Những cuốn sách “hé lộ” nghề báo

(Pháp lý) - Vũ Đức Sao Biển và Đức Hiển là hai nhà báo sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung. Đức Hiển quê ở Hà Tĩnh, Vũ Đức Sao Biển quê ở Quảng Nam. Không chỉ biết đến là những nhà báo trưởng thành, đa tài, họ còn là tác giả của những cuốn sách gây chú ý và đáng đọc về nghề báo…

“Phía sau mặt báo”: Bàn cờ mới thì luật chơi mới

Vũ Đức Sao Biển được biết đến là một nhạc sĩ, nhà văn, thầy giáo và hơn hết là một nhà báo. Ông viết nhạc tài hoa, viết văn uyển chuyển sinh động, viết báo chân thực, nhân văn… “Phía sau mặt báo” là một trong rất nhiều cuốn sách của ông, nhưng là một cuốn viết về nghề báo rất sâu sắc. Cuốn sách là những kinh nghiệm thực tiễn quý giá được đúc kết từ hơn 30 năm nghề báo của Vũ Đức Sao Biển. Những kinh nghiệm ấy được tác giả trao đổi thân tình cởi mở qua từng bài viết. Mỗi bài viết được đề cập đến một nội dung cụ thể của nghề báo giúp các bạn sinh viên ngành Báo chí và những người mới vào nghề học hỏi và trang bị thêm trong hành trang bước vào nghề của mình.

  “Phía sau mặt báo” là một trong rất nhiều cuốn sách của nhà báo Vũ Đức Sao Biển - một cuốn viết về nghề báo rất sâu sắc
“Phía sau mặt báo” là một trong rất nhiều cuốn sách của nhà báo Vũ Đức Sao Biển - một cuốn viết về nghề báo rất sâu sắc)

Đọc “Phía sau mặt báo” thấy những tâm tình, chân thật của nhà báo được sinh ra ở mảnh đất cay nồng, vất vả Quảng Nam: "Tôi tự hào đã đi qua bốn tờ báo lớn, đã học được nhiều kinh nghiệm về ít nhất ba loại hình báo chí khác nhau. Tôi muốn ghi lại những kinh nghiệm này để chia sẻ cùng với các bạn đọc là sinh viên báo chí, nhà báo trẻ mới vào nghề. Đó là lý do chính để quyển sách này ra đời"

“Phía sau mặt báo” chứa đựng nhiều tâm sự chân thật, những mong mỏi của một người viết báo có trách nhiệm như nhân hậu hơn và sẵn sàng đấu tranh để làm điều đó thông qua những câu chuyện rất cụ thể: Huỳnh Bá Thành là bạn học thời trung học với tôi. Tôi nói chuyện với Thành một cách thẳng thắn, thoải mái và không bao giờ che giấu những suy nghĩ thầm kín của mình. Tôi nói thẳng với Thành, đề nghị báo nên có một cách viết nhân hậu hơn. Năm 1992, Thành lên làm Tổng Biên tập. Anh đột ngột qua đời sau một cơn nhồi máu cơ tim đầu năm 1993. Một người khác được đưa lên làm quyền Tổng Biên tập. Ông cất nhắc tôi lên làm Phó Ban Thư ký Tòa soạn. Thế nhưng, tôi cảm thấy có nhiều điểm bất đồng với ông. Ngày 14/7/1993, tôi nộp đơn xin nghỉ việc. Tôi đi khỏi báo sau năm năm tròn, cũng không có một tờ giấy xác nhận quá trình công việc gì cả...

Đó cũng là những phút vấn lại, rồi trải lòng chính mình của một trí thức giỏi và nhạy cảm như Vũ Đức Sao Biển: “Có người chê tôi ngu dốt, sống theo kiểu khẳng khái xằng của một anh Quảng Nam cổ hủ. Có người khen tôi trực tính, chịu chơi dám bỏ công việc. “Chí ta ta biết, lòng ta ta hay” - tôi tự nhắc nhở mình như vậy. Tôi không đáng bị chê cũng không đáng được khen. Tôi chỉ làm điều mình cần làm và muốn làm…”. Bởi viết bằng giọng thật thà, bằng cách nhìn thẳng thắn nên những trang viết rất dễ đi vào lòng bạn đọc.

Đó cũng là hành trình mà Vũ Đức Sao Biển đi và đến với những tờ báo: Năm 1997, tôi tạm biệt báo Thanh Niên, về báo Pháp Luật thành phố. Đời tôi đã có ngày nào học một chữ về khoa luật đâu? Thế nhưng, tôi tin vào chính mình. Tôi mong mình như một cầu thủ chuyên nghiệp, đá câu lạc bộ nào cũng được và đá ở vị trí nào trên sân cũng được. Nhà nho đã từng nói: “Một pháp thông thì vạn pháp thông”.

Báo nào cũng là báo, bàn cờ mới thì luật chơi mới. Vậy thôi.

Chia sẻ về lý do viết sách, ông nói khiêm nhường: Tôi viết tập sách này như một cách tâm sự và gửi gắm niềm tin vào các em, vào những đồng nghiệp trẻ và năng nổ hơn chúng tôi. Nghề báo là một nghề tốt đẹp, vinh quang nhưng cũng rất gian khổ. Mà nghĩ cho kỹ, nghề nào mà không có gian khổ riêng của nghề ấy nhỉ? Các em đang tiếp tục làm cái nghề vinh quang nhưng gian khổ ấy. Tôi viết tập sách này như một cách trao đổi thêm với các em về một số kinh nghiệm báo chí. Có thể các em đã có khá nhiều kinh nghiệm và những kinh nghiệm ấy tiên tiến hơn kinh nghiệm của thời chúng tôi làm báo.

Ông nhấn mạnh “Trường học của nhà báo là những trang báo cụ thể”: Tôi là nhà báo thuần nghiệm, không được học qua một trường nghiệp vụ báo chí nào, kể cả một khóa ngắn ngày. Nói thật là tôi rất ghét những khóa bồi dưỡng mà đa phần những người chưa hề viết một bài báo, không hiểu báo chí là gì lại... đứng dạy người ta làm báo. Báo chí là tác chiến cụ thể. Cái học để làm báo, để trở thành nhà báo giỏi là cái học lâm sàng. Ta phải học trong từng tin, từng bài. Ta phải học với những đồng nghiệp của mình. Trường học của chúng ta là những trang báo cụ thể. Những điều tôi trao đổi với các em xuất phát từ trái tim của một nhà báo muốn được sống trung thực với bạn đọc của chính mình.

Điều làm những người đọc sách ông thêm kính trọng ông là ông rất khiêm nhường khi bày tỏ lý do viết sách: “Tôi gọi các em là đồng nghiệp. Ở đây, không có ai truyền đạt kinh nghiệm cho ai; ở đây đơn thuần chỉ là trao đổi thêm về kinh nghiệm nghề nghiệp. Hoàn toàn không có thái độ cao đạo, dạy khôn”.

“Nhà báo điều tra”: Gan góc nghề báo

Sách viết về nghề báo nhất là về việc làm báo điều tra của Việt Nam không nhiều. Một số trong đó khô khan, giáo điều và thiếu tính thực tế. Khác với những nhà báo khác, Đức Hiển dấn thân vào nghề rất sớm. Anh tạo dấu ấn với những phóng sự như “Dọc đường mãi lộ”, “Tôi đi tìm Bao Công”, “Tận đáy xã hội”. Phóng sự của Đức Hiển đã gây được tiếng vang, khiến Bộ Công an từng phải yêu cầu cán bộ công an các địa phương chấn chỉnh hoạt động, giúp nhiều người được giải oan, phản ánh chân thực những góc khuất của xã hội… Chính vì vốn kinh nghiệm điều tra phong phú đó nên khi Đức Hiển viết sách “Nhà báo Điều tra” rất chân thực. Người đọc được anh dẫn dắt đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác và cả những chuyện hậu trường không thể tìm thấy trên báo.

 Cuốn sách “Nhà báo điều tra” của nhà báo Đức Hiển
Cuốn sách “Nhà báo điều tra” của nhà báo Đức Hiển)

Những trang sách của cuốn “Nhà báo điều tra” là những câu chuyện kể hóm hỉnh, thông minh, và không kém phần gay cấn về điều tra nhập vai thông qua những lần nhập vai cụ thể của tác giả. Đáng chú ý là câu chuyện vào năm 2002, tác giả cùng các phóng viên Thái Bình và Nguyễn Tập nhập vai để thực hiện phóng sự “Tận đáy xã hội”. Các phóng viên hóa thân hay còn nói là điều tra nhập vai để xâm nhập viết về cuộc sống của những người lang thang, cuộc sống lề đường, những tệ nạn họ tham gia để có tiền sống, quy luật hè phố, lằn ranh mỏng manh giữa cuộc sống lề đường và tội phạm, lý giải về những người bỏ nhà ra đi và chọn kiếp sống vỉa hè… Đức Hiển viết: “Nhập vai là việc cải trang, hóa thân thành một nhân vật và thân phận khác nhằm xâm nhập, thu thập tư liệu cho một đề tài báo chí. Nó được dùng chủ yếu cho các phóng sự điều tra xã hội hoặc điều tra chống tiêu cực… Nhà báo nhập vai phải biết quan sát để chống ăn đòn. Tiếp đến là luôn chuẩn bị phương án dự phòng, biết giới hạn tác nghiệp và phân công kết nối thông tin. Nhà báo nhập vai tức là không chỉ nhập vai với một cái tên giả mà phải hiểu rõ về cái mình sẽ diễn”. Đó là những đúc rút để đời cho những nhà báo thật sự muốn dấn thân, điều tra những đề tài lớn.

Đó là những câu chuyện kể về sự cố gắng hết mình của nhà báo hay những câu chuyện kể về sự bất lực của nhà báo vì không phải vụ việc nào cũng được giải quyết đến nơi đến chốn. Đức Hiển viết loạt phóng sự điều tra “Tôi thử làm Bao Công”, bài 1 về “Người đi kiện cố cùng” về trường hợp của anh Nguyễn Linh Thanh bằng mọi cách muốn đề nghị các cấp, các ngành xem lại bản án của gia đình mình. Anh Thanh chọn cách xích mình trước cổng nhà Chánh án Tòa án tối cao Trịnh Hồng Dương. Còn nhà báo Đức Hiển vừa can ngăn, vừa viết về anh Thanh. Đức Hiển tìm mọi cách để tiếng nói, khát khao của anh Thanh đến được với những người có tiếng nói, nhưng bất lực là kháng nghị mấy tháng sau mới được xét đến, nỗi oan của Thanh không được giải quyết. Nhân vật bần cùng hóa lang bạt làm thuê, nhà báo mãi mang những nỗi niềm day dứt cho số phận của nhân vật của mình. Ngoài những trăn trở, thương cảm với nhân vật, qua câu chuyện người đọc hiểu thêm, chia sẻ thêm với nhà báo, đó là cảm giác bất lực vì nghề, vì sự chuyển động của xã hội còn quá chậm chạp so với thực tế.

Trong “Nhà báo điều tra”, Đức Hiển còn nói thật với bạn đọc về những tai nạn nghề nghiệp. Đó là những lần vì thiếu nhạy cảm với câu chữ, đưa chữ mà không chứng minh được chữ nên anh bị rút thẻ nhà báo, đó là những lần bị kiện ra tòa đòi bồi thường… Nhưng câu chuyện không bị đẩy đi theo nghĩa hoàn toàn cay đắng. Sau lần bị rút thẻ, Đức Hiển kể chuyện: Vào cơ quan, nộp thẻ nhà báo xong, tôi chán tận cùng ra cà phê Hồ Kỳ Ḥa ngồi. Giữa lúc đó thì TBT Nam Đồng gọi đến gặp và chia sẻ: “Tôi biết ơn ông Nam Đồng, cái cách mà ông chia sẻ và cười ha hả đó , nó có tác dụng hơn ngàn liều thuốc an thần, ngàn lời an ủi thông thường…”. Qua những trang viết chân tình và cởi mở, Đức Hiển cho bạn đọc hiểu làm báo điều tra có những thách thức như thế.

“Đừng chờ ai lên tiếng hộ mình”: Lên tiếng là sứ mệnh của nhà báo

Cùng với những phóng sự điều tra, người đọc biết đến Nhà báo Đức Hiển với nhiều bài báo góp ý xây dựng cho cải cách tư pháp và hoàn thiện pháp luật như

“Chỗ ngồi của Luật sư”, “Bị cáo mặc áo tù”, “Khi phố mặc áo làng”, “Cái còng trong xã hội pháp quyền” … Những tác phẩm báo chí in lẻ trong cuốn “Đừng chờ ai lên tiếng hộ mình” tiếp nối những nội dung ấy...

Trong những trang giới thiệu cuốn sách “Đừng chờ ai lên tiếng hộ mình”, Đức Hiển viết: Đã gần 20 năm nay, ngoài những bài báo ngày nào tôi cũng viết 300 – 500 chữ. Cái gì khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất trong ngày thì tôi ngồi viết về nó, nghiêm túc như khi viết báo. Ban đầu là để tập suy nghĩ nghiêm túc về những điều mình nghe và thấy, lâu dần thành thói quen. Và rồi những suy nghĩ được viết ra như thế lại thành bài báo, với một khoảng cách của sự suy nghẫm, chiêm nghiệm. Với tôi viết cũng là cách góp phần tạo nên và bộc lộ sự bình đẳng. Mỗi người có thể khác nhau về sự giàu nghèo và vị trí xã hội nhưng ai cũng bình đẳng với nhau về quyền suy nghĩ. Vì vậy, từ những chuyện nhỏ đến chuyện lớn, đừng đợi ai lên tiếng hộ mình.

 Cuốn sách “Đừng chờ ai lên tiếng hộ mình” của nhà báo Đức Hiển
Cuốn sách “Đừng chờ ai lên tiếng hộ mình” của nhà báo Đức Hiển)

Những trang viết về “sự vô lý có thật” là những bài viết như “Khuyết điểm không uống bia”, “Khi chính quyền lạm quyền”, “Huyện Ba Vì vì thiếu cái gì”, “Dân trắng tay… đúng quy trình”, “Vì sao cá chết?”, “Khi nỗi sợ hãi lên ngôi”…. Là thực tế xã hội với những vấn đề vô lý nhưng vẫn tồn tại, được biện minh là đúng, là phải. Những trang viết Qua ô cửa phòng xử án là những bài viết về pháp luật: “Không nên triển lãm tội ác”, “Luật pháp vô tình”, “Giọt nước mắt của cha mẹ Hồ Duy Trúc”, “Tội phạm có sợ dân”, “Đêm trước tội ác”, “Không tâm phục, khẩu phục”, “Cũi, xích và thảm án”, “Bánh mì và nghìn tỉ”… Đó là những bất công, vô lý chậm khắc phục.

Nếu như cuốn “Nhà báo điều tra” nặng về tác nghiệp nhà báo thì “Đừng sợ ai lên tiếng hộ mình” nặng về nỗi lòng nhà báo. Nó không phải là những tác phẩm báo chí đơn thuần, nó mang những tâm trạng sâu sắc. Dường như với Đức Hiển viết là cách để anh lên tiếng trước cái xấu, không im lặng trước bất công, không im lặng trước nỗi đau, giữ lại những kí ức đẹp để tâm hồn không bị cằn cỗi, để tâm hồn nở hoa… Là nhà báo lâu năm, anh hiểu “chúng ta không hy vọng sau mỗi bài viết những bất công, vô lý và những điều gây bức xúc cho xã hội có thể biến mất hoặc thay đổi ngay được. Nhưng nếu chúng ta im lặng thì nó sẽ còn mãi đấy. Thậm chí sẽ tồn tại đến lúc được chấp nhận và trở thành điều hợp lý, nó sẽ tàn phá những giá trị mà mỗi người mong muốn xây dựng. Vậy lên tiếng trước điều đó còn là một nghĩa vụ”. Đáng quý hơn, Đức Hiển dùng toàn bộ lợi nhuận của cuốn sách để thực hiện những hoạt động từ thiện cho người dân miền Trung mà bấy lâu nay anh theo đuổi.

Minh Hải

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin