Từ 2 chùm ca bệnh covid ở Hà Nam và chuyên gia Trung Quốc: Cần nhìn thẳng vào nguyên nhân và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm để răn đe.

(Pháp lý) – Theo chúng tôi nguyên nhân chính để xảy ra hậu quả ( 2 chùm ca bệnh covid tại Hà Nam và chuyên gia Trung Quốc ) là từ sự chủ quan của chính cơ quan chức năng, sự lơ là, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý và giám sát người sau khi hoàn thành cách ly tập trung và tự cách ly tại nhà tại một số địa phương, cùng với đó là sự thiếu ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm minh trước pháp luật để răn đe . Đồng thời khuyến cáo các cơ quan chức năng và người dân phải thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt quy định về việc cách ly 14 ngày tại trung tâm cách ly tập trung và tiếp tục thêm 14 ngày cách ly y tế tại nhà

Lỗ hổng rất lớn trong trong việc quản lý và giám sát người sau khi hoàn thành cách ly tập trung và tự cách ly tại nhà

Thiếu trách nhiệm trong quản lý, giám sát người hoàn thành cách ly tập trung…

Điểm chung của 2 chùm ca bệnh covid-19 vừa được phát hiện vừa qua cho thấy, nguồn lây F0 đều từ những bệnh nhân đã hoàn thành việc cánh ly tập trung và được chuyển về địa phương nơi cư trú để tiếp thực hiện tự cách ly 14 ngày tại nhà. Tuy nhiên, hành vi thiếu ý thức của những người này trong việc tuân thủ quy định về cách ly y tế đã khiến ít nhất 20 người tiếp xúc gần mắc covi-19, hàng nghìn người phải bị cách ly y tế do được xác định là F1, F2…

Đối với nhóm 5 chuyên gia Trung Quốc sau khi nhập cảnh Yên Bái được cách ly tập trung tại khách sạn Như Nguyệt 2, thành phố Yên Bái từ 9 đến 23/4. Những người này được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần, đều cho kết quả âm tính nCoV.

Hoàn thành cách ly tập trung, nhóm chuyên gia được UBND TP Yên Bái cấp giấy xác nhận, bàn giao cho doanh nghiệp về nơi lưu trú, tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày. Trung tâm y tế thị xã Nghĩa Lộ được giao theo dõi, giám sát sức khỏe nhóm chuyên gia này tại nơi cư trú khi họ đến khách sạn Bảo Yến, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ. ( Trung tâm y tế thì đổ lỗi cho DN- cụ thể là Cty TRung Bắc Á ở Nghĩa Lộ Yên Bái)

Tuy nhiên, các đơn vị có liên quan đã không thực hiện trách nhiệm đưa đón, quản lý số chuyên gia nói trên theo quy định. Những chuyên gia này đã tự ý di chuyển đi nhiều nơi từ 23 đến 25/4, như thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai; huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; huyện Phong Thổ, Tân Uyên - tỉnh Lai Châu; xã Gia Hội, huyện Văn Chấn…

Hậu quả, đã có 5 nhân viên quán karaoke Sunny tại Vĩnh Phúc tiếp xúc gần với nhóm chuyên gia này có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.

5 nhân viên quán karaoke Sunny tại Vĩnh Phúc tiếp xúc gần với nhóm chuyên gia Trung Quốc dương tính SARS-CoV-2.

Hay như trường hợp ca bệnh tại Hà Nam, bệnh nhân 2899 từ Nhật Bản trên chuyến bay VJ3613 nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng ngày 07/4/2021, được cách ly tập trung ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng.

Ngày 22/4 bệnh nhân hoàn thành cách ly, có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính, được về cách ly tại địa phương. Ngày 24/4 có biểu hiện triệu chứng ho, sốt, đau họng được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Điều đáng nói là, sau khi rời khu cách ly tập trung, theo quy định, bệnh nhân phải cách ly tại nhà 14 ngày. Tuy nhiên, bênh nhân này đã không tuân thủ quy định cách ly tại nhà, đã đi nhiều nơi tiếp xúc nhiều người.

Hậu quả là, đến sáng ngày 2/5/2021, liên quan đến ca bệnh này, cả nước đã có 15 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng và đã truy vết được hơn 2.500 F1, F2.

Cả hai trường hợp nói trên cho thấy đang có "lỗ hổng" rất lớn - thiếu trách nhiệm, lơ là, chủ quan trong việc quản lý và giám sát người sau khi hoàn thành cách ly tập trung và giám sát các trường hợp cách ly tại nhà, cùng với đó là sự thiếu ý thức của người dân trong trong việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh.

Dù đã có đầy đủ các quy định nghiêm ngặt về biện pháp phòng chống dịch…

Cho đến thời điểm hiện tai, đã có nhiều văn bản pháp luật được ban hành phục phục công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm như:Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm; các quy định của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và địa phương… Đặc biệt, trong đó có Công điện số 1640/CĐ-BCĐ ngày 15/10/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch covid-19; Công văn 425/CV-BCĐ ngày 19/01/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch covid-19, ban hành hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung …

Theo đó, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh không để lây nhiễm trong thời gian thực hiện cách ly và tại các cơ sở cách ly, đặc biệt lưu ý không cho phép người không có nhiệm vụ vào khu vực cách ly và tiếp xúc với người đang thực hiện cách ly, người đang cách ly không được ra khỏi khu cách ly và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Sau khi kết thúc thời gian thực hiện cách ly tập trung, tiếp tục thực hiện nghiêm việc giám sát y tế, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và yêu cầu các trường hợp nhập cảnh hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân.

Đối với việc bàn giao, quản lý người sau khi hoàn thành cách ly tập trung, Công văn 425/CV-BCĐ ngày 19/01/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch covid-19 đã quy định rất rõ về quy trình bàn giao, quản lý người sau thơi gian cách ly tập trung.

Theo đó, khi địa phương tiếp nhận người hết thời hạn cách ly tập trung, phải có đầy đủ điều kiện, giấy tờ, kết quả xét nghiệm…

Đối với đơn vị quản lý khu cách ly tập trung hướng dẫn cụ thể cho người đã hoàn thành cách ly tập trung tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tại nhà, nơi lưu trú, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế đến nơi đông người, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.

Sở Y tế (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19) ở địa phương nơi thực hiện cách ly tập trung có văn bản thông báo danh sách những người đã hoàn thành cách ly ngay khi họ có quyết định hoàn thành cách ly cho Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi người hoàn thành cách ly về lưu trú và các đơn vị liên quan biết để tiếp tục quản lý, theo dõi sức khỏe, giám sát y tế trong 14 ngày tiếp theo.

Sở Y tế tỉnh, thành phố nơi người hoàn thành cách ly về lưu trú tại địa phương tiếp nhận thông tin về những người đã hoàn thành cách ly về địa bàn cư trú, có kế hoạch và thực hiện quản lý, kiểm tra, theo dõi y tế họ cho đến hết 14 ngày (kể từ ngày có quyết định hoàn thành cách ly tập trung).

Người cách ly, phải khai báo với Bí thư chi bộ thôn (khu phố), trưởng thôn (khu phố) khi về đến nơi lưu trú và phải có cam kết thực hiện việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, đồng thời phải chủ động thông báo cho cơ quan y tế địa phương nơi lưu trú biết ngay khi trở về từ khu cách ly tập trung về tình trạng sức khỏe và ghi nhật ký tiền sử tiếp xúc gần cho đến khi hết 14 ngày tiếp theo

… đến chế tài xử lý vi phạm

Theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện người khác mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Đối với hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm; không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Đối với các hành vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi: không tổ chức cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật…

Những trường hợp cố tình không khai báo, khai báo gian dối, trốn tránh cách ly, cần xử lý nghiêm.

Đặc biệt, trong trường hợp trốn khai báo hoặc trốn cách ly… gây lây truyền bệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo điều 240 Bộ luật hình sự 2015. Ngày 30/03/2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC về việc hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, đối với người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly mà thực hiện hành vi không tuân thủ quy định cách ly hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Tùy mức độ vi phạm mà bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như gây chết người thì hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 đến 12 năm tù theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự.

Người nào thực hiện một trong các hành vi như: làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Người vi phạm sẽ bị phạt tù đến 10 năm nếu từ cá nhân đó gây ra việc dẫn đến phải công bố dịch (thuộc thẩm quyền của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc bộ trưởng Bộ Y tế); làm chết người. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: ...dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, ... làm chết 2 người trở lên…

Kiến nghị

Dù đã có đầy đủ các quy định nghiêm ngặt từ biện pháp phòng chống dịch cho đến các chế tài xử lý vi phạm. Tuy nhiên, trường hợp bùng phát của 2 chùm ca bệnh vừa qua cho thấy, đang có lỗ hổng rất lớn - lỗ hổng về sự lơ là, thiếu trách nhiệm trong trong quản lý và giám sát việc cách ly tại nhà; quản lý và giám sát người sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại một số địa phương.

Những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội cần phải xem xét xử lý hình sự. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tiếp nhận và quản lý người sau hoàn thành cách ly tập trung và quản lý giám sát thực hiện cách ly tại nhà. Từ đó có những chế tài tương thích, xử lý nghiêm để răn đe những trường hợp khác.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới cực kỳ phức tạp, nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất cao, luôn rình rập. Để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh cơ quan chức năng các địa phương cần nhanh chóng siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời cần khẩn trương truy vết, kịp thời có biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với các trường hợp liên quan đến các ca bệnh.

Đặc biệt không được chủ quan trong khâu cách ly, các cơ quan chức năng và người dân phải thực hiện nghiêm chỉnh Công văn 425 của cơ quan y tế về việc cách ly 14 ngày tại trung tâm cách ly tập trung và cần thiết phải tiếp tục thêm 14 ngày cách ly y tế tại nhà , không được phép để xảy ra trường hợp như 2 chùm ca bệnh vừa qua…

Xuân Trường – Văn Thư

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin