Những điểm cần lưu ý thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội từ 1.1. 2018

30/01/2018 23:11

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, trừ quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, có nhiều thay đổi đối với đối tượng đóng (BHXH), chủ sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động, chế độ thai, sản, điều kiện hưởng lương hưu… Đặc biệt, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định một số hành vi phạm pháp luật về BHXH sẽ bị xử lý hình sự có hiệu lực pháp luật từ 1.1.2018.

Đối tượng áp dụng đóng BHXH rộng hơn

Theo Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014: Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

Cán bộ, công chức, viên chức; Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

TS. Lê Văn Khảm - Vụ trưởng vụ BHYT (Bộ Y tế) trả lời phỏng vấn báo chị tại Họp báo định kỳ tháng 12/2017
TS. Lê Văn Khảm - Vụ trưởng vụ BHYT (Bộ Y tế) trả lời phỏng vấn báo chị tại Họp báo định kỳ tháng 12/2017)

Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều kiện được hưởng 75% lương bình quân sau khi nghỉ hưu

Từ 01/01/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75%. Đối với lao động nam, mức lương hưu 45%, lao động nam phải đóng đủ 16 năm; tới 2022 phải tham gia 20 năm BHXH mới được hưởng mức 45%. Muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm.

Nhà nước hỗ trợ người tham gia đóng BHXH tự nguyện

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo); 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.

Chế độ thai, sản theo hướng có nhiều lợi ích bà mẹ, trẻ em (Điều 30-41)

Thời gian áp dụng chế độ thai sản Có hiệu lực kể từ ngày đầu phụ nữ phát hiện mình có thai đến khi con ra đời và được đủ 12 tháng tuổi. Thời gian bầu, sẽ được nghỉ việc để được đi khám thai 5 lần. Mỗi lần như vậy sẽ được nghỉ 1 ngày công. Phụ nữ mang thai ở những vùng sâu, vùng xa thì sẽ được nghỉ phép 2 ngày cho mỗi lần khám thai. Trong thời gian thai kỳ 40 tuần, nếu có biến chứng: Sẩy thai, sinh non thai chết lưu,… sẽ xếp hết vào trường hợp đặc biệt. Và trường hợp này sẽ được hưởng chế độ ưu tiên như sau: Dưới 1 tháng nếu sẩy thai, nghỉ phép 10 ngày; Từ 1-3 tháng nếu sẩy thai, nghỉ phép 20 ngày; Từ 4- 5 tháng nếu sẩy thai, nghỉ phép 3-6 tháng;Từ 6 tháng nếu sẩy thai, nghỉ phép từ 6 tháng trở lên (tính tổng cộng cả các ngày nghỉ lễ, và tết và ngày nghỉ hàng tuần). Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội, vợ sinh con, cha được trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương cơ sở cho mỗi con. Ngoài ra, chồng đóng BHXH khi vợ sinh con thì cũng được nghỉ việc từ 5 đến 14 ngày cho phép theo chế độ thai sản…

Xử lý hình sự một số hành vi vi phạm về BHXH

Theo điều Điều 215, Tội gian lận bảo hiểm y tế quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm. Bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo Điều 214, Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015, các hành vi: Chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ BHTN lừa dối cơ quan BHXH; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, BHTN, gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định từ 6 tháxng trở lên, có thể bị phạt tù tới 20 năm, phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng./.

Phạm Sơn

Bạn đang đọc bài viết "Những điểm cần lưu ý thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội từ 1.1. 2018" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin