 50%), Trung Quốc, Ukraine, Lebanon, Jordan, Iran.

Trả lời báo chí về việc có tên trong danh sách có quốc tịch Síp, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc cho rằng ông có quốc tịch Síp là do gia đình “bảo lãnh” vào giữa năm 2018. Câu chuyện đang là tâm điểm quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Bởi sự việc được giấu kín và chỉ phát lộ khi Hồ sơ đảo Cyprus, do nhóm điều tra của Đài Al Jazeera ở Trung Đông công bố.

Việt Nam có tới 26 cá nhân được hồ sơ này nêu tên, trong đó Al Jazeera nêu đích danh đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và vợ là Nguyễn Phan Diệu Phương. Là Đại biểu Quốc hội nhưng ông Phạm Phú Quốc đã không báo cáo với tổ chức khi có sự thay đổi về lý lịch nên cơ quan quản lý “ngỡ ngàng” và cử tri thấy bất ngờ và bức xúc là điều dể hiểu.

Vấn đề dư luận quan tâm là có phải ông Quốc được gia đình bảo lãnh nên có quốc tịch Síp hay không?

Theo Chương trình định cư tại Síp thông qua đầu tư được ban hành vào tháng 3/2013 thì Síp cho phép nhà đầu tư trên thế giới có quyền thường trú hoặc quốc tịch khi mua bất động sản tại quốc gia này. Theo đó, đầu tư nhận quốc tịch Síp khi sở hữu một hay nhiều bất động sản có tổng giá trị tối thiểu là 2000.000 EUR. Trường hợp có cha mẹ đi cùng thì yêu cầu mua thêm bất động sản trị giá 500.000 EUR. Về đầu tư nhận thường trú thì yêu cầu sở hữu một hay nhiều bất động sản có tổng giá trị tối thiểu là 300.000 EUR.

Như vậy, ông ông Phạm Phú Quốc chỉ có thể sở hữu quốc tịch Síp thông qua hình thức đầu tư bất động sản, nếu nói là gia đình bảo lãnh là không có căn cứ. Vấn đề đặt ra là việc đầu tư đó của ông Quốc có hợp pháp hay không?

Việc đầu tư của ông Phạm Phú Quốc có hợp pháp hay không?

Theo đại diện Cục Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư không hạn chế tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài, nhưng các tổ chức, cá nhân chỉ có quyền đầu tư bất động sản ở nước ngoài để kinh doanh, cho thuê, không được phép đầu tư mua nhà ở nước ngoài để định cư. Việc mua nhà ở nước ngoài với mục đích mua nhà làm thẻ xanh, để có hai quốc tịch là trái phép. Hiện Việt Nam có khoảng 1.400 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép, trong đó có vài chục dự án đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Về quy trình, thủ tục: Nhà đầu tư tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài nếu có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định sẽ được cấp phép trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các yêu cầu có xác nhận cơ quan thuế là không nợ đọng thuế; có xác nhận của ngân hàng trong việc cân đối ngoại tệ cho dự án đầu tư ở nước ngoài; đồng thời tổ chức, cá nhân phải chứng minh có tài sản, nguồn tiền tương ứng với lượng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Trong trường hợp nhà đầu tư, cá nhân đầu tư kinh doanh bất động sản tại nước ngoài, phải có giấy tờ chứng minh địa điểm đầu tư, hợp đồng mua bán bất động sản mới được phép. Sau khi có chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, để chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư, các tổ chức, cá nhân đều phải thực hiện qua hình thức chuyển khoản, không được mang tiền mặt ra nước ngoài. Điều kiện để các tổ chức, cá nhân được chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư là được cấp phép đầu tư ra nước ngoài và cấp phép đầu tư ở nước đến đầu tư, thiếu một trong hai điều kiện sẽ không được chuyển tiền ra nước ngoài.

Ông Phạm Phú Quốc là công chức và đang là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kì 2016 - 2021, không thuộc diện được đầu tư bất động sản để có quốc tịch nước ngoài, do đó không có quyền chuyển hàng triệu USD sang nước ngoài.

Cần điều tra chứng minh việc mua quốc tịch và xử lý theo qui định của pháp luật

Trước đây, năm 2016 cũng liên quan đến vấn đề quốc tịch, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đã không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV dù đã trúng cử. Lý do bà Hường sở hữu hai quốc tịch Việt Nam và Malta, nhưng khai báo thiếu trung thực trong hồ sơ ứng cử. Hiện nay, khi vụ việc Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có quốc tịch đang được cử tri cả nước quan tâm và đòi hỏi phải có xác minh làm rõ.

Xác nhận với báo chí ông Trần Văn Túy - Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội khẳng định: Đến thời điểm hiện tại, ĐBQH Phạm Phú Quốc chưa kê khai việc có quốc tịch Síp với bất cứ cơ quan nào của Quốc hội. Theo quy định “Trong quá nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội, nếu có thay đổi về lý lịch, đại biểu phải báo cáo với cơ quan quản lý”.

Theo trình tự xử lý, trước tiên đại biểu Phạm Phú Quốc phải báo cáo, giải trình sự việc đến Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh. Sau đó, cơ quan này phải xác minh từ cơ quan quản lý hộ chiếu, hộ tịch, xem đại biểu Phạm Phú Quốc có hai hộ chiếu, hộ tịch hay không, thời điểm nhận hộ chiếu Cộng hòa Síp là khi nào. Đồng thời, cơ quan này cũng yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh (là cơ quan tổ chức hiệp thương giới thiệu ông Phạm Phú Quốc ứng cử ĐBQH khóa XIV) cho ý kiến về việc này để báo cáo Ban Công tác đại biểu của Quốc hội.

Khi nhận được báo cáo từ Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, Ban Công tác đại biểu sẽ tập hợp toàn bộ hồ sơ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng về trường hợp của ông Phạm Phú Quốc.

Vụ việc ông Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch Đảo Síp từ năm 2018 nhưng đến nay (2020) không khai báo đã thể hiện sự thiếu trung thực của vị đại biểu này. "Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần sớm vào cuộc xác minh, nếu đúng như phản ánh thì cần có biện pháp xử lý phù hợp với trường hợp đại biểu Quốc hội thiếu trung thực trong việc khai báo quốc tịch như vậy để cảnh báo cho những trường hợp khác” – ông Trần Văn Túy nói.

Dư luận cho rằng: Không thể chấp nhận một đại biểu Quốc hội đại diện tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam lại có quốc tịch thứ hai ngoài Việt Nam. Hiện nay, chúng ta đã có những bài học về quan chức trốn ra nước ngoài gây khó khăn khi có các tình huống pháp lý xảy ra như trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Thị Kim Thoa… Qua vụ viện này chúng ta cần có những quy định chặt chẽ của pháp luật để ngăn cản những tình huống tương tự tiếp diễn.

Thành Chung

Bạn đang đọc bài viết "Ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp do được bảo lãnh hay đầu tư ra nước ngoài, đầu tư có đúng luật không?" tại chuyên mục Đọc nhiều nhất. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin