Những nội dung cần làm rõ trong Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo

06/11/2018 10:15

(Pháp lý) - Án treo là một chế định pháp lý quan trọng, tiến bộ được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS), thể hiện rõ quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc áp dụng pháp luật hình sự, là sự kết hợp hài hòa giữa nghiêm minh và nhân đạo, nghiêm trị với khoan hồng. BLHS 2015 tiếp tục ghi nhận chế định án treo tại Điều 65 với nhiều sửa đổi, bổ sung mới; để việc hiểu, áp dụng chế định này được chính xác và thống nhất, ngày 15/5/ 2018, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo, Nghị quyết này thay thế Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Nghị quyết, chúng tôi thấy còn có những vấn đề cần hướng dẫn, điều chỉnh để áp dụng được thống nhất.

1. Những trường hợp không cho hưởng án treo

  Chế định án treo được quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015
Chế định án treo được quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015)

Để tránh trường hợp áp dụng tùy tiện pháp luật trong thực tiễn áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, pháp luật giới hạn các trường hợp luật định thì không được cho hưởng án treo. Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định những trường hợp không cho hưởng án treo đã mở rộng thêm nhiều trường hợp mà pháp luật nghiêm cấm không cho hưởng án treo. Trong đó bổ sung trường hợp người phạm tội nhiều lần, việc quy định trường hợp này tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, tác giả xin trao đổi một số ý kiến như sau:

Thứ nhất: Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP được ban hành nhằm hướng dẫn thi hành quy định của BLHS, điều đó đồng nghĩa nội dung của Nghị quyết này phải phù hợp với BLHS. Đối chiếu các quy định của BLHS thì thấy tình tiết “người phạm tội nhiều lần” được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và là tình tiết định khung tăng nặng trong BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); tuy nhiên BLHS 2015 đã không còn sử dụng tình tiết này mà được thay thế bằng tình tiết thể hiện rõ nghĩa là “người phạm tội 02 lần trở lên”. Mặc dù về nội hàm hai tình tiết trên có sự đồng nhất về nội dung và không gây nhầm lẫn trong thực tiễn áp dụng, tuy nhiên việc giữ nguyên nội dung ở văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực là không đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật, tạo sự “vênh nhau” giữa văn bản hướng dẫn thi hành với Luật được hướng dẫn. Vì vậy trong quá trình áp dụng cần phải có văn bản giải thích rõ nội dung 02 tình tiết này là một.

Thứ hai: Như đã phân tích, tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” có thể được sử dụng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS 2015) hoặc tình tiết định khung tăng nặng (quy định tại 81 Điều luật bao gồm: Điều 134; Điều 141; Điều 142; Điều 143…..). Tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP không phân định rõ là khi bị cáo bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay tình tiết định khung tăng nặng thì không được cho hưởng án treo. Về lý luận và thực tiễn thi hành đều áp dụng, khi bị cáo bị áp dụng tình tiết người phạm tội 02 lần trở lên không cần phân biệt là tình tiết định khung tăng nặng hay tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì Tòa án đều không được áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

Vấn đề đặt ra trường hợp người phạm tội thỏa mãn đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP trong đó người phạm tội có 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS và bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm g, phạm tội 02 lần trở lên thì có được cho hưởng án treo hay không? Áp dụng đúng theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP thì đây thuộc trường hợp không được hưởng án treo, vậy ở đây đang có sự mâu thuẫn trong cùng 01 văn bản quy phạm pháp luật giữa nội dung Điều 2 và Điều 3.

Mở rộng hơn có thể thấy đang có sự phân hóa giữa các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với nhau, cụ thể là các tình tiết: Có tính chất chuyên nghiệp, có tính chất côn đồ, Phạm tội 02 lần trở lên, Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm, Dùng thủ đoạn xảo quyệt. Khi người phạm tội bị áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự này thì sẽ không được cho hưởng án treo; còn nếu bị áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khác mà đáp ứng được các điều kiện tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP thì vẫn có thể được hưởng án treo.

Điều này thể hiện sự bất hợp lý. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS là các tình tiết phản ánh cách thức thực hiện tội phạm là phương thức, thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để thực hiện tội phạm. Phương thức thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện hoặc là tạo điều kiện cho người phạm tội thực hiện tội phạm dễ dàng, hoặc là làm tăng mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Do vậy không thể đánh giá là tình tiết này là tình tiết tăng nặng hơn tình tiết khác để không cho hưởng án treo, còn tình tiết khác thì có thể được hưởng án treo, thiết nghĩ vấn đề này cần được xem xét lại cho thật sự phù hợp.

Theo quan điểm của tác giả, các tình tiết nêu trên quy định tại Điều 3 chỉ được sử dụng làm căn cứ để không cho hưởng án treo trong trường hợp bị áp dụng là tình tiết định khung tăng nặng; còn nếu người phạm tội bị áp dụng các tình tiết trên là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 và thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP thì vẫn có thể được hưởng án treo.

2. Về thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách.

Về việc xác định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách tại khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP: “Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm”. Nội hàm điều luật được hiểu là trong quá trình xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm quyết định áp dụng hình phạt tù và không cho hưởng án treo. Tại giai đoạn phúc thẩm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, qua quá trình đánh giá xem xét, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định sửa bản án sơ thẩm và áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với vụ án, trong trường hợp này thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách được xác định kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.

TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên bị cáo Nguyễn Khắc Thủy 18 tháng tù treo về tội dâm ô trẻ em gây bức xúc dư luận
TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên bị cáo Nguyễn Khắc Thủy 18 tháng tù treo về tội dâm ô trẻ em gây bức xúc dư luận)

Các trường hợp sửa bản án sơ thẩm có thể được xác định là khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới (Xem khoản 1 Điều 357 BLTTHS 2015). Theo đó thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo hướng “Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo”. Như vậy, vấn đề đặt ra là khi thuộc trường hợp sửa bản án sơ thẩm do có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo đồng nghĩa với việc trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm có thiếu sót trong quá trình xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan vụ án dẫn đến không cho bị cáo hưởng án treo mà lẽ ra họ đủ điều kiện được hưởng; Tòa án cấp phúc thẩm phát hiện và khắc phục sai sót này bằng việc cho bị cáo hưởng án treo. Mặc dù xác định việc không cho hưởng án treo tại cấp sơ thẩm là sai sót, tuy nhiên theo quy định thì Tòa án cấp phúc thẩm xác định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách kể từ ngày bản án phúc thẩm được tuyên liệu có công bằng và đảm bảo quyền lợi cho bị cáo hay không, khi mà cơ quan tiến hành tố tụng sai sót nhưng hậu quả lại để bị cáo phải gánh chịu, trong nhiều trường hợp gây bất lợi cho bị cáo. Sự bất lợi này được thể hiện trong việc phạm tội mới trong thời gian thử thách, tính thời gian xóa án tích, ví dụ:

Ví dụ: Ngày 04/6/2018, bị cáo A bị tòa án sơ thẩm xử phạt 03 năm tù. Ngày 10/8/2018, Tòa án phúc thẩm xác định tòa án cấp sơ thẩm đã sai sót trong việc đánh giá xem xét nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo. Trong trường hợp này, bị cáo A đủ điều kiện được hưởng án treo và quyết định sửa bản án sơ thẩm xử phạt A 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 05 năm tính từ ngày 10/8/2018. Ngày 01/8/2023, A phạm tội mới; áp dụng theo khoản 5 Điều 65 BLHS 2015 thì A sẽ bị Tòa án buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới. Như vậy, nếu Tòa án cấp sơ thẩm không có thiếu sót trong nhận định, xem xét nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ đối với A mà áp cho hưởng án treo ngay từ ngày xử sơ thẩm là ngày 04/6/2018 thì ở lần phạm tội tiếp theo này, A sẽ không bị buộc thi hành hình phạt tù ở bản án trước.

Từ sự bất cập trên, thiết nghĩ trong nội dung quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP cần phải được chia làm 02 trường hợp cụ thể để đảm bảo sự công bằng, không gây bất lợi đối với người phạm tội, cụ thể khoản 3 Điều 5 cần được sửa đổi lại như sau:

“3.1 Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo vì có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

3.2. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo vì xuất hiện tình tiết mới thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm”

Tương tự lập luận trên, khoản 6, 7 Điều 5 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP cần phải được sửa lại nội dung xác định thời điểm bắt đầu thời gian thử thách như sau: “6. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm; 7. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm”.

3. Điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo

Điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo được quy định tại Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP là quy định mới được bổ sung nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 3 Điều 65 BLHS. Quá trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy điều luật hiện có nhiều điểm chưa rõ ràng, mâu thuẫn cần được hướng dẫn để bảo đảm sự áp dụng được thống nhất. Cụ thể:

- Thứ nhất: Tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết quy định: “1. Người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện sau:….” Vậy Tòa án nhân dân cấp huyện ở đây là Tòa án nhân dân huyện nào? Tòa án nhân dân cấp huyện nơi xét xử sơ thẩm hay Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị cáo cư trú. Thiết nghĩ vấn đề này chưa có quy định rõ ràng, nhưng cần phải được hiểu là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú.

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề này, cần phải làm rõ việc quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo được thực hiện có theo trình tự tố tụng tụng hình sự hay trình thủ tục nào riêng biệt. Bởi về mặt bản chất, quyết định rút ngắn thời gian thử thách này làm thay đổi nội dung quyết định của bản án. Theo quy định của pháp luật tố tụng, bản án sơ thẩm (hoặc bản án phúc thẩm) có hiệu lực và được thi hành thì nội dung các quyết định trong bản án này chỉ bị sửa lại theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo trình tự thủ tục tố tụng. Vậy thực tiễn sẽ xảy ra trường hợp Tòa án nhân dân huyện quyết định rút ngắn thời gian thử thách án treo (về mặt bản chất việc rút ngắn thời gian thử thách án treo đồng nghĩa việc “Sửa bản án”) của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh A xử phúc thẩm tuyên B 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm. Quá trình chấp hành án tại địa phương là huyện C (huyện C có thể là trực thuộc tỉnh A hoặc cũng có thể không trực thuộc tỉnh A), B có đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP. Khi đó TAND huyện C sẽ ra quyết định rút ngắn thời thử thách án treo đã tuyên tại bản án của TAND tỉnh A. Việc quyết định này liệu có “phá vỡ” mọi nguyên tắc trong tố tụng hình sự về thẩm quyền, trình tự, nguyên tắc tố tụng trong giải quyết vụ án hình sự hay không?

- Thứ hai: Cách thiết kế điều luật và nội dung tại khoản 2 và khoản 4 của Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP là không hợp lý, gây nhầm lẫn, khó khăn trong công tác nghiên cứu. Tại khoản 2 quy định “Mỗi năm người được hưởng án treo chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ 01 tháng đến 01 năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên”. Nội hàm khoản 2 quy định rất chặt chẽ về số lượng rút ngắn thời gian thử thách án treo, theo đó, khi đã chấp hành được ½ thời gian thử thách thì mỗi năm sau đó người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, mỗi lần rút ngắn trong khoảng thời gian từ 01 tháng – 01 năm. Dù được rút ngắn nhiều lần nhưng thời gian chấp hành thời gian thực tế phải đảm bảo là ¾ thời gian mà Tòa án đã tuyên. Có sự bất hợp lý từ nội dung đã phân tích bên trên. “Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên”. Việc quy định như trên sẽ dẫn đến cách hiểu thời gian thực tế chấp hành thời gian thử thách phải bằng ¾ thời gian thử thách mà Tòa án đã tuyên.

Giả sử A bị tuyên thời gian thử thách là 4 năm; thì dù được rút ngắn một lần hay nhiều lần thì Tòa án cũng phải tính toán làm sao thời gian chấp hành thực tế phải bằng 3 năm. Trường hợp Tòa án chỉ rút ngắn 6 tháng thì thời gian thực tế phải chấp hành là 3 năm 6 tháng như vậy là trái với quy định của khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP. Thiết nghĩ, trong thời gian tới cần phải sửa đổi theo hướng thay thế từ “là” bằng từ “ít nhất bằng” để việc áp dụng quy định trong thực tiễn đúng với tinh thần nội dung điều luật hướng tới.

Ngoài ra, quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP không có điều khoản loại trừ những trường hợp được áp dụng ngoại lệ. Tuy nhiên tại khoản 4 Điều 8 quy định: “Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách còn lại”. Nội dung quy định tại khoản 4 sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau:

Cách hiểu thứ nhất: Do cách thiết kế điều luật khi nội dung này được quy định độc lập tại một khoản riêng so với khoản 2 nên đây không phải là trường hợp loại trừ các quy định tại khoản 2. Điều đó đồng nghĩa khi áp dụng khoản 4 cụm từ “thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách còn lại” vẫn bị giới hạn theo quy định tại khoản 2 là thời gian rút ngắn này từ 01 tháng đến 01 năm và phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành thời gian thử thách ít nhất bằng ¾ thời gian thử thách Tòa án đã tuyên.

Cách hiểu thứ hai (đây là cách hiểu của tác giả): Khoản 4 Điều 8 là quy định loại trừ các quy định tại khoản 2 bởi nội dung đã thể hiện khi thuộc trường hợp đặc biệt là người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà đáp ứng đủ điều kiện tại khoản 1 Điều 8 thì họ có thể được Tòa án quyết định rút ngắn toàn bộ thời gian thử thách còn lại.

Có thể thấy do cách thiết kế điều luật không hợp lý gây khó khăn trong công tác đọc, hiểu và áp dụng pháp luật khi các quy định rời rạc giữa các nội dung có liên quan, quy định loại trừ lại được quy định riêng biệt khiến việc áp dụng sai tinh thần nội dung điều luật. Để việc áp dụng pháp luật một cách thuận lợi và hiệu quả, tác giả đề xuất gộp khoản 4 vào khoản 2 thành một khoản thống nhất, cụ thể khoản 2 Điều 8 được sửa lại thành: “Mỗi năm người được hưởng án treo chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ 01 tháng đến 01 năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách ít nhất bằng ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên.

Trong trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách còn lại.

Lập công là trường hợp người được hưởng án treo có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị trên 50 triệu đồng của nhà nước, tập thể, công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có sáng kiến được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng, xác nhận.

Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao”.

4. Hiệu lực thi hành

Điều 12 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định về thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là ngày 01/7/2018; và nghị quyết này thay thế Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP. Điều đó đồng nghĩa kể từ ngày 01/7/2018 các quy định tại Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP sẽ hết hiệu lực và sẽ áp dụng các quy định tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP. Vấn đề đặt ra là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội trước 0h00 ngày 01 tháng 7 năm 2018 nhưng thời điểm xét xử là sau 0h00 ngày 01 tháng 7 năm 2018 mà áp dụng các quy định tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP để giải quyết liệu có phù hợp?

Như đã phân tích bên trên, Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định về những trường hợp không cho hưởng án treo đã bổ sung thêm nhiều tình tiết so với khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP. Điều đó thể hiện quy định tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP sẽ gây bất lợi hơn với người phạm tội khi cùng thực hiện một hành vi. Đối với trường hợp, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội trước 0h00 ngày 01/7/2018 mà đối chiếu với các quy định tại Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP thì người phạm tội đủ điều kiện được hưởng án treo; tuy nhiên do người phạm tội bị đưa ra xét xử sau ngày 01/7/2018 nên Tòa án áp dụng các quy định tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP để không cho hưởng án treo là gây bất lợi cho người phạm tội và vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc áp dụng pháp luật theo hướng có lợi cho người phạm tội. Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội đã thể hiện việc áp dụng pháp luật trong thời điểm “giao thoa” giữa các quy định của luật cũ và luật mới thì phải áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội. Đối chiếu với trường hợp đặt ra, tại thời điểm phạm tội hành vi của người phạm tội chỉ phải gánh chịu hậu quả pháp lý mà luật quy định chế tài là hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, tuy nhiên trong quá trình xét xử do chính sách pháp luật thay đổi nên coi hành vi trên là nguy hiểm hơn và cần phải xử phạt hình phạt tù mới thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật là không phù hợp, theo quan điểm của tác giả thì việc xác định văn bản pháp luật áp dụng phải dựa trên ngày thực hiện hành vi phạm tội và ngày xét xử. Cụ thể: Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP được áp dụng kể từ 0h00 ngày 01/7/2018 đối với các hành vi phạm tội từ 0h00 ngày 01/7/2018; đối với hành vi phạm tội được thực hiện trước 0h00 ngày 01/7/2018 mà sau 0h00 ngày 01/7/2018 mới đưa ra xét xử thì chỉ được áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội; các quy định gây bất lợi cho người phạm tội thì không được áp dụng mà sẽ áp dụng các quy định tại Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP.

Ví dụ: Ngày 04/6/2018, Nguyễn Văn A thực hiện hành vi làm nhục người khác theo điểm a khoản 2 Điều 155 BLHS 2015. A có nhân thân tốt, có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, i, s tại khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. A bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm a khoản 2 Điều 155 BLHS 2015. Ngày 30/8/2018, A bị đưa ra xét xử, trong trường hợp này không được áp dụng Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP để không cho A hưởng án treo, mà cần phải áp dụng Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP để xem xét nếu có đủ điều kiện thì vẫn có thể cho hưởng án treo.

Nguyễn Xuân Bình - TAND tỉnh Bắc Ninh

Bạn đang đọc bài viết "Những nội dung cần làm rõ trong Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin