Những sai phạm trong công tác đấu giá, chuyển đổi, chuyển nhượng “đất vàng”

24/11/2017 06:49

Hàng loạt sai phạm trong công tác đấu giá, chuyển đổi, chuyển nhượng đất vàng và nhà, đất công sản được phát hiện trong thời gian qua gây bức xúc dư luận. Bởi mỗi một phi vụ chuyển đổi thành công, đều ít nhiều khiến ngân sách Nhà nước thất thu.

“Đất vàng” không đấu giá, ngân sách Nhà nước bị thất thu

Nhiều tỉnh thành trong cả nước thời gian qua đã xảy ra tình trạng này, Phóng viên xin điểm qua 2 tỉnh thành.

Vào đầu năm 2013, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã công khai Kết luận thanh tra trách nhiệm của lãnh đạo Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và một số dự án đầu tư liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai. Kết luận thanh tra cho thấy việc giao đất của UBND TP Đà Nẵng chủ yếu không thông qua đấu giá và có nhiều sai phạm trong việc quản lý quỹ đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhiều nhà đầu tư sau khi được giao đất đã không thực hiện đầu tư mà bán cho người khác thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Dự án khu đô thị thương mại Đông Hương, TP. Thanh Hóa với tai tiếng về việc giao đất giá bèo cho nhà đầu tư.
Dự án khu đô thị thương mại Đông Hương, TP. Thanh Hóa với tai tiếng về việc giao đất giá bèo cho nhà đầu tư.)

Còn ở Thanh Hóa, thời gian qua, không ít dự án có “đất vàng” đã được chính quyền giao cho các chủ đầu tư không thông qua đấu giá gây hoài nghi lớn trong dư luận. Giai đoạn những năm 2013 - 2014, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có sự khởi sắc, nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa lại công bố kết quả lựa chọn nhà đầu tư xây dựng 3 dự án bất động sản lớn với mức giá “siêu rẻ”, thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường. Đó là Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1, thuộc Khu đô thị mới Đông Hương, TP.Thanh Hóa, được phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/500, có tổng diện tích 2,911 ha. Khi UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án, đã có rất nhiều doanh nghiệp muốn tham gia và sở hữu dự án này. Vì đây là khu đất “vàng” có mặt bằng tương đối sạch và nằm ngay mặt đường Đại lộ Lê Lợi, tuyến huyết mạch của TP. Thanh Hóa, xung quanh là hàng loạt các cơ quan nhà nước của tỉnh. Nhưng, thay vì tổ chức đấu giá đất công khai để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, thu tiền sử dụng đất tối đa cho ngân sách, UBND tỉnh Thanh Hóa dùng hình thức lựa chọn nhà đầu tư.

Ngày 27/8/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3013/QĐ-UBND lúc đó do ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký “chỉ định” phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất. Theo đó, Liên doanh Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Bất động sản An Phát và Công ty CP Xây dựng và Thương mại Đại Long được lựa chọn là nhà đầu tư dự án này. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 460 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 7 tỷ đồng. Đặc biệt, quyết định ghi rõ, tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước là 28,854 tỷ đồng cho hơn 2,911 ha đất.

Dự án thứ hai là Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu từ tháng 9/2012. Theo quyết định này, Công ty TNHH Điện tử - Tin học - Viễn Thông EITC (Thanh Hóa) là nhà đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng; giá trị xây dựng gần 202 tỷ đồng và hơn 48 tỷ đồng tiền đền bù giải tỏa. Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa ghi rõ: Trường hợp giá trị đền bù, giải tỏa thực tế thấp hơn 48 tỷ đồng thì phần chênh lệch được nộp vào ngân sách Nhà nước; trường hợp cao hơn thì nhà đầu tư phải bù. Thời gian triển khai và hoàn thành dự án không quá 3 năm, tính từ ngày ký; số tiền nhà đầu tư phải nộp ngân sách Nhà nước gần 111 tỷ đồng. Như vậy, sau khi khấu trừ tiền giải phóng mặt bằng 48 tỷ đồng, nhà đầu tư phải nộp vào ngân sách là hơn 62 tỷ đồng.

Dư luận Thanh Hóa cho rằng, vào thời điểm cuối năm 2012 đầu năm 2013, nếu các dự án bất động sản này được đem tổ chức đấu giá công khai sẽ thu về cho ngân sách được hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc Khu đô thị mới Đông Hương, giá mà doanh nghiệp bán ra tùy từng vị trí cho người dân từ 20-30 triệu đồng/m2.

Và ngay tại Quyết định số 4194/2012-QĐ-UBND ngày 13/12/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa, về việc quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2013, đất tại khu vực từ đường Lê Hữu Lập đến cầu Đông Hương có giá từ 11,2 - 28 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí. Đất dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc Khu đô thị mới Đông Hương, TP.Thanh Hóa nằm trong khung giá này. Thế nhưng bằng Quyết định số 3013 của UBND tỉnh Thanh Hóa đã biến toàn bộ 2,911ha đất “vàng” thành mức giá quá “bèo””, doanh nghiệp chỉ còn phải nộp vào ngân sách 29 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng khu nhà ở của dự án có diện tích trên 10.000m2 (bao gồm khu biệt thự song lập, đơn lập, nhà phố), nếu áp với khung giá đất tại Quyết định số 4194 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành khung giá đất năm 2013, với khu đất ở trên, ngân sách phải thu về ít nhất từ trên 110 - 291 tỷ đồng (giá theo khung đã ban hành 11,2 triệu đồng/m2 nếu ở vị trí 4 đến 28 triệu đồng/m2 nếu ở vị trí 1).

Quyết định 3013 khiến cho dư luận nghi ngờ về tính minh bạch. Tương tự, tại dự án Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư, Thị xã Sầm Sơn cũng có nhiều dấu hiệu thất thu ngân sách với số tiền nhiều chục tỷ đồng và có nhiều dấu hiệu không minh bạch, cần phải được làm rõ.

Dấu hiệu tư lợi “đất vàng” trong không ít các thương vụ cổ phần hóa DNNN

Câu chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam thời gian gần đây thu hút sự quan tâm của dư luận, không chỉ bởi định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam lừng lẫy một thời với giá 0 đồng, mà còn nhiều nghi vấn xung quanh việc sử dụng “đất vàng” sau cổ phần hóa. Khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng, giá trị doanh nghiệp của Hãng phim truyện được xác định ở mức 50 tỉ đồng. Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) chỉ phải trả hơn 33 tỉ đồng để sở hữu 65% cổ phần và nắm giữ hàng ngàn mét vuông đất tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà hãng phim đang thuê của Nhà nước. Việc Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) sở hữu 65% cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam, nơi nắm giữ nhiều lô đất “vàng” ước tính giá trị thị trường lên tới hàng nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận vừa qua, là chiêu thức lâu nay được nhiều đại gia áp dụng thâu tóm đất “vàng” khi cổ phần hóa.

Một dẫn chứng khác: Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport), là doanh nghiệp duy nhất của ngành thể thao sản xuất, kinh doanh trang thiết bị, dụng cụ thể thao được Bộ VH-TT&DL phê duyệt phương án cổ phần hóa năm 2007. Sở hữu nhiều khu đất “vàng” giữa Hà Nội như: số 4 Hàng Cháo; 18 Lý Văn Phức; 181 Nguyễn Huy Tưởng; khu đất Cầu Diễn…, thế nhưng khi cổ phần hóa vốn điều lệ của doanh này vỏn vẹn chỉ 12,5 tỷ đồng. Trong khi giá trị lợi thế đất đai của doanh nghiệp là 2 khu đất “vàng” tại 181 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) rộng trên 16.000 m2 và khu đất 4.500m2 tại Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) không được đưa vào giá trị doanh nghiệp. Điều đáng nói sau khi cổ phần hóa, Vinasport đã “bắt tay” với đối tác bên ngoài để chuyển đổi các khu đất “vàng” trên thành những khu chung cư cao tầng thương mại để bán. Vinasport đã “bắt tay” dưới hình thức hợp tác phân chia lợi nhuận với Công ty CP đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (INTRACOM) để xây dựng khu chung cư hỗn hợp INTRACOM 2 trên khu đất 4.500m2 tại Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm).

Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport) được UBND TP. Hà Nội cho thuê khu đất rộng 16.000m2 tại 181 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) để làm nhà xưởng sản xuất với thời gian thuê 20 năm tính từ 01/01/1996 đến hết 31/12/2016.
Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport) được UBND TP. Hà Nội cho thuê khu đất rộng 16.000m2 tại 181 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) để làm nhà xưởng sản xuất với thời gian thuê 20 năm tính từ 01/01/1996 đến hết 31/12/2016.)

Tiếp đến, năm 2009 Vinasport “bắt tay” với Công ty Megastar để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp chung cư cao tầng tại khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng. Sau khi bị yêu cầu dừng triển khai các dự án tại khu đất ở 181 Nguyễn Huy Tưởng, mới đây lãnh đạo Vinasport đã cho phá toàn bộ khu xưởng sản xuất, khu điều hành và chuyển hết công nhân ra khu công nghiệp Thanh Oai để lấy 16.000 m2 tại 181 Nguyễn Huy Tưởng cho đối tác bên ngoài thuê với giá rẻ mạt. Năm 2015, Vinasport đã cho Công ty Cổ phần HBI thuê phần nhà xưởng và cơ sở hạ tầng trên diện tích đất 11.650m2 tại 181 Nguyễn Huy Tưởng, để HBI làm khu nhà mẫu cho dự án Imperia Garden (203 Nguyễn Huy Tưởng) với giá thuê chỉ 1.667 đồng/m2, tức chưa bằng giá của 1 cốc trà đá vỉa hè (khoảng 240 triệu đồng/năm).

Câu chuyện cổ phần hóa ở Vinasport và Hãng Phim truyện Việt Nam chỉ là những ví dụ điển hình trong việc lợi dụng cổ phần hóa để thâu tóm đất vàng ở các doanh nghiệp Nhà nước.

Thời gian qua, dư luận cũng “dậy sóng” trước thông tin mập mờ trong cổ phần hóa của Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam); Kem Tràng Tiền; Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông (RAL); Bóng đèn Điện Quang (DQC)... Trước những lùm xùm trong việc cổ phần hóa của các doanh nghiệp, vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra một số dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay và việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Kết mở

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), từ ngày 1/7/2014 - 30/11/2016 có 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất với tổng số diện tích đất đề nghị chuyển mục đích sử dụng là 834.000m2. Cả 60 dự án này đều chuyển đổi sang cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở… Số tiền sử dụng đất các dự án phải nộp ngân sách là hơn 5.360 tỷ đồng, trong đó khoảng 700 tỷ đồng vẫn chưa được nộp. Còn lại một loạt dự án vẫn chưa có quyết định phê duyệt giá đất tính thu nghĩa vụ tài chính khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hiện, cả 60 dự án đều được Bộ Tài chính chuyển cho Thanh tra Chính phủ để thanh tra. Bởi vậy, ngay sau khi Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra, đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân và các cơ quan truyền thông. Bởi lẽ, những dự án sẽ thanh tra trước đây là địa điểm đặt trụ sở, hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước, bây giờ trở thành những dự án bất động sản. Như Công ty Giày da Thụy Khuê, Bến xe Lương Yên, Tổng kho thủy sản Lạc Trung, bãi xe Thanh Xuân, một số bến bãi của một loạt công ty vận tải khác của Hà Nội… hiện đã trở thành các dự án nhà ở, khu thương mại, dịch vụ cao tầng. Vì thế, người dân có quyền đặt câu hỏi, khi chuyển đổi mục đích sử dụng những dự án này có thực hiện đúng quy định của pháp luật hay không?. Đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hay chưa? Có trục lợi hay lợi ích nhóm hay không?

Nguyễn Hòa

Bạn đang đọc bài viết "Những sai phạm trong công tác đấu giá, chuyển đổi, chuyển nhượng “đất vàng”" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin