Những đạo luật quan trọng tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp sẽ được sửa đổi trong năm 2022

25/01/2022 10:26

(Pháp lý) - Theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, dự kiến trình Quốc hội thông qua 11 dự án Luật. Đáng chú ý, có nhiều dự án luật quan trọng, sẽ tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp sẽ được sửa đổi như: Luật Đất đai; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu… 

61-1642217023.jpg
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV

Sửa Luật Đất đai sẽ tập trung vào 11 nhóm chính sách

Theo tờ trình của Chính phủ, dự kiến phạm vi điều chỉnh được giữ nguyên như Luật Đất đai hiện hành, song sẽ sửa đổi, bổ sung 133/212 điều (chiếm 62,7%), giữ nguyên nội dung 79 điều của Luật Đất đai năm 2013) và bổ sung 14 điều mới.

Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 11 nhóm chính sách gồm: làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp phân quyền và cải cách thủ tục hành chính; phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất; hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để đảm bảo đồng bộ thống nhất với các pháp luật khác có liên quan;

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai; thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác;

image002-1642217081.jpg

Sửa Luật Đất đai sẽ tập trung vào 11 nhóm chính sách

Về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; hoàn thiện quy định về quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng các loại đất; hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai.

Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm: sẽ qui định chặt chẽ nhiều nội dung

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); các loại hình bảo hiểm thành 03 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ quy định chặt chẽ và cụ thể hóa hơn về Hợp đồng bảo hiểm; về Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; Bảo hiểm vi mô; Đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; Quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm và Quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm.

Theo các chuyên gia, việc xem xét tổng thể, sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm cho phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính đồng bộ với những thông lệ, quy định hiện hành quốc tế là hết sức cần thiết. Mặt khác, cũng tạo hành lang pháp lý tiến bộ nhằm tăng cường khả năng quản lý việc kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi của người kinh doanh và người tham gia bảo hiểm, đồng thời thúc đẩy thị trường, giúp doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phát triển…

Dự kiến Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (5/2022) và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2023.

Sửa Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp 

Cũng tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khoá XV, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Sở hữu trí tuệ (SHTT) là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vì tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế. 

Trải qua 16 năm thi hành từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này.

Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. 

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Điều này đã được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 

Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay với việc Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế hướng đến việc nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Những cam kết quốc tế này đòi hỏi việc nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 02 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm Chính sách đã được thông qua, bao gồm: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; Nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT; Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc doanh nghiệp nắm bắt và sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ mà cơ sở pháp lý quan trọng là Luật Sở hữu trí tuệ sẽ góp phần thêm tự tin để đương đầu với sức cạnh tranh mạnh mẽ đến từ các doanh nghiệp ở trong nước cũng như nước ngoài. Do đó, việc sửa đổi Luật SHTT trong giai đoạn hiện nay trở nên cần thiết hơn bao giờ hết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập.

Dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (5/2022).

Sẽ sửa đổi, bổ sung 8 luật liên quan đến hoạt động doanh nghiệp

Ngày 8/12, tại họp thứ sáu của Ủy ban Thường vụ Quốc, Thay mặt chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Dự thảo luật gồm 10 điều, gồm 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.

Đối với Luật Đầu tư công, sửa đổi theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo hướng phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; HĐND cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Luật Đầu tư sửa đổi thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: Dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Sửa đổi Luật Đấu thầu quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng: Việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực theo hướng “Nhà nước độc quyền trong vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng” và “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trong từng thời kỳ”.

Luật Doanh nghiệp bổ sung quy định “Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2, Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ”.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt bổ sung theo hướng giảm từ 5% đến 12% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành; từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước).

Về sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự quy định rõ căn cứ ủy thác xử lý tài sản, cụ thể: Trường hợp bản án, quyết định tuyến kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản.

Đánh giá về dự án này, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng dự án luật lần này có ý nghĩa quan trọng, là dấu mốc trong hoạt động lập pháp, thể hiện tinh thần lập pháp chủ động.

"Nếu như trước đây việc một luật sửa nhiều luật thường áp dụng đối với các luật trong cùng nhóm ngành, lĩnh vực có mối tương quan, nhưng dự án luật lần này có phạm vi sửa đổi rộng, lĩnh vực khác nhau. Đây sẽ là tiền đề cho sau này khi phát sinh vấn đề cấp bách cần phải sửa đổi trong luật, khi được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo độ chín thì có thể sửa đổi nhiều luật mà không cần đợi đến lúc sửa tổng thể toàn bộ dự án luật", đại diện VCCI nhấn mạnh.

Xuân Kiên
 

Bạn đang đọc bài viết "Những đạo luật quan trọng tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp sẽ được sửa đổi trong năm 2022" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin