Những vấn đề lớn trong dự án Luật Thanh tra và Luật Giao dịch điện tử ( sửa đổi)

26/10/2022 10:15

(Pháp Lý). Giữ Thanh tra huyện, thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, thể chế hóa chủ trương phòng chống tham nhũng... là những vấn đề lớn trong dự án luật Thanh tra sửa đổi. Còn việc sửa Luật Giao dịch điện tử phải đảm bảo tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho việc chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực sang số.

anh-1-1666673177.jpg

Quang cảnh Quốc hội họp sáng ngày 25.10.2022

Năm vấn đề lớn trong dự án Luật Thanh tra sửa đổi

Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

anh-2-1666673218.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra sửa đổi, sáng 25/10.

 

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, ông Tùng cho biết đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật về việc duy trì hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện.

Thanh tra huyện đã có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, nên tiếp tục duy trì nhằm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, kịp thời phát hiện sai phạm ngay từ ở cơ sở.

Theo Thường vụ Quốc hội, Thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ được giao trong các luật khác, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Khiếu nại; Tố cáo; Phòng, chống tham nhũng... Những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà là do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nếu không duy trì Thanh tra huyện, tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao.

Về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhiều đại biểu tán thành nhưng đề nghị quy định rõ trong Luật tiêu chí thành lập. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không thành lập cấp Thanh tra này do e ngại sẽ phát sinh thêm biên chế, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ không thành lập tổ chức thanh tra chuyên ngành độc lập. Nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì Luật Thanh tra cho phép Chính phủ xem xét, quyết định giao một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Thực tế, tại các cơ quan này đã tổ chức các đơn vị tham mưu về công tác thanh tra (như Thanh tra - pháp chế, Thanh tra - kiểm tra...) và bố trí đội ngũ công chức làm việc. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong một số luật đã quy định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Do đó, dự thảo Luật quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Việc này về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới do hiện tại ở các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, nên không trái với yêu cầu của Nghị quyết số 18 của Trung ương. Dự Luật cũng quy định rõ ba nguyên tắc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, gồm: Theo quy định của luật; tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán, Thường vụ Quốc hội cho biết đã tiếp thu ý kiến đại biểu, chỉ đạo rà soát dự thảo Luật để chỉnh lý, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán. Điều này tránh làm tăng chi phí, gây phiền hà, bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm toán.

Cụ thể, khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện trùng lặp, chồng chéo, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật này, bảo đảm tại một thời điểm chỉ có một cơ quan thực hiện.

Về mối quan hệ giữa Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thanh trađể tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra, tránh sự can thiệp của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, trong dự thảo Luật đã bỏ quy định của Luật hiện hành về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, thành lập Đoàn thanh tra của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.

Trong quá trình lấy ý kiến, có người đề nghị bổ sung thẩm quyền ra quyết định thanh tra cho thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước nhằm bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện, nhất là đối với các cuộc thanh tra có nội dung phức tạp, liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng lần sửa đổi này nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động thanh tra và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn.

Do đó, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Chỉ thủ trưởng cơ quan thanh tra có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra.

Về việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng chống tiêu cực cho các cơ quan thanh tra. Dự thảo cũng được rà soát kỹ để lược bỏ các quy định có sơ hở, mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu rõ ràng, có thể thực hiện "tùy nghi" để tránh bị lợi dụng, lạm dụng khi áp dụng nhằm thực hiện hành vi tiêu cực.

Dự thảo cũng được hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, công tác phòng, chống tham nhũng.

Luật Thanh tra hiện hành được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2010. Dự án Luật Thanh tra sửa đổi sẽ thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay. Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) vào ngày 14/11.

Sửa Luật Giao dịch điện tử phải đảm bảo tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho việc chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực sang số.

Sáng 25/10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

anh-3-1666673172.jpg

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sửa Luật GDĐT tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực sang số.

Theo Bộ trưởng, việc xây dựng và ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trong thời điểm này là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và nhà nước.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, một trong những chủ trương, chính sách quan trọng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là: “Hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng...”. 

Bên cạnh đó, việc sửa đổi luật còn nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Cụ thể là việc hạn chế một số lĩnh vực áp dụng giao dịch điện tử trong luật có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong những lĩnh vực này. Thiếu quy định về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang bản điện tử và ngược lại, trong khi đây là một nhu cầu rất lớn trong xã hội nên cần có hành lang pháp lý cụ thể.

Ngoài ra, việc sửa đổi luật có khắc phục tình trạng thiếu các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; thiếu quy định về việc tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước. Mặt khác, việc sửa luật nhằm tạo sự đồng bộ với các luật ban hành sau về an toàn, an ninh mạng.

Không chỉ vậy, việc sửa đổi luật còn tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Luật sửa đổi cũng khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực. Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi có 8 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP.

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch điện tử, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, cơ quan này tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật với những lý do đã nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng…

Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nhận thấy quy định pháp luật hiện hành về giao dịch điện tử mở ra nhiều cơ hội cho phép các tổ chức tín dụng và khách hàng ký kết hợp đồng dịch vụ ngân hàng bằng phương thức điện tử (giao dịch tài khoản thanh toán, mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ…).

Về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc buộc các cơ quan phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử từ người dân và doanh nghiệp gửi, không từ chối hoặc yêu cầu bổ sung bản giấy hoặc nghiên cứu bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng Dự thảo Luật chỉ quy định những nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc giao dịch trên môi trường điện tử, còn giao dịch trực tiếp, truyền thống vẫn tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, về cơ bản, các quy định của dự thảo Luật phù hợp với cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) có liên quan. Tuy nhiên, vẫn có một số quy định chưa hoàn toàn bám sát các yêu cầu của cam kết hoặc còn thiếu các quy định so với yêu cầu của cam kết.

Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật cũng chưa thể hiện toàn diện các nguyên tắc và thể hiện chính xác khái niệm thông điệp dữ liệu (khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật) như Luật mẫu về thương mại điện tử 1996 (UNCITRAL). Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế...

Đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam; đồng thời cơ bản tán thành với quy định về đối tượng áp dụng như tại Điều 2 dự thảo Luật, có sự kế thừa của Luật Giao dịch điện tử hiện hành. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, thể hiện lại Điều 2 để tránh bỏ sót đối tượng áp dụng của Luật.

Trên cơ sở nội dung Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trân trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; về chứng thư điện tử; chữ ký điện tử; về dịch vụ tin cậy; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử…

Dự luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 4. Cụ thể, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 7/11, sau đó thảo luận ở hội trường vào ngày 14/11.

Lê Phúc – Đăng Công ( T/h)
Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề lớn trong dự án Luật Thanh tra và Luật Giao dịch điện tử ( sửa đổi)" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin