Những rủi ro, hệ lụy khi ký kết “hợp đồng giả cách” và một số giải pháp ngăn chặn

05/04/2024 20:30

(Pháp lý) – Bản chất của hợp đồng giả cách là một loại hợp đồng xác lập một giao dịch dân sự giả tạo nhằm che dấu một giao dịch dân sự khác. Việc ký hợp đồng giả cách sẽ gây thiệt hại lớn cho một hoặc cả các bên tham gia giao dịch do loại hợp đồng sẽ bị vô hiệu hoặc có thể bị xử phạt hành chính thậm chí bị xử lý hình sự.

Cho vay lãi nặng núp bóng hợp đồng chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu gia tăng

Có không ít trường hợp ký kết hợp đồng giả cách nhằm che giấu những giao dịch vi phạm pháp luật thậm chí nhằm mục đích lừa đảo (ảnh minh hoạ)

Hợp đồng giả cách thường được sử dụng trong chuyển nhượng BĐS hoặc  hoạt động tín dụng đen

Khi tham gia một giao dịch dân sự, các bên thường ký kết với nhau một hợp đồng. Theo đó, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015)

Giao dịch dân sự sẽ chỉ có hiệu lực khi đảm bảo đủ các điều kiện: chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, thực tế có không ít trường hợp các chủ thể tham gia giao dịch đã thoả thuận, thống nhất xác lập một giao dịch giả tảo (ký kết hợp đồng giả cách) nhằm che giấu những giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, thậm chí nhằm mục đích lừa đảo. Theo đó, sẽ tồn tại ít nhất hai giao dịch dân sự về một đối tượng mà các bên nhắm tới, đó là: giao dịch dân sự giả tạo và giao dịch dân sự có thật. Mục đích giao kết thực sự của các bên chỉ được thể hiện tại một giao dịch dân sự, còn một giao dịch dân sự kia nhằm che giấu giao dịch dân sự có thật.

Điển hình như, thời gian qua đã có không ít cá nhân, tổ chức chuyên cho vay với lãi suất cao bằng cách lợi dụng tình trạng cần tiền gấp của người vay, tận dụng kẽ hở của pháp luật một cách tinh vi, các đối tượng cho vay nặng lãi đã hợp thức hóa tài sản của người vay bằng việc lập hợp đồng giả cách nhằm che giấu giao dịch cho vay như các hợp đồng chuyển nhượng tài sản hoặc các hợp đồng khác có công chứng, chứng thực.

Hay, trong chuyển nhượng, kinh doanh BĐS, hiện nay, thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng nhà đất là 2% giá trị chuyển nhượng ghi trong hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, nhiều trường hợp bên bán muốn giảm tiền thuế thu nhập cá nhân phải đóng nên các đối tượng đã thoả thuận ký kết 2 loại hợp đồng, một hợp đồng thực tế viết tay và một hợp đồng khác có công chứng, chứng thực với giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế hoặc hợp đồng tặng cho tài sản (hợp đồng giả cách), nhưng bản chất giao dịch giữa các bên là mua bán tài sản. Hợp đồng giả cách này được sử dụng trong việc kê khai thuế và làm thủ tục sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhằm giảm, trốn tránh nghĩa vụ thuế, phí đối với Nhà nước.

Hay, trường hợp cầm cố tài sản để đầu tư kinh doanh. Trường hợp này, các đối tượng thường đưa ra các dự án ma hấp dẫn nhằm mục đích lôi kéo các nhà đầu tư. Thay vì kí hợp đồng đầu tư thì các đối tượng lại khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư bằng hình thức cầm cố tài sản qua các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng…

Hiệu lực và chế tài đối với các hợp đồng giả cách

Nghiên cứu các quy định pháp luật, hiện Pháp luật Việt Nam không có khái niệm về “hợp đồng giả cách”, do đó  không có bất kỳ quy định nào dành riêng cho hợp đồng giả cách. Tuy nhiên, bản chất của hợp đồng giả cách là một loại hợp đồng xác lập một giao dịch giả tạo nhằm che dấu một giao dịch dân sự khác. Hợp đồng giả cách vẫn được điều chỉnh bởi những quy định điều chỉnh giao dịch dân sự nói chung.

Theo quy định tại Điều 124 BLDS năm 2015, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan; trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

Bản chất của hợp đồng giả cách là một loại hợp đồng xác lập một giao dịch dân giả tạo nhằm che dấu một giao dịch dân sự khác.

Như vậy, khi các bên tham gia vào giao dịch dân sự lại có ý định giả tạo để che giấu một giao dịch khác hoặc trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Trong trường hợp này, pháp luật đã có quy định rõ ràng về hiệu lực của các giao dịch dân sự giả tạo. Cụ thể, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo sẽ vô hiệu, còn giao dịch thực chất vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp vô hiệu theo quy định khác của pháp luật. Điều này có nghĩa là giao dịch được thiết lập với mục đích giả tạo sẽ không có giá trị pháp lý và không tác động đến quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào giao dịch đó. Đồng thời, để bảo vệ quyền lợi của người thứ ba thì trong trường hợp các bên phát sinh giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó sẽ vô hiệu.

Hậu quả pháp lý của hợp đồng giả cách, theo Điều 131 BLDS 2015 quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận, trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả; bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó; Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Hệ lụy và rủi ro khi ký kết hợp đồng giả cách

Hợp đồng giả cách được thực hiện có thể vì nhiều lý do, có thể từ một bên hoặc cả hai cùng cố ý thoả thuận nhằm đạt được các mục đích kinh tế khác lớn hơn hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế, phí đối với Nhà nước. Tuy nhiên, khi tham gia vào hợp đồng giả cách, các bên có thể phải chịu các hệ lụy như:

Khi người mua và người bán thỏa thuận khai giá ảo trong các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản để giảm thuế sẽ dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm mà khi bị cơ quan chức năng phát hiện có thể sẽ tiến hành truy thu, xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị xử lý hình sự về tội trốn thuế theo quy định tại điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong trường hợp người bán, chuyển nhượng tài sản đã thực hiện nghĩa vụ của mình nhưng bên còn lại không đáp ứng các yêu cầu trong hợp đồng, nghĩa là tài sản đã thuộc về bên mua nhưng tiến vẫn chưa tới bên bán, thì các bản sẽ phải chịu nhiều thiệt hại, phát sinh thêm nhiều chi phí, tranh chấp, kiện tụng, vừa tốn thời gian và công sức, vừa thiệt hại về tài chính.

Đối với trường hợp cho vay tín dụng đen, các bên lập hợp đồng giả cách sang nhượng tài sản nhưng với mục đích thực sự là vay vốn. Hình thức này được thực hiện bằng việc công chứng tài sản đảm bảo với giá trị cao để hợp thức hóa khoản vay, sau đó, người cho vay bằng các biện pháp của mình, biến tài sản đó từ của người đi vay thành  của người cho vay. Đây là tình trạng diễn ra trong hoạt động cho vay có dấu hiệu tín dụng hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự xã hội cũng như gây thiệt hại nặng nề tài sản cho bên đi vay.

Khi có những căn cứ để xác định hợp đồng mua bán tài sản nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì theo quy định của BLDS, tòa sẽ tuyên hợp đồng này vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Vấn đề khó khăn là bên cho vay thường tiến hành thủ tục mua bán, chuyển nhượng đúng pháp luật, trong khi bên đi vay nhiều khi không có chứng cứ gì chứng minh chuyện mua bán, chuyển nhượng đó chỉ là giả tạo nhằm đảm bảo cho khoản vay.

Kiến nghị

Thiết nghĩ, bản chất của hợp đồng giả cách là một loại hợp đồng xác lập một giao dịch dân giả tạo nhằm che dấu một giao dịch dân sự khác, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, mỗi cá nhân, tổ chức khi đặt bút ký vào các hợp đồng, cần lưu ý tìm hiểu kỹ càng tránh rơi vào trường hợp bất lợi, vi phạm pháp luật, đảm bảo an toàn khi tham gia vào các giao dịch dân sự.

Đối với cơ quan nhà nước, cần ban hành các quy định điều chỉnh hợp đồng giả cách để bảo vệ quyền lợi cho người dân. Thực hiện tuyên truyền, phổ cập các quy định về vay vốn, thế chấp tài sản, cảnh báo nguy cơ sập bẫy tín dụng đen, truyền thông về hệ lụy nghiêm trọng để răn đe, hạn chế việc lao đầu vào các tổ chức tín dụng bất hợp pháp. Áp dụng các án lệ vào trong giải quyết tranh chấp về hợp đồng giả cách để tạo ra một môi trường công bằng, thống nhất trong việc xử lý các trường hợp liên quan.

Bổ sung quy định trong việc xác minh tính khách quan khi thực hiện công chứng, để việc chứng nhận tính xác thực của giao dịch không chỉ là chứng nhận các bên có thỏa thuận, xác lập giao dịch với nội dung thể hiện trên văn bản mà đối tượng và đặc điểm của tài sản các bên giao dịch cũng cần phải được kiểm tra, xác minh cụ thể trên thực tế.

Ngoài ra, cần nâng cao nghiệp vụ của công chứng viên và trách nhiệm của các Văn phòng công chứng. Khi thực hiện hoạt động công chứng, Công chứng viên phải biết rõ những gì các bên hướng tới, mong muốn đạt được khi tham gia giao dịch đúng như đối tượng đặc trưng của loại hợp đồng, giao dịch mà các bên giao kết.

Nam Kiên
Bạn đang đọc bài viết "Những rủi ro, hệ lụy khi ký kết “hợp đồng giả cách” và một số giải pháp ngăn chặn" tại chuyên mục Kinh nghiệm pháp lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin