Những doanh nghiệp nào dự kiến sẽ dưới quyền quản lý của “siêu” Uỷ ban quản lý vốn nhà nước? N.M

Trong danh sách quản lý của "siêu" uỷ ban này dự kiến có cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)...

 Ông Nguyễn Hoàng Anh, cựu Bí thư Cao Bằng làm Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, cựu Bí thư Cao Bằng làm Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.)

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để thực thi việc thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tổ có 11 thành viên do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm tổ trưởng. Tổ phó thường trực là ông Nguyễn Hoàng Anh (cựu Bí thư Cao Bằng), Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tổ công tác còn có một số tổ phó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Kế hoạch và đầu Tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Các thành viên thuộc nhiều bộ ngành khác nhau, như Bộ Nội vụ, Tư pháp, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Tổ công tác được thành lập có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các công việc phục vụ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và kết thúc nhiệm vụ khi hình thành được bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Dự kiến, "siêu ủy ban" sẽ quản lý hơn 20 tập đoàn và tổng công ty nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực từ năng lượng, giao thông vận tải cho đến nông nghiệp, lương thực. Các tập đoàn này được quản lý bởi các bộ là Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và truyền thông.

Đáng chú ý, trong danh sách quản lý của "siêu" uỷ ban này có cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp được thành lập với chức năng tương tự như của ủy ban.

Cụ thể, danh sách các doanh nghiệp chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý: Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Bưu chính -Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông VTC, Tổng công ty viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam...

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong quý I/2018, Chính phủ sẽ công bố thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 được Chính phủ đưa ra lấy ý kiến tại phiên họp mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh ghiệp sẽ được tổ chức phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn đầu tư Nhà nước vào doanh nghiệp.

Theo Bizlive

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin