Nữ giám đốc CIA đầu tiên trong lịch sử Mỹ là ai?

Bà Gina Haspel bị nhiều người phản đối vì có liên quan đến một trong những giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử cơ quan tình báo Mỹ.

Bà Gina Haspel - Ảnh: Independent
Bà Gina Haspel - Ảnh: Independent)

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố bổ nhiệm giám đốc Cục tình báo Mỹ (CIA), ông Mike Pompeo, lên vị trí Bộ trưởng Ngoại giao nước này, ông cũng chính thức đưa bà Gina Haspel lên vị trí giám đốc CIA.

Bà Haspel là một người làm việc lâu năm tại CIA, thế nhưng bà có một quá khứ gây tranh cãi.

Bà Gina Haspel là ai?

Người phụ nữ 61 tuổi này đã giữ vị trí phó giám đốc CIA từ tháng 1/2017, khi đó bà được chính ông Donald Trump bổ nhiệm. Trước đó bà cũng từng đảm nhiệm vị trí phó giám đốc Sở mật vụ quốc gia (NCS) và phó giám đốc Cơ quan mật vụ tình báo nước ngoài.

Bà Haspel gia nhập CIA vào năm 1985. Trong vòng 33 năm làm việc tại đây, bà giành được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có cả giải thưởng do Tổng thống trao tặng – giải thưởng danh giá nhất trong ngành dịch vụ dân sự liên bang.

Tại sao bà lại là một lựa chọn gây tranh cãi?

Nhiều chính trị gia và nhóm hoạt động đã thể hiện tâm lý lo lắng khi mà bà Haspel trở thành giám đốc CIA bởi bà có nhiều liên quan đến chương trình thẩm vấn của CIA.

Năm 2002, bà chịu trách nhiệm giám sát một "nhà tù đen" ở Thái Lan. Đây là hệ thống nhà tù bí mật của Mỹ được thành lập sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 để giam giữ các nghi phạm khủng bố. Cũng chính tại nhà tù này, hai nghi phạm khủng bố của Al-Queda là Zubaydah và Abd al-Rahim al-Nashiri bị giam cầm.

Bà bị đồn đoán là đã cho hủy các đoạn băng video ghi lại các cảnh thẩm vấn và tra tấn hai nghi phạm vào năm 2005. Bà cũng có mặt trong các vụ tra tấn nghi phạm khủng bố này. Tổng thống Obama đã cho đóng cửa nhà tù trên vào năm 2009.

Một trong những giai đoạn đen tối nhất của CIA cũng có liên quan đến bà. Khi đó, Mỹ bị nhiều chỉ trích về những hành vi tra tấn tù nhân dã man trong nhà tù Abu Graib.

Vào năm ngoái, khi bà được bổ nhiệm phó giám đốc CIA, người ta đã nói lại hàng loạt vụ việc trên. Đến năm nay, khi mà bà được bổ nhiệm giám đốc CIA, một lần nữa người ta lại xới lại những chuyện cũ.

Ai đang phản đối bà?

Thượng nghị sỹ Tammy Duckworth và Ron Wyden đã tuyên bố họ sẽ không ủng hộ bà Haspel trong cương vị giám đốc CIA và nhiều người khác có thể cũng sẽ làm như vậy.

Ông Wyden, thượng nghị sỹ Martin Heinrich và Sheldon Whitehouse trong năm ngoái đều đã viết thư phản đối việc bổ nhiệm bà Hapel, họ khẳng định rằng bà là lựa chọn không phù hợp bởi bà có nhiều mối liên quan đến chương trình thẩm vấn.

Còn theo The Times, thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ, bà Dianne Feinstein, vào năm 2013 đã cố gắng ngăn cản việc bổ nhiệm bà Gina Haspel vào vị trí phó giám đốc Sở mật vụ. Tuy nhiên trong lần phát biểu mới nhất với giới truyền thông, bà cho biết bà đã gặp bà Gina Haspel nhiều lần và bà tin rằng bà Gina đã làm tốt công việc của mình.

Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU) mới đây đã thể hiện sự phản đối rõ ràng hơn, họ gọi bà Haspel là nhân vật trung tâm của một trong những chương đáng xấu hổ nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.

Thượng nghị sỹ John McCain cũng cho rằng bà Haspel nên giải thích bản chất và phạm vi liên quan của bà đối với chương trình thẩm vấn của CIA.

Ai ủng hộ bà?

Dù có nhiều người phản đối nhưng ngược lại vẫn còn không ít người ủng hộ bà, kể cả trong và ngoài CIA.

Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia dưới thời Tổng thống Obama, ông James Clapper, đã khen rằng bà Haspel nhận được sự kính trọng của mọi người kể cả bên trong và bên ngoài CIA.

Chủ tịch Ủy ban tình báo quốc gia, thượng nghị sỹ Richard Burr, cũng tuyên bố ông ủng hộ việc bổ nhiệm bà Haspel: “Tôi biết bà Gina, bà có đủ kinh nghiệm, kỹ năng và khả năng đánh giá cần thiết để có thể lèo lái một trong những cơ quan quan trọng nhất của chúng ta. Tôi tự hào vì những gì bà đã làm được và ủy ban của tôi sẽ tiếp tục hợp tác với CIA dưới quyền của bà”.

Theo Bizlive

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin