Thêm nhiều quy định quản chặt bán hàng đa cấp

Nghị định thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp vừa được Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện, trong đó sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

52

Thanh toán hoa hồng đa cấp qua chuyển khoản

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định bảo đảm khả năng kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp của DN. Theo đó, để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa thông tin của DN bán hàng đa cấp, như yêu cầu DN xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối để nhà phân phối có thể truy cập và truy xuất các thông tin liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của họ.

Máy chủ quản lý phải được đặt tại Việt Nam và cung cấp quyền truy cập tài khoản quản lý khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

DN bán hàng đa cấp phải xây dựng và vận hành website để thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, kế hoạch trả thưởng, quy tắc hoạt động và Chương trình đào tạo cơ bản của DN, danh sách đào tạo viên, đồng thời phải công bố, cập nhật giá bán của sản phẩm, nêu rõ giá bán do DN tự công bố và chịu trách nhiệm, không phải do cơ quan có thẩm quyền thẩm định và xác nhận. DN phải công bố công khai thông tin về hoạt động bán hàng đa cấp, quy trình thực hiện các giao dịch với người tham gia bán hàng đa cấp, việc xử lý vi phạm, chấm dứt hợp đồng của người tham gia bán hàng đa cấp.

Ngoài việc có đường dây nóng để giải đáp thắc mắc, khiếu nại của nhà phân phối và người tiêu dùng, DN bán hàng đa cấp phải xuất hóa đơn bán hàng cho từng nhà phân phối, khách hàng. Yêu cầu này để đảm bảo quyền lợi của nhà phân phối, khách hàng trong trường hợp có yêu cầu DN mua lại hàng, trả lại tiền.

Dự thảo Nghị định yêu cầu DN bán hàng đa cấp phải thanh toán hoa hồng, tiền thưởng thông qua chuyển khoản. Khi quảng cáo về thu nhập của nhà phân phối, DN cần cung cấp kèm theo các thông tin sau: Tên tuổi, địa chỉ, cấp bậc; quy mô mạng lưới tuyến dưới; thời gian để đạt được thu nhập và Bản sao các chứng từ chứng minh thu nhập của nhà phân phối (cung cấp khi được yêu cầu).

Không được tổ chức đại lý, ủy thác để mở rộng mạng lưới

Về ký quỹ, để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp khi phát sinh tranh chấp, Dự thảo Nghị định nâng cao mức ký quỹ tối thiểu lên 10 tỷ đồng và hàng năm cần có quy định để yêu cầu DN thực hiện ký quỹ tương ứng với quy mô mạng lưới hoặc doanh thu của doanh nghiệp.

Thực tế hoạt động bán hàng đa cấp thời gian qua cho thấy một số DN bán hàng đa cấp đã sử dụng các hình thức trung gian thương mại (đại diện, môi giới, ủy thác, đại lý) để phát triển và mở rộng mạng lưới của mình. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp với người tham gia bán hàng đa cấp, DN đã đùn đẩy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trung gian này.

Các cơ quan quản lý không thể quy trách nhiệm cho DN bán hàng đa cấp mà chỉ có thể xử lý các tổ chức, cá nhân trung gian, làm giảm hiệu quả thực thi của pháp luật. Để nâng cao trách nhiệm của DN bán hàng đa cấp, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định DN không được tổ chức các hoạt động trung gian thương mại phục vụ trực tiếp cho việc duy trì, phát triển và mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình.

Song song với việc nâng cao trách nhiệm của DN bán hàng đa cấp, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định cấm người tham gia bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt do không tuân thủ các quy định về quản lý kinh doanh đa cấp không được tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp.

Quy định về hội thảo từ 200 người trở lên

Một thay đổi khác ở Dự thảo Nghị định lần này so với quy định pháp luật hiện hành là bổ sung quy định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. Cụ thể, Dự thảo Nghị định yêu cầu DN bán hàng đa cấp phải thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp sau khi có xác nhận đăng ký bán hàng đa cấp bằng văn bản của Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó.

Trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương, DN bán hàng đa cấp phải chỉ định một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của DN và thay mặt DN làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó.

DN bán hàng đa cấp chỉ được phép tổ chức hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi DN có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Trong trường hợp hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo có quy mô từ 200 người trở lên, DN có trách nhiệm mời Sở Công Thương tham dự và Sở Công Thương có trách nhiệm cử đại diện tham dự để giám sát.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung thẩm quyền của các Sở Công Thương trong việc thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của DN tại địa phương.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định bổ sung các quy định về trách nhiệm chung của DN bán hàng đa cấp, bổ sung, làm rõ quy định về giao nhận hàng hóa, mua lại hàng hóa và chi trả hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác.

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin