Nhìn từ góc độ khoa học về thực tiễn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Thủ Thiêm và Đồng Tâm

02/06/2020 06:16

Tọa đàm “Quản lý Nhà nước (QLNN) về đất đai từ thực tiễn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) về đất đai ở Thủ Thiêm và Đồng Tâm” đã có bình luận về những sai phạm trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất; đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật về những vấn đề đặt ra từ công tác QLNN về đất đai được phát hiện qua hai cuộc thanh tra mà dư luận rất quan tâm.

Nhìn nhận vấn đề lịch sử để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và người dân

Những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian gần đây luôn gây bức xúc trong dư luận. Qua công tác thanh tra, giải quyết KN, TC, Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, thành phố đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến hoạt động QLNN về: Vi phạm quản lý đất đai về chậm đưa đất và sản xuất, sử dụng đất sai mục đích… dẫn đến đất bị lấn chiếm, thất thoát, lãng phí. Có thể nói, nhiều vấn đề về QLNN về đất đai đang đặt ra và có thể được bình luận ở nhiều góc độ khác nhau.

Từ góc nhìn khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra đã tổ chức Tọa đàm khoa học “QLNN về đất đai từ thực tiễn thanh tra, giải quyết KN, TC về đất đai ở Thủ Thiêm và Đồng Tâm” vào sáng 29/5 tại Hà Nội, đề cập tới cuộc thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất từ trước đến nay với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và thanh tra công tác QLNN và thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh).

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Kim, nguyên quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra vụ Đồng Tâm chia sẻ, việc QLNN về đất đai ở Đồng Tâm có nhiều hạn chế, bất cập thể hiện ở một số nội dung, cụ thể: Quá trình bàn giao đất giữa quân đội và các đối tượng bị thu hồi, việc bồi thường, đền bù thực hiện thiếu chặt chẽ, lại được tiến hành qua nhiều đợt, biên bản, hồ sơ, tài liệu thiếu, phản ánh không đầy đủ, nên khi tiến hành thanh tra, việc xác minh gặp rất nhiều khó khăn; sau khi đã nhận bàn giao xong đất, các đơn vị quân đội cũng không kịp thời tiến hành làm các thủ tục đề nghị cơ quan QLNN cấp đất theo quy định, việc cắm mốc giới chưa kịp thời, việc quản lý đất còn sai phạm. Mặt khác, một số cán bộ UBND xã Đồng Tâm đã có nhiều vi phạm, buông lỏng quản lý để các hộ dân xây dựng trái phép trên đất quốc phòng, xác nhận hồ sơ thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng trái thẩm quyền…

Ông Nguyễn Văn Kim, Nguyên Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: L.A

“Từ tháng 12/2013 đến nay, công dân Đồng Tâm có nhiều TC về vi phạm của cán bộ địa phương, nhiều nội dung TC đúng. Mặc dù các cấp chính quyền có cố gắng xem xét, giải quyết xong việc tiến hành chưa thật kịp thời, kéo dài, có nội dung còn qua nhiều cấp giải quyết. Sau khi giải quyết đã kiến nghị để cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm nhiều người, song một số trường hợp người dân vẫn chưa đồng tình. Việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn về các biện pháp giải quyết TC, xử lý người vi phạm chưa tiến hành sâu rộng, nên sức thuyết phục chưa cao”, nguyên quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng, riêng đối với vụ việc Đồng Tâm, từ năm 80 chúng ta đã xác nhận sở hữu đất đai là của toàn dân; những hướng dẫn về đất đai toàn miền cũng có sự khác nhau. Vì vậy, chúng ta phải gạn đục khơi trong tìm những minh chứng có thật và minh chứng ngụy tạo. Khi không làm rõ được về mặt hành chính thì chúng ta phải xem xét về mặt thực tiễn, tức là phải đi kiểm tra mốc giới thực địa, điều tra, đo đạc, quan trắc…

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, mấu chốt cuối cùng là phải đặt người dân lên trên, phải xác định được việc người dân đã đồng thuận hay chưa?

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đăng Duấn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa quan điểm, vấn đề cần bàn bạc hiện tại là về quản lý đất đai, thông qua hai vụ việc này. Không phải là người trực tiếp làm nhưng qua theo dõi, ông Duấn nhận thấy, vấn đề QLNN về đất đai đều buông lỏng, có những việc đáng ra phải làm nhưng lại lại không hề đụng tới. Trong các tài liệu đều khẳng định đây là đất quốc phòng, chứ không phải đất được khai hoang hay thuộc trường hợp có thể cấp đất cho người dân sử dụng lâu dài trên đó. Nhìn nhận vấn đề lịch sử ở đây là để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước cũng như người dân.

Đồng ý kiến khi cần xét về yếu tố lịch sử, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Thanh tra thành phố (TP) Hà Nội, thành viên đoàn thanh tra vụ việc Đồng Tâm cung cấp thêm thông tin tại Tọa đàm, vụ việc ở Đồng Tâm là từ những năm 1980, nên việc giao đất chưa bài bản do chưa có quy định cụ thể. Nếu sử dụng luật hiện tại áp dụng cho vụ việc sẽ gặp không ít khó khăn. Trong quá trình thanh tra, Thanh tra TP Hà Nội đã tìm rất nhiều tài liệu liên quan từ Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân hay kể cả từ nguồn ở người dân lớn tuổi. Tuy nhiên, người dân đi đòi đất nhưng lại không hề cung cấp được tài liệu chứng minh là cơ quan đã cấp đất cho người dân hay sở hữu của người dân, cũng không đưa ra được tài liệu là họ đã chiếm hữu.

Cần xem xét lại mức giá bồi thường và bố trí tái định cư cho người dân

Ông Đinh Đăng Lập, thanh tra viên cao cấp, Vụ I, Thanh tra Chính phủ, thành viên đoàn thanh tra; thành viên Tổ công tác thực hiện rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm, thành viên Tổ công tác phục vụ tổ chức đối thoại, chia sẻ, về nội dung KN, TC tại KĐTM Thủ Thiêm, người dân cho rằng thu hồi đất của UBND TP Hồ Chí Minh là không đúng quy định, thu hồi ngoài ranh quy hoạch theo Quyết định số 367/TTg ngày 04/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị kiểm tra 160 ha tái định cư; xem xét lại mức giá bồi thường cho các hộ dân và xem xét bố trí tái định cư.

Về nguyên nhân dẫn đến các sai phạm, theo ông Lập, công tác QLNN về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, việc thực hiện của các cấp các ngành còn nhiều thiếu sót, công tác chỉ đạo điều hành còn lúng túng, thiếu đồng bộ và không tuân thủ pháp luật; công tác thanh tra, kiểm tra cho tới công tác tuyên truyền vận động nhân dân tuân thủ pháp luật chưa được thường xuyên, kịp thời. Bên cạnh đó, tình trạng chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, việc giao đất, cho thuê đất còn chưa thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập, giá đất được xác định chưa sát giá thị trường; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư triển khai còn chậm, chưa đúng quy định của pháp luật…

Từ đó, ông Đinh Đăng Lập đưa kiến nghị, rà soát, hoàn thiện để tiếp tục thực hiện quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm, trong đó có 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 theo đúng quy định của pháp luật; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng quỹ đất sạch để thực hiện việc thanh toán cho các dự án BT nói chung và KĐTM Thủ Thiêm nói riêng. Đồng thời thu hồi và hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm đến thời điểm 30/9/2018; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm là 4.286.255 triệu đồng.

Bên cạnh đó, cần kiểm tra, rà soát các dự án đã có chủ trương và ký hợp đồng thực hiện dự án có sử dụng đất với các nhà đầu tư nhưng chưa giao đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định; sớm tiến hành tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án lựa chọn nhà đầu tư đối với 55 lô đất còn lại, trong đó, có bao gồm các lô đất đã được UBND TP có thông báo dừng chủ trương thanh toán cho các dự án BT trong và ngoài KĐTM Thủ Thiêm (như: Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Cầu Thủ Thiêm 4, kè bờ sông Sài Gòn…)

Ngoài ra, cần rà soát từng trường hợp cụ thể người dân đang KN, đặc biệt là các hộ dân nằm trong khu vực khoảng 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch thuộc Kkhu phố 1, phường Bình An, quận 2 để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phù hợp cho người dân, sớm chấm dứt KN.

Ông Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra. Ảnh: L.A

Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra Nguyễn Quốc Văn kết luận, góp phần thành công cho buổi Tọa đàm ngày hôm nay có phần đóng góp rất lớn từ các diễn giả - những người tham gia trực tiếp công tác tiếp công dân, lắng nghe yêu cầu, bức xúc của người dân; những người tham gia trực tiếp đoàn thanh tra, Tổ công tác thực hiện rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra khi chia sẻ thông tin và có những bình luận ở góc độ khoa học và thực tiễn xung quanh một chủ đề rất lớn, phức tạp, hấp dẫn là QLNN về đất đai từ hai vụ việc nói trên.

Đồng thời, những tồn tại, hạn chế cũng được chỉ ra trong các quy định của pháp luật cũng như những hạn chế trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai…về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thanh tra. Việc QLNN và thực hiện pháp luật về quy hoạch, quản lý sự dụng đất đai và đưa ra một số đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả QLNN về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai.

“Những thông tin hết sức quý báu của các đại biểu giúp chúng ta hiểu thêm bức tranh Đồng Tâm và Thủ Thiêm sâu sắc hơn, tiếp cận toàn diện hơn. Những nội dung thu lượm được từ Tọa đàm sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác nghiên cứu khoa học; hoàn thiện chính sách, pháp luật và nghiệp vụ thanh tra”, Viện trưởng Nguyễn Quốc Văn khẳng định./.

Theo thanhtravietnam.vn

Nguồn bài viết: http://thanhtravietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/nhin-tu-goc-do-khoa-hoc-ve-thuc-tien-thanh-tra-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-o-thu-thiem-va-dong-tam-191335

Bạn đang đọc bài viết "Nhìn từ góc độ khoa học về thực tiễn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Thủ Thiêm và Đồng Tâm" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin