Những điểm đặc biệt trong công tác tố tụng một số đại án tham nhũng, chức vụ

08/09/2023 16:10

(Pháp lý) - Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; góp phần xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.

1-1693366313.png

Đáng chú ý, trong đó có nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết chặt chẽ giữa cán bộ Nhà nước với lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp tư nhân gây bức xúc trong dư luận nhân dân như: Vụ án “Chuyến bay giải cứu”, đại án Việt Á, và các vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), Cục Đăng kiểm Việt Nam,…

Nghiên cứu quá trình tố tụng các vụ án này, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm đặc biệt, cho thấy sự quyết tâm xử lý tội phạm tham nhũng với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” của Đảng, Nhà nước.

1. Nghiêm trị kẻ chủ mưu, trục lợi, truy đến cùng tội phạm tham nhũng, chức vụ

Một trong những điểm đặc biệt trong tố tụng vụ án Việt Á đó chính là việc Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị Viện KSND Tối cao phê chuẩn thay đổi tội danh đối với nhiều bị can, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bí thư  Hải Dương Phạm Xuân Thăng…

 Theo đó, Cơ quan Điều tra đã ban hành Kết luận điều tra, trong đó căn cứ vào tài liệu, chứng cứ trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thay đổi Quyết định khởi tố bị can đối với các đối tượng: Phạm Xuân Thăng - cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương từ hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, thành “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, thành “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự;

Các đối tượng Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Thanh Long ( cựu Bộ trưởng bộ Y tế) và Nguyễn Nam Liên thay đổi quyết định khởi tố bị can từ hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, thành “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự; Phạm Duy Tuyến từ hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, thành tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự; Trịnh Thanh Hùng từ hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, thành “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219, Bộ luật Hình sự và hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, thành “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự;…Ngoài ra có nhiều bị can khác bị thay đổi tội danh, đảm bảo nguyên tắc đúng người đúng tội, không bỏ sót, lọt tội phạm.

2-1693366319.jpg

Hai cựu Bộ trưởng và một cựu Bí thư tỉnh bị đề nghị truy tố trong vụ Việt Á (Từ trái qua: ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long và ông Phạm Xuân Thăng)

Việc thay đổi tội danh trong tố tụng hình sự được quy định tại các Điều 156, 236 và 298 Bộ luật Tố tụng Hình sự theo từng giai đoạn tố tụng. Cụ thể

Trong giai đoạn khởi tố: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra; ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố. (Điều 156 BLTTHS)

Trong giai đoạn truy tố: Viện kiểm sát có thể ra quyết định truy tố vụ án hoặc ra quyết định thay đổi, quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bị can. Ngoài ra, trong trường hợp nhận thấy tội danh đã khởi tố không đúng, Viện kiểm sát có thể trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. (Điều 236 BLTTHS)

Trong trường hợp vụ án đã bước vào giai đoạn xét xử: Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.  Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết. (Điều 298 BLTTHS)

2. Phân hóa trách nhiệm, miễn trách nhiệm hình sự đối với nhóm đối tượng thứ yếu, không có động cơ vụ lợi.

Có thể khẳng định, đây là điểm đặc biệt nhất trong tố tụng đại án Việt Á. Đồng thời cũng là chủ trương rất mới trong chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, trong kết luận điều tra vụ Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đề cập đến vai trò, trách nhiệm của hàng loạt nguyên lãnh đạo bộ, ngành và các đơn vị liên quan. Trong đó, có nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt và một số cá nhân khác.

Cụ thể, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời và quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức test xét nghiệm cho Việt Á. Những việc làm của ông Sơn đã giúp Công ty Việt Á trong việc sản xuất, kinh doanh test xét nghiệm, thu lợi trái phép, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Hành vi của ông Nguyễn Trường Sơn có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Sơn ký các quyết định cho Việt Á không phải là nhiệm vụ thường xuyên. Ông Sơn cũng không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á, không được hưởng lợi và không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.

Do đó, vận dụng các quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 29 Bộ luật Hình sự và điểm b, khoản 3, Điều 5 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán, cơ quan điều tra miễn trách nhiệm hình sự cho ông Nguyễn Trường Sơn.

Điểm c, khoản 2, Điều 29 Bộ luật Hình sự quy định: Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi.

Điểm b, khoản 3, Điều 5 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán quy định: Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra

Trong kết luận, CQĐT cũng xác định ông Huỳnh Thành Đạt cùng các cá nhân gồm: Thứ trưởng KH&CN Trần Văn Tùng, Nguyễn Đình Hậu (Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN); nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái và một số cá nhân khác có trách nhiệm liên quan nhưng  không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á, không được hưởng lợi và không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; chưa đến mức xem xét trách nhiệm hình sự. Cơ quan CSĐT Bộ Công an sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định về Đảng, chính quyền.

Có thể thấy, công tác tố tụng đại án Việt Á đã thể hiện rõ chủ trương nghiêm trị những người lợi dụng chức vụ quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định, đem lại lợi ích cho mình. Xem xét tha, miễn trách nhiệm hình sự và dân sự đối với nhóm đối tượng thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh và không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi.

3. Áp dụng nhiều biện pháp điều tra đặc biệt

Vụ án “Chuyến bay giải cứu” đã tạm khép lại với Bản án sơ thẩm dành cho 54 bị cáo về các tội: "đưa hối lộ," “nhận hối lộ," “môi giới hối lộ," “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ." Đây là vụ án thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội trong và ngoài nước bởi hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của các bị cáo, trong đó có nhiều bị cáo từng giữ chức vụ cao, phạm tội diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.

Theo dõi từ đầu phiên tòa tới khi HĐXX nghị án cho thấy, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu cán bộ Công an) là người liên tục kêu oan, không thừa nhận nội dung cáo trạng cáo buộc bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD của Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky).

Lý lẽ Hưng đưa ra là cơ quan tố tụng chỉ chứng minh được Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) đưa cặp cho Hưng mà không chứng minh được trong cặp có 450.000 USD. Hưng cho rằng cơ quan tố tụng chưa đủ chứng cứ đã buộc tội Hưng lừa đảo chiếm đoạt tài sản là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội.

Trên thực tế, việc đưa - nhận tiền trong các vụ án, nhất là việc đưa tiền trực tiếp nhằm mục đích che giấu hành vi khác, rất khó tìm được chứng cứ trực tiếp, trừ trường hợp bắt quả tang. Việc đưa - nhận tiền thường được tiến hành một cách kín đáo, tinh vi. Để chứng minh cho hành vi đưa - nhận tiền này, các cơ quan tố tụng thường sử dụng hệ thống chứng cứ gián tiếp, thông qua lời khai của bị can, bị cáo và những tài liệu khác chứng minh nguồn tiền, mối liên hệ giữa các bên…

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, bằng nhiều biện pháp tố tụng, các cơ quan tố tụng đã chứng minh sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, dựa trên hồ sơ, tài liệu thu thập được, dựa trên sự thuyết phục của các lời khai và sự logic của các chứng cứ…Đặc biệt, tại phiên tòa, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều các chứng cứ, lời khai người liên quan, dữ liệu camera an ninh quay lại cảnh Hưng nhận cặp da và các dữ liệu khác để chứng minh hành vi của cựu điều tra viên đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Có thể thấy, việc buộc tội và kết án các bị cáo trong vụ án được các cơ quan tố tụng dựa trên hồ sơ, tài liệu thu thập được, dựa trên sự thuyết phục của các lời khai và sự logic của các chứng cứ… đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

3-1693366319.jpg

Các bị cáo trong phiên toà sơ thẩm Vụ án “Chuyến bay giải cứu”

4. Phân hóa từng bị cáo theo mức độ phạm tội để tuyên hình phạt tương xứng

Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về căn cứ quyết định hình phạt, khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 298 Bộ luật Tố tung Hình sự 2015, Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện Kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện Kiểm sát đã truy tố. Điều này có nghĩa là với những hành vi mà Viện Kiểm sát truy tố, Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản nặng hơn hoặc nhẹ hơn so với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật.

Vận dụng các qui định trên của pháp luật, trong bản án sơ thẩm Vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hội đồng Xét xử đã phân tích một cách kỹ lưỡng những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của từng bị cáo để có mức hình phạt tương xứng, nhằm đảm bảo tính giáo dục, răn đe, đồng thời cũng thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước.

HĐXX nhận định, đối với các bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, Tô Anh Dũng… trong nhóm “Nhận hối lộ” là những người nhận hối lộ nhiều lần với số tiền rất lớn, đặc biệt lớn gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước và hình ảnh của đội ngũ cán bộ công chức. Do đó, 2 đối tượng này cần phải chịu hình phạt nghiêm, cao hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát mới đủ tác dụng giáo dục, răn đe loại tội phạm nguy hiểm này; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Do đó, Toà đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan tù chung thân (trước đó Viện kiểm sát đề nghị 18-19 năm tù); bị cáo Tô Anh Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, 16 năm tù (trước đó Viện kiểm sát đề nghị 12-13 năm tù) về tội “Nhận hối lộ”; bị cáo Hoàng Văn Hưng tù chung thân (trước đó Viện Kiểm sát đề nghị 19-20 năm tù) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đối với nhóm các bị cáo là những doanh nghiệp đưa hối lộ, Hội đồng Xét xử đánh giá hành vi phạm tội xuất phát một phần từ sự gây khó khăn, đòi hỏi, sách nhiễu, tạo ra cơ chế xin-cho của một số bị cáo trong các cơ quan Nhà nước.

Một số người mặc dù không muốn đưa hối lộ nhưng bị các bị cáo là cán bộ, công chức gây khó khăn, thậm chí có bị cáo còn đưa ra giá yêu cầu, đòi hỏi phải đáp ứng, phải chi tiền mới đề xuất cấp phép tổ chức chuyến bay. Nhóm các bị cáo này phần nào là nạn nhân của cơ chế xin-cho, văn hóa “phong bì," sự không minh bạch trong việc thực hiện công vụ do các bị cáo là cán bộ công chức tạo ra.

Để khuyến khích người dân tích cực tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cục, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, Hội đồng Xét xử quyết định giảm hình phạt cho các bị cáo trong nhóm đưa hối lộ và xem xét cho một số bị cáo được hưởng án treo.

5. Truy tố, xét xử đối với những bị cáo bỏ trốn

Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC),  là vụ án được đánh giá có nhiều điểm đặc biệt trong lịch sử ngành tư pháp, bởi thông thường, khi bị can/ bị cáo bỏ trốn, cơ quan tố tụng sẽ ra quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, trong đại án AIC, 8 bị cáo đã bỏ trốn ra nước ngoài, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã quốc tế đặc biệt, nhưng chưa có kết quả và đều bị truy tố, truy tố, xét xử và tuyên án vắng mặt, trong đó có bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC.

4-1693366319.jpg

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (hàng trên, ngoài cùng bên trái) cùng 7 đồng phạm đang bỏ trốn và bị xét xử vắng mặt.

Theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định nếu chưa xác định được bị can/bị cáo hoặc không biết rõ bị can/bị cáo đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra, truy tố hoặc chuẩn bị xét xử thì có thể tạm đình chỉ vụ án.

Tuy nhiên, trong trường hợp bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận; và nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử , thì Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo theo quy định tại Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Có thể thấy, trước đây, trong một số vụ án tham nhũng, tiêu cực, việc điều tra, xử lý gặp khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ, do có bị can và một số đối tượng liên quan bỏ trốn, việc truy nã chưa có kết quả, phải tạm đình chỉ điều tra đối bị can đó, như trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường (có 7 bị can bỏ trốn, trong đó có Bùi Quang Huy); vụ án xảy ra tại dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng (bị can Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Công thương)… Điều này khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến hiệu quả răn đe, trừng trị của pháp luật.

Tuy nhiên, trong một số vụ án tham nhũng tiêu cực xảy ra gần đây, với sự quyết tâm các cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt cả những đối tượng bỏ trốn. Cụ thể như trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử vắng mặt đối với 8 bị cáo, trong đó có đối tượng chủ mưu Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC bị tuyên phạt 30 năm tù giam.

Kết quả xử lý vụ án này sẽ mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác; là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật; là cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước.

Văn Chiến – Thái Dương
Bạn đang đọc bài viết "Những điểm đặc biệt trong công tác tố tụng một số đại án tham nhũng, chức vụ" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin