Những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát hoạt động khiếu nại, tố cáo.

19/03/2016 08:01

(Pháp lý) - Giám sát là chức năng hoạt động quan trọng của cơ quan nhà nước trong hệ thống các thể chế của mình; là phương thức để kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm đảm bảo việc thực hiện quyền lực nhà nước theo đúng mục tiêu định hướng đề ra và kiểm tra theo dõi xem có thực hiện đúng những điều đã quy định. Tuy nhiên hiệu lực hiệu quả của công tác này thời gian qua còn có những hạn chế. Bài viết sau đây sẽ phân tích và đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát hoạt động khiếu nại, tố cáo.

Thẩm quyền giám sát và vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên

Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính là hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước, do đó hoạt động này cũng phải được giám sát bởi những thiết chế chính trị- xã hội khác nhau. Theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo năm 2011, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là các thiết chế thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động khiếu nại, tố cáo.

[caption id="attachment_137207" align="aligncenter" width="410"]Hội nghị về xử lý đơn thư, tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng do Thanh tra Chính phủ chủ trì (Ảnh: Thanh tra Chính phủ) Hội nghị về xử lý đơn thư, tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng do Thanh tra Chính phủ chủ trì (Ảnh: Thanh tra Chính phủ)[/caption]

Theo quy định tại điều 66 Luật khiếu nại thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại....; khiếu nại do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận chuyển đến phải được người giải quyết khiếu nại xem xét, giải quyết và trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đã chuyển đơn biết kết quả giải quyết; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết đó thì tổ chức đã chuyển đơn có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết; cơ quan, tổ chức nhận được kiến nghị có trách nhiệm trả lời kiến nghị đó trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết.

Và theo Điều 44 Luật tố cáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận động viên nhân dân, hội viên của mình nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về tố cáo; giám sát việc thi hành pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo, ......; tố cáo do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận chuyển đến phải được người giải quyết tố cáo xem xét, giải quyết và trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định xử lý, phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức đã chuyển đơn đến biết kết quả giải quyết; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết đó thì tổ chức đã chuyển đơn có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo xem xét, giải quyết; cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm trả lời kiến nghị đó trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định xử lý.

Từ những quy định trên của Luật khiếu nại, Luật tố cáo, có thể thấy việc giao quyền cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc (Tổng Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh ...) giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là mong muốn của Nhà nước thu hút sự tham gia của xã hội vào quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo dân chủ và kỷ cương.

Hạn chế, bất cập

Trên thực tế hoạt động giám sát của các cơ quan, tổ chức đoàn thể do pháp luật quy định cũng đạt được kết quả trong một mức độ nhất định. Tuy nhiên, thực trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy chất lượng giám sát không cao, hoạt động giám sát còn mang nặng tính hình thức, chưa tạo ra nhiều chuyển biến tích cực.

Hoạt động giám sát công tác khiếu nại, tố cáo của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên hiện nay chưa chỉ ra được chỗ yếu, những nơi thiếu trách nhiệm, những nơi làm không đúng, nơi gây ra tham ô, lãng phí, tiêu cực. Nguyên nhân do có cả yếu tố chủ quan và khách quan: do quy định pháp luật chưa trao quyền đầy đủ cho họ, chưa tăng cường năng lực cho họ. Bên cạnh đó, có nhiều vấn đề chuyên môn Mặt trận Tổ quốc không thể giám sát được, như giám sát về công trình xây dựng, tài chính ngân sách … do năng lực còn hạn chế, bản thân người trực tiếp thực hiện hoạt động giám sát chưa có kỹ năng, chưa đủ trình độ, kiến thức chuyên sâu để thực hiện nhiệm vụ giám sát.

[caption id="attachment_137208" align="aligncenter" width="410"]MTTQ Việt Nam cùng các đơn vị phối hợp giám sát về lĩnh vực thuế tại Cục Thuế Hà Nội. (Ảnh:TH- nguồn ảnh dangcongsan.vn) MTTQ Việt Nam cùng các đơn vị phối hợp giám sát về lĩnh vực thuế tại Cục Thuế Hà Nội. (Ảnh:TH- nguồn ảnh dangcongsan.vn)[/caption]

Về chủ thể tham gia giám sát: Theo các quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền giám sát việc giải quyết tố cáo khiếu nại không chỉ được quy định cho riêng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên như trong quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo mà nó còn quy định cho nhiều chủ thể khác, nằm tản mạn ở nhiều văn bản pháp luật.

Các chủ thể khác tham  gia việc giám sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo theo qui định của pháp luật hiện nay còn có:  Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Ban thanh tra nhân dân và các tổ chức đoàn thể ; Và giám sát của các cơ quan báo chí .

Các chủ thể tham gia hoạt động giám sát được chia thành hai loại cơ bản là những chủ thể giám sát mang tính quyền lực nhà nước và các chủ thể giám sát không mang tính quyền lực nhà nước. Do có quá nhiều chủ thể có quyền thực hiện việc giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng sự phân định chức năng, nhiệm vụ giám sát của các chủ thể này chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Mặt khác, các quy định của pháp luật cũng không thể phân biệt được rạch ròi ranh giới giám sát của từng chủ thể, dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động giám sát. Có thể một vụ việc nhiều chủ thể cùng giám sát, mỗi chủ thể lại có thể có những kết luận khác nhau về vụ việc đó, khiến thông tin về giải quyết vụ việc không còn chính xác, độ tin cậy không cao, mang tính hình thức. Nhiều chủ thể giám sát nhưng lại thực hiện hoạt động giám sát riêng rẽ, không có sự phối hợp giữa các chủ thể, dẫn đến hiệu quả giám sát không cao.

Về nội dung công tác giám sát khiếu nại, tố cáo: Quy định của pháp luật hiện hành về nội dung giám sát khiếu nại, tố cáo còn chung chung và quá rộng trong khi năng lực của một số chủ thể giám sát chưa đủ để thực hiện công tác giám sát khiếu nại. Bên cạnh đó, việc giám sát đạt hiệu quả chưa cao còn là do bản thân người trực tiếp thực hiện hoạt động giám sát chưa có kỹ năng, chưa đủ trình độ, kiến thức chuyên sâu để thực hiện nhiệm vụ giám sát. Mặt khác, việc giám sát có hiệu quả hay không phụ thuộc một phần vào thái độ ứng xử của chủ thể bị giám sát. Thực tế cho thấy rằng, trong phần lớn các trường hợp, đối tượng bị giám sát không muốn bị giám sát, ngăn cản hoạt động giám sát, không tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát.

Pháp luật hiện nay cũng chưa quy định rõ khi thực hiện hoạt động giám sát thì phải làm rõ những nội dung gì, chủ thể nào thì được giám sát những nội dung nào, hậu quả là quá trình giám sát tổ chức thực hiện giám sát không hiệu quả, không ra được kết quả. Thẩm quyền thực hiện giám sát cũng quy định chồng chéo, dẫn đến tình trạng người này tưởng người kia làm nhưng thực tế chưa có ai làm.

Về phương thức giám sát:  Nhiều phương thức giám sát được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng các quy định lại chung chung, chưa cụ thể, chưa nêu rõ đặc thù của từng phương thức áp dụng cho từng đối tượng cụ thể, chưa nêu rõ điều kiện để tiến hành từng phương thức. Điều này dẫn đến tình trạng hàng loạt chủ thể đều có quyền giám sát nhưng sự giám sát không hiệu quả, không đạt được mục đích giám sát, hoặc bị bỏ qua.

Phương thức giám sát quy định tại Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, ngoài hình thức xem xét báo cáo, tổ chức đoàn giám sát, tiếp công dân (dành cho chủ thể là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội), thì một số chủ thể thực hiện hoạt động giám sát của mình qua hình thức chất vấn trực tiếp, bỏ phiếu tín nhiệm (dành cho chủ thể là đại biểu Quốc hội). Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức đoàn giám sát, kiến nghị giải quyết khiếu nại; Hội đồng nhân dân các cấp xem xét báo cáo, cử đoàn giám sát, kiểm tra, kiến nghị giải quyết khiếu nại; Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên của mặt trận (hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội cựu chiến binh …) thì nghiên cứu, hướng dẫn người khiếu nại đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại...; Thanh tra nhân dân tiếp nhận thông tin khiếu nại, phát hiện vi phạm pháp luật về Như vậy có sự chồng chéo trong quy định về phương thức giám sát, có đến ba chủ thể có thẩm quyền thực hiện phương thức “tổ chức đoàn giám sát” về giám sát tại địa phương là Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Nhưng pháp luật không quy định rõ đâu là sự khác nhau (về phạm vi, đối tượng, về nội dung, thẩm quyền giám sát …) giữa việc “tổ chức đoàn giám sát” của ba chủ thể trên. Quy định của pháp luật bất cập như vậy dẫn đến một thực tế là cùng một vụ việc cần giám sát, đôi khi có rất nhiều chủ thể thực hiện quyền giám sát làm ảnh hưởng đến công việc thường ngày của cơ quan bị giám sát.

Một số kiến nghị nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát hoạt động khiếu nại, tố cáo

Từ những bất cập, chồng chéo nêu trên, chúng tôi đề xuất một vài kiến nghị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác giám sát hoạt động khiếu nại, tố cáo nói chung và của Mặt trận Tổ quốc nói riêng.

Thứ nhất, cần hoàn thiện pháp luật về giám sát thực thi khiếu nại, tố cáo theo hướng qui định rõ nội dung, thẩm quyền, phương thức giám sát của mỗi chủ thể tham gia công tác giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ hai, cần có những quy định rõ ràng về trình tự các bước của quy trình giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng đơn giản, công khai.

Thứ ba, quy định về hiệu lực của các kết luận giám sát để đảm bảo các kết luận này thực thi đồng thời quy định chế tài đối với cá nhân, cơ quan không đáp ứng các kiến nghị, kết luận đúng pháp luật của cơ quan giám sát.

Liên quan đến quyền giám sát chức năng giám sát việc thực thi luật khiếu nại, luật tố cáo của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên, đề xuất cần hoàn thiện cơ chế để tăng cường, nâng cao hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc giám sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính nhà nước. Để thực hiện giải pháp này cần hoàn thiện pháp luật khiếu nại, tố cáo theo hướng tăng cường việc tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận vào hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính nhà nước như: Tăng cường tham gia các đoàn giám sát, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước, hoàn thiện chế độ trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước trong việc xem xét, giải quyết, thực hiện những kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời Mặt trận Tổ quốc và các thành viên cũng cần nâng cao năng lực của cán bộ đáp ứng yêu cầu giám sát các lĩnh vực chuyên sâu.

Qua những phân tích trên thấy được vai trò của các cơ quan giám sát trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên theo Luật khiếu nại, Luật tố cáo. Thực tế hoạt động giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở nước ta còn nhiều hạn chế, hiệu lực và hiệu quả chưa cao. Do đó việc hoàn thiện các quy định pháp luật về hoạt động giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là hết sức cần thiết đặc biệt là trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Thạc sĩ Đặng Thị Kim Ngân ( Ủy ban Kiểm tra Trung ương)

 

 

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát hoạt động khiếu nại, tố cáo." tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin