Những kết luận Thanh tra, Kiểm toán “gây bão”năm 2017 và mục tiêu năm 2018

(Pháp lý) - Năm 2017, hàng loạt kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước về BOT, cổ phần hóa DNNN, vấn đề quản lý và sử dụng công sản đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Và dự báo sẽ còn “nóng sốt” hơn vào năm 2018 khi cơ quan thanh tra, kiểm toán sẽ “sờ gáy” loạt “ông lớn” và những lĩnh vực kinh tế được cho là dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng.

Những kết luận thanh tra, kiểm toán “gây bão” năm 2017

Theo báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước hồi trung tuần tháng 10/2017, về quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, qua kiểm toán 22 dự án, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng, tương ứng giảm doanh thu 22.000 tỷ đồng. Cơ quan kiểm toán đồng thời phát hiện có 6/52 trạm thực hiện thu phí trước 14 năm 6 tháng, trong khi chưa đủ điều kiện thu phí, thu phí trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Toàn quốc có 31/87 trạm thu phí trên cùng tuyến không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm 70 km.

Phần lớn các dự án BOT đều nâng cấp, cải tạo đường cũ, nhưng thu phí cao gây bức xúc dư luận
Phần lớn các dự án BOT đều nâng cấp, cải tạo đường cũ, nhưng thu phí cao gây bức xúc dư luận)

Trước đó, vào tháng 9/2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố nhiều kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) tại Bộ Giao thông vận tải và một số tỉnh, thành. Tại những kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, phần lớn các dự án đầu tư theo hình thức BOT là cải tạo nâng cấp tuyến đường cũ nên càng tăng tình trạng dồn tích phương tiện giao thông ở những khu vực vốn đã đông đúc, không hướng đến việc mở rộng mạng lưới và phân làn giao thông hợp lý; lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết và giám sát thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thiếu chặt chẽ; nhà đầu tư đã lập, duyệt không đúng nhiều khối lượng, định mức, đơn giá trong dự toán công trình; việc thanh quyết toán xác định giá trị công trình dự án còn bất hợp lý, hầu hết các công trình dự án hoàn thành giai đoạn xây dựng đã đưa vào khai thác, thu phí đều chậm và chưa quyết toán theo đúng thời gian hợp đồng; kết quả huy động vốn thực hiện các dự án BT, BOT không đạt được mục tiêu đa dạng các nguồn vốn, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư; xác định phương án tài chính thiếu chính xác, nhất là phương án thu phí giao thông. Những bất cập đó, theo từng góc độ đều ảnh hưởng nhất định đến lợi ích nhà đầu tư, Nhà nước và đặc biệt là tạo áp lực về giá phí cao đối với người dân tham gia giao thông và chi phí hoạt động vận tải. Thực tế đã xảy ra một số vụ việc người dân bức xúc và tụ tập đông người phản đối đến nay chưa có hướng giải quyết dứt điểm.

Trả lời những ý kiến bức xúc của cử tri về những bất cập của BOT, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông) cho biết, khi ông đương chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, năm 2016, lúc tổng kết đánh giá các dự án BOT, phải khẳng định rằng chủ trương đầu tư BOT là đúng, phù hợp với tình hình ngân sách còn hạn chế trong khi nguồn lực xã hội còn nhiều, cần được huy động để đầu tư phát triển. "Tuy nhiên, huy động nguồn lực vừa qua có phải là huy động nguồn lực xã hội không?", ông Nghĩa hỏi rồi tự trả lời: "Thực chất các dự án BOT là huy động tiền từ ngân hàng, không khéo sẽ có các rủi ro tài chính rất lớn. Vì vậy, sau khi rà soát, từ giữa năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất tạm dừng, bây giờ chỉ cho phép đầu tư BOT ở các tuyến đường mới, chứ không cho phép đầu tư, nâng cấp ở các tuyến đường cũ, quan điểm là không tước đi quyền đi lại của người dân". Bây giờ đang tiến hành đẩy mạnh quyết toán và kiểm toán nữa thì sẽ rõ hết", ông Nghĩa nói.

Đánh giá về việc thực hiện các dự án BOT tại kỳ họp thứ tư Quốc hội vừa qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng cho rằng, phải khẳng định rằng đây là chủ trương rất đúng. Báo chí cũng cần nói mặt tích cực. Vừa rồi nói mặt tiêu cực nhiều, làm các nhà đầu tư BOT nản lòng. Cần xác định đây là kênh huy động nguồn lực xã hội, ở các nước cũng thế thôi. Quan trọng là ngăn chặn tình trạng lợi dụng BOT để làm không đúng, hay tình trạng "tay không bắt giặc". Làm sao thực hiện phải công khai, anh tham gia thì phải thực sự có nguồn vốn của anh. Tới đây phải làm cho BOT lành mạnh, để phát huy mạnh làm kênh huy động vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng, chứ không có cách nào khác đâu, vì ngân sách nào làm nổi.

Đầu tháng 11/2017, Văn phòng Chính phủ có thông báo truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để thực hiện các biện pháp hữu hiệu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là quản lý quá trình thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng BOT, BT. Triển khai các phương án xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện.

Liên quan đến việc định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, theo Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán tại 4 doanh nghiệp xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 491,5 tỷ đồng, xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm gần 6.400 tỷ đồng, giá trị thực tế doanh nghiệp tăng 7.000 tỷ đồng.

Một ví dụ rõ nhất đó là hồi tháng 10/2017, câu chuyện cổ phần hóa (CPH) Hãng Phim truyện Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm của dư luận, không chỉ bởi việc định giá thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam lừng lẫy một thời với giá 0 đồng, mà còn nhiều nghi vấn xung quanh việc sử dụng “đất vàng” sau cổ phần hóa. Khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng, giá trị doanh nghiệp của Hãng phim truyện được xác định ở mức 50 tỉ đồng.

Bàn về vấn đề CPH DNNN, nhiều chuyên gia cho rằng, trong suốt hơn 10 năm thực hiện CPH DNNN, khúc mắc lớn nhất luôn là xác định giá trị đất đai. Theo đúc kết của GS Đặng Hùng Võ, hành lang pháp lý về CPH DNNN cứ khoảng một năm rưỡi lại có một Nghị định, do chính sách không nhất quán và do việc thừa nhận đất thuê trả tiền hàng năm không đưa vào giá trị CPH, không tính giá trị lợi thế kinh doanh liên quan đến địa điểm vào giá trị thuê đất đã tạo kẽ hở lớn để nhiều DN lách. Theo đó, doanh nghiệp chọn hình thức thuê đất để được định giá đất bằng 0, kéo giảm giá trị DN. Và tiêu cực, tham nhũng bắt nguồn từ đây.

Về công tác quản lý tài chính, tài sản công, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, khi tiến hành kiểm toán tại 13 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều tồn tại, sai sót, trong công tác quản lý tài chính, tài sản công như: khai thác tài nguyên, khoáng sản khi chưa được cấp giấy phép, giấy phép hết hạn hoặc khai thác vượt công suất; chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lợi nhuận sau thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định. Các doanh nghiệp này còn để phát sinh nợ phải thu khó đòi, hàng hóa tồn kho, ứ đọng, kém, mất phẩm chất với giá lớn; hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả thấp, xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu, giá trị thực tế tài sản cố định, giá trị các khoản đầu tư tài chính không đầy đủ hoặc bàn giao tài sản không đúng thực tế dẫn đến xác định thiếu giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; quản lý đất đai lỏng lẻo, thiếu hồ sơ pháp lý, bị lấn chiếm. Phần lớn doanh nghiệp hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí còn sai sót, nhiều doanh nghiệp có bộ máy tổ chức cồng kềnh, năng suất lao động thấp.

Nhà, đất công sản, BOT và một loạt “ông lớn” DNNN tiếp tục vào “tầm ngắm” thanh tra, kiểm toán năm 2018

Theo kế hoạch kiểm toán năm 2018 vừa được Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành, một loạt dự án thực hiện theo hình thức BOT dự kiến sẽ được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư trong năm 2018. Cụ thể, đó là Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C theo hình thức hợp đồng BOT; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT; Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BOT và BT; Dự án Mở rộng QL1A đoạn Km368+400 (Nghi Sơn) - Km402+330 (Cầu Giát), tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An theo hình thức Hợp đồng BOT (bao gồm các hạng mục bổ sung) và Dự án Đầu tư xây dựng công trình nút giao khác mức tại điểm giao cắt QL48 với QL1 và đường sắt Bắc Nam theo hình thức Hợp đồng BOT; Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương. Cuối cùng, là Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh.

Bên cạnh các dự án thực hiện theo hình thức BOT, một loạt dự án đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng cũng nằm trong kế hoạch kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư, được dư luận quan tâm như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, tổng mức đầu tư ban đầu là 17.387 tỉ, sau tăng lên trên 47.000 tỉ đồng; Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc là 419 triệu USD, sau cũng đội vốn 250 triệu USD.

 Hãng phim truyện Việt Nam được dư luận quan tâm bởi những lùm xùm trong việc định giá khi cổ phần hóa
Hãng phim truyện Việt Nam được dư luận quan tâm bởi những lùm xùm trong việc định giá khi cổ phần hóa)

Trong năm 2018, KTNN cũng sẽ tiến hành kiểm toán Vietlott, MobiFone về việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Kế hoạch của ngành kiểm toán năm 2018 cũng nhắc tới một số ngân hàng là: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Trong khi đó, các Bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Tổng cục Hải quan, Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Y tế… sẽ được kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2017. Riêng Tổng cục Thuế, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2017 và Chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Về việc sử dụng vốn nhà nước và cổ phần hóa ở các doanh nghiệp Nhà nước, ngày 3/10/2017, tại buổi làm việc với KTNN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, để phục vụ Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016” và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”, đề nghị KTNN thực hiện kiểm toán sớm và tập hợp kết quả kiểm toán của các năm trước thuộc các lĩnh vực này, kịp thời cung cấp thông tin cho các đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH.

Đối với Thanh tra Chính phủ, năm 2018 cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thanh tra chuyên đề về công tác quản lý nhà nước về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế tại một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và một số địa phương. Phối hợp với Bộ Xây dựng thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về quy hoạch và quản lý xây dựng tại khu đô thị, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghiệp.

Thanh tra trách nhiệm của Bộ, Ngành Trung ương trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý vốn chủ sở hữu, cổ phần hoá, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; thực hiện đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng…

Đồng thời thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý nhà đất, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ tập trung thanh tra công tác quản lý, sử dụng nhà đất công, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, quản lý và khai thác đất đá, sỏi, vật liệu xây dựng (nhất là tại các khu vực sông); các dự án giao thông, thuỷ lợi, khu dân cư, khu đô thị, du lịch, chế xuất.

Hướng dẫn và tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng công tác chống thất thu thuế, quản lý nhà nước về thuế, việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp. Triển khai việc minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ quản lý; phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý các hành vi tham nhũng, trong đó tập trung vào lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao, thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại các cuộc thanh tra đã được bộ ngành, địa phương kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thông qua kết quả kiểm toán của 2 tháng cuối năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm được phát hiện tại các báo cáo kiểm toán. Chuyển hồ sơ hai vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Gồm vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ dầu khí Hoàng Ngân và vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và một số tổ chức cá nhân có liên quan trong quá trình đầu tư, xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát (DAP) số 2.

Theo kế hoạch thanh tra của Tổng Cục thuế, trong năm 2018, ngành thuế sẽ tập trung kiểm tra các lĩnh vực như ngân hàng, dầu khí, xăng, dầu, bệnh viện, hàng không, dược phẩm, du lịch, khách sạn, nhà hàng, casino, công ty xổ số, kinh doanh cảng biển, cảng hàng không,… Đây đều là các doanh nghiệp trong lĩnh vực có dư địa nộp thuế nhiều. Đáng chú ý, Tổng cục Thuế đã lưu ý các Cục thuế địa phương chú trọng thanh kiểm tra thuế với doanh nghiệp ở các ngành nghề kinh doanh mới, đặc thù phải kê khai thuế như: kinh doanh qua mạng, hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải Grab, Uber...

Nguyễn Hòa

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin