Những vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi trốn đóng bảo hiểm

31/01/2018 10:31

Theo đó từ năm 2018, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Không đóng BHXH cho người lao động  có thể bị phạt tù đến 07 năm. 

[caption id="attachment_189676" align="aligncenter" width="410"] Luật sư Phan Thị Lam Hồng – Giám đốc Cty Luật TNHH Đông Hà Nội
Luật sư Phan Thị Lam Hồng – Giám đốc Cty Luật TNHH Đông Hà Nội[/caption]

Nhằm giúp các Doanh nghiệp hiểu sâu về  những vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi trốn đóng bảo hiểm, Phóng viên Pháp lý có cuộc trao đổi với Luật sư Phan Thị Lam Hồng – Giám đốc Cty Luật TNHH Đông Hà Nội .

Về chủ thể thực hiện hành vi trốn đóng bảo hiểm:

Căn cứ khoản 3 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định thì người sử dụng lao động bắt buộc phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội là: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Căn cứ Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định thì chủ thể thực hiện hành vi trốn đóng bảo hiểm là người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Như vậy, chủ thể thực hiện hành vi trốn đóng bảo hiểm là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi trốn đóng bảo hiểm:

Những hành vi sau đây của người sử dụng lao động liên quan đến bảo hiểm xã hội sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP gồm:

- Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

- Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

- Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

- Không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Đối chiếu quy định nêu trên với Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội thì có thể nhận thấy hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người sử dụng lao động có hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm theo quy định và phải đáp ứng đủ 3 điều kiện sau đây thì mới đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Không đóng đầy đủ từ 06 tháng trở lên.

- Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN mà còn vi phạm.

Vậy, hành vi trốn đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động mà không đáp ứng đủ các điều kiện trên thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm và người sử dụng lao động không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động về hành vi trốn đóng bảo hiểm:

Người sử dụng lao động khi có những hành vi vi phạm về nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có hình thức xử lý khác nhau như: Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

a. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính:

- Vi phạm về việc đóng BHXH: Căn cứ Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP thì người sử dụng lao động có hành vi vi phạm trong việc đóng BHXH tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 12% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng. Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là bị buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội, buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội, chưa đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.

b. Truy cứu trách nhiệm hình sự:

- Trách nhiệm của cá nhân phạm tội: Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm về tội trốn đóng bảo hiểm theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 thì tùy theo tính chất, mức độ, hành vi vi phạm mà hình phạt chính có thể là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm. Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung có thể là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

- Trách nhiệm của pháp nhân thương mại phạm tội: Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền 200.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Những quy định mới trong Bộ luật Hình sự về trốn đóng BHXH nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động

Liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, đặc biệt là loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc được Nhà nước, cũng như nhà làm luật dành sự quan tâm đặc biệt với mục đích nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động trong quan hệ lao động. Chính vì điều đó mà từ khi có Bộ luật lao động năm 1994, Nhà nước đã quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và đã quy định về hình thức xử lý vi phạm hành chính khi người sử dụng lao động không tuân thủ việc đóng bảo hiểm xã hội. Do việc xử phạt đối với hành vi vi phạm trong bảo hiểm mới chỉ dừng lại tại hình thức xử phạt hành chính, dẫn đến tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội, đóng không đúng mức quy định …là rất nhiều. Bởi vậy, với mong muốn giảm thiểu việc trốn đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động, Nhà nước và các nhà làm luật đã quy định về hình thức xử lý nặng hơn đối với người sử dụng lao động khi họ trốn đóng bảo hiểm tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Do hành vi trốn đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động mới được điều chỉnh tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Tại thời điểm hiện nay các cơ quan bảo vệ pháp luật đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện, tuy nhiên theo tinh thần của điều luật thì rõ ràng việc ban hành thêm tội mới về trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN là nhằm giảm thiểu tình trạng trốn đóng BHXH của người sử dụng lao động, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động.

PV

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi trốn đóng bảo hiểm" tại chuyên mục Chính sách mới. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin